Trực Ninh ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

07:07, 08/07/2019

Những năm qua, huyện Trực Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp qua các mô hình trình diễn; nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; mở các lớp tập huấn, dạy nghề... góp phần tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.

Trồng rau công nghệ cao tại Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng.
Trồng rau công nghệ cao tại Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng.

Trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, Trực Ninh đã thực hiện các dự án khoa học cấp huyện về lĩnh vực nông nghiệp. Tiêu biểu là đề tài “Ứng dụng chế phẩm sinh học ATY-TB để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng”. Qua áp dụng chế phẩm sinh học đã phân hủy được hết rơm rạ trên đồng ruộng, tạo độ xốp cho nền ruộng, tăng độ phì nhiêu, chất khoáng và vi sinh vật cho đất, tăng khả năng hút nước, chất dinh dưỡng để nuôi cây, đặc biệt rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa ở vụ sau từ 3-5 ngày, đồng thời cải thiện về năng suất và khắc phục tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi sau mỗi vụ thu hoạch hiện nay. Đề tài “Ứng dụng trồng cỏ Vetiver trên bãi sông, mái đê chống sạt lở bờ sông và bảo vệ môi trường” với chi phí thấp, áp dụng đơn giản, thân thiện với môi trường, tạo hàng rào “bê tông sinh học” chống xói mòn mái đê, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, góp phần phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Cùng với các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân thuê gom, tích tụ ruộng đất, tạo vùng diện tích lớn để đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hàng năm, huyện và các xã, thị trấn phối hợp với các đơn vị tổ chức gần 100 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng cây lương thực, thực phẩm cho gần 5.000 lượt người. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, biện pháp kỹ thuật thâm canh - chăm sóc cây trồng, vật nuôi áp dụng đã đem lại hiệu quả tích cực, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Nổi bật là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, xã Trực Hùng tích cực ứng dụng công nghệ, thực hiện cơ giới hoá các khâu sản xuất giống lúa từ làm thuỷ lợi nội đồng, làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản. Công ty đã phối hợp với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu để lai tạo, chọn tạo các giống lúa mới, chất lượng để đưa vào sản xuất; mua bản quyền một số giống lúa, ngô: TH3-3, CS6, CT16, M1-NĐ, HĐ9, Hương Cốm, Hương Cốm 4, Nếp VNUA16, VNUA69; đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại như: hệ thống kho lạnh bảo quản dung tích 2.000 tấn, hệ thống sấy lúa 150 tấn/ngày, hệ thống xay xát, đóng gói tự động... đảm bảo sản xuất khép kín nên hiệu quả kinh tế của chuỗi sản xuất đạt cao hơn sản xuất lúa đại trà từ 2,5-4 lần. Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng sản xuất 9ha rau, củ, quả sạch ứng dụng công nghệ cao gồm: trồng rau thủy canh, rau hữu cơ trong nhà màng; trồng rau hữu cơ và rau theo tiêu chuẩn VietGAP ngoài trời đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty đã xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ bản quyền; có mã vạch và tem điện tử để truy xuất nguồn gốc; thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện khuyến cáo các trang trại, gia trại, người chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất như: mô hình nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học; mô hình nuôi gà thả vườn; mô hình chăn nuôi vịt, ngan cao sản; sử dụng công nghệ biogas, phun men vi sinh, sử dụng đệm lót sinh thái xử lý chất thải chăn nuôi. Một số trang trại đã tăng cường áp dụng quy trình, công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến vào sản xuất như: công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi sinh thái, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAHP, công nghệ xử lý chất thải, sản xuất thịt lợn sạch... nhằm giảm thiểu phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tiêu biểu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chăn nuôi Phúc Hải, xã Phương Định có 1.200 con lợn nái sinh sản, 35 con lợn đực giống, cung cấp hơn 20 nghìn con lợn giống/năm góp phần cải tạo chất lượng đàn lợn thương phẩm của huyện với phẩm cấp cao, đạt tiêu chuẩn chế biến thực phẩm công nghiệp và xuất khẩu. Hiện trang trại chăn nuôi lợn của Công ty đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn và lở mồm long móng. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín của bà Ngô Thị Thắm, xã Trực Thuận và mô hình chăn nuôi lợn bằng phương pháp hữu cơ kết hợp thảo dược của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái cũng đã được công nhận trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do tác động của biến đổi khí hậu; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, giá cả nông sản bấp bênh, song với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (từ năm 2014-2018), giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác của huyện Trực Ninh tăng từ 97,94 triệu đồng lên gần 110 triệu đồng/ha/năm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm tăng nhanh, đạt trên 25 nghìn tấn, tăng gần 32% so với năm 2014.

Trong thời gian tới, huyện Trực Ninh định hướng tiếp tục tiếp thu, chuyển giao đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống và công nghệ thích hợp cho từng lĩnh vực, áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản. Xây dựng các mô hình khuyến nông theo chuỗi quản trị khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa công tác khuyến nông, khuyến ngư; tổ chức tốt hoạt động tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nâng cao trình độ sản xuất, quản lý và xây dựng nhiều mô hình trình diễn cho nông, ngư dân áp dụng. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất như: làm đất, gieo sạ, thu hoạch bằng máy… Tích cực thúc đẩy chương trình phối hợp với tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực cây trồng và đào tạo nhân lực nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com