Nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ thông tin

07:07, 15/07/2019

Theo kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh ta xếp thứ hạng 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 30 bậc so với năm 2017. Đây là thành quả khẳng định sự nỗ lực của tỉnh, các sở, ngành địa phương trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử.

Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND xã Xuân Hồng (Xuân Trường).
Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Nội dung đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm 6 hạng mục thành phần là: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan; trang/cổng thông tin điện tử (cung cấp, cập nhật thông tin; các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin và nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin. Cả 6 hạng mục thành phần này của tỉnh ta đều có mức tăng trưởng so với năm trước; trong đó 2 chỉ số tăng cao là cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc (tăng 43 bậc, năm 2017 xếp hạng 49) và nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc (tăng 19 bậc, năm 2017 xếp hạng 45). Để có kết quả này, UBND tỉnh đã tập trung mọi điều kiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, bước đầu hiện đại hóa nền hành chính và xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% cơ quan Nhà nước sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; cấp 6.349 hộp thư công vụ. Trong năm 2018, tỉnh đã khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh trên cơ sở chuyển đổi, tích hợp các dữ liệu và các dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai tại các sở, ngành, huyện, thành phố về một địa chỉ duy nhất là http://dichvucong.namdinh.gov.vn. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp 1.744 dịch vụ mức độ 2; 820 dịch vụ công mức độ 3, đảm bảo kỹ thuật sẵn sàng kết nối với phần mềm “Một cửa điện tử” của các đơn vị khác theo tiêu chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cổng dịch vụ công trực tuyến cho phép các cơ quan hành chính Nhà nước phối hợp giải quyết thủ tục hành chính xuyên suốt trên môi trường mạng, đảm bảo cung cấp thông tin tự động, trực tuyến về tình trạng giải quyết hồ sơ, cấp phép. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký một tài khoản duy nhất là có thể sử dụng các dịch vụ công của tất cả các đơn vị cung cấp; đồng thời có thể tham gia giám sát việc giải quyết các thủ tục hành chính được cung cấp thông qua mạng internet. Về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, UBND tỉnh, các ngành, các đơn vị đã chủ động bố trí cán bộ chuyên ngành phụ trách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức tối thiểu phải sử dụng thuần thục hộp thư điện tử (email), các phần mềm điều hành công việc. Xây dựng khung tiêu chuẩn bắt buộc về ứng dụng công nghệ thông tin đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức nói chung khi tuyển dụng, điều động và đề bạt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Do đó, đến nay 100% các sở, ngành, UBND huyện, thành phố đã bố trí được cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; riêng 3 ngành là Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có phòng, đơn vị, bộ phận chuyên trách riêng về công nghệ thông tin. Với nguồn nhân lực công nghệ thông tin này đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu của công việc trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với cấp độ hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn, tỉnh ta tiếp tục nâng cấp các chỉ số thành phần như hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan; trang/cổng thông tin điện tử, cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin… Theo đó Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì tập trung thực hiện các phần việc: Khai thác hiệu quả dịch vụ chữ ký số; xây dựng Mã định danh phục vụ việc trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hoàn thành việc triển khai giai đoạn 1 dự án phát triển hạ tầng kiến trúc Chính phủ điện tử; hỗ trợ các xã, thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành; phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các chuyên mục “công khai ngân sách”, “Thông tin doanh nghiệp Nhà nước” để đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, trang thông tin của các sở, ngành, UBND huyện, thành phố. Có kế hoạch khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; cử cán bộ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi cần giao dịch tại các cơ quan hành chính Nhà nước; hướng dẫn thực hiện giao dịch trực tuyến ở Bộ phận “một cửa điện tử” bằng video, tuyên truyền trên đài truyền thanh, trang tin điện tử của địa phương... Bên cạnh đó, để tiếp tục nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ thông tin ngoài các cơ quan chuyên môn thì người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải nhanh chóng tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến thay cho thói quen sử dụng dịch vụ công theo cách truyền thống./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com