Chữ ký số, chứng thư số là một phần mềm được mã hóa tất cả các dữ liệu, thông tin của một cá nhân dùng thay cho chữ ký trên các loại văn bản và tài liệu số thực hiện trong các giao dịch điện tử qua mạng internet. Trong đó, người ký dùng một phần mềm để gắn vào văn bản điện tử xác nhận thay cho chữ ký tay trên giấy, người nhận văn bản điện tử dùng chứng thư số để xác nhận chữ ký của người ký. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để đảm bảo tính xác thực, an toàn, bảo mật, toàn vẹn dữ liệu đối với văn bản điện tử và các giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Cùng với quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản, tài liệu của các cơ quan quản lý Nhà nước, việc triển khai ứng dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng trên địa bàn tỉnh góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, minh bạch trong cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử.
Cán bộ UBND Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) hướng dẫn người dân quy trình giải quyết thủ tục hành chính. |
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh, nhằm tăng hiệu quả xử lý công việc, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trong trao đổi văn bản điện tử của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, thúc đẩy cải cách hành chính, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 83 /KH-UBND ngày 21-8-2018 về triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2020. UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020: 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn được cấp chứng thư số và ứng dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước; 80% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử và được xác thực chữ ký số. Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai dịch vụ ứng dụng chữ ký số, chứng thư số cho các cơ quan Nhà nước trên địa bàn; tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến, tăng cường nhận thức cho các cơ quan, cán bộ, công chức về ứng dụng chữ ký số, chứng thư số và áp dụng chữ ký số, chứng thư số với văn bản điện tử. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức được cấp chữ ký số, chứng thư số khai thác, sử dụng có hiệu quả ứng dụng chữ ký số, chứng thư số; bồi dưỡng cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng hỗ trợ người dùng ứng dụng chữ ký số, chứng thư số tại các cơ quan, đơn vị. Tập trung rà soát hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (máy chủ, máy trạm, mạng máy tính, hệ thống bảo mật an ninh mạng, phần mềm bản quyền...); hệ thống mạng nội bộ, mạng internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước hoạt động thông suốt, liên tục và đảm bảo an toàn thông tin; đẩy mạnh triển khai sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh (quản lý văn bản và điều hành, phần mềm quản lý, theo dõi, đôn đốc văn bản, hòm thư công vụ, hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến...) và các phần mềm ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo tích hợp dịch vụ chữ ký số, chứng thư số. Tổ chức cấp, chuyển giao chữ ký số, chứng thư số và cài đặt ứng dụng chữ ký số, chứng thư số vào hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh như: thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý văn bản điều hành, phần mềm quản lý, theo dõi, đôn đốc văn bản; Cổng dịch vụ công trực tuyến và một số hệ thống thông tin chuyên ngành của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố đã đăng ký triển khai. Xây dựng, ban hành các quy định về quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng trong hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai sử dụng chữ ký số, chứng thư số. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã cung cấp 50 chứng thư số và 243 chữ ký số cho các cá nhân là lãnh đạo, chánh, phó văn phòng, trưởng các chi cục, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Tất cả chữ ký số, chứng thư số đã được tích hợp vào các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số sau khi triển khai vận hành ổn định và đem lại hiệu quả cao trong công việc; cán bộ, công chức chủ động, thường xuyên sử dụng hệ thống để tiếp nhận và xử lý văn bản đi, đến. Số lượng chữ ký số được gia hạn, cấp mới ngày càng tăng. Trong quá trình sử dụng, các sự cố liên quan đến chữ ký số và tiện ích bảo mật, an toàn thông tin đi kèm đều được đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật khắc phục kịp thời. Bên cạnh những thuận lợi, việc ứng dụng chữ ký số tại tỉnh ta cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: mức độ sử dụng chứng thư số trong các cơ quan chưa cao, chưa đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo của UBND tỉnh và mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Nguyên nhân là do kích cỡ con dấu số chưa chuẩn theo quy định nên phải điều chỉnh; quy trình sử dụng chữ ký số còn chưa linh hoạt; việc sử dụng chữ ký số liên quan đến việc đặt mã bảo mật đối với một số cán bộ, công chức do tuổi cao nên việc ứng dụng chưa nhanh và kỹ năng quản lý chữ ký số, chứng thư số của một số cán bộ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thông tin.
Theo lộ trình thực hiện ứng dụng chữ ký số, chứng thư số của tỉnh đến hết năm 2019 sẽ phổ cập đến các xã, phường, thị trấn, đáp ứng toàn bộ các giao dịch điện tử trên mạng internet; đến năm 2020 sẽ hoàn tất 100% văn bản ứng dụng chữ kỹ số và mở rộng đối tượng ra đến các doanh nghiệp và người dân. Do đó, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai bảo đảm các yếu tố hạ tầng công nghệ thông tin với hệ thống mạng hoạt động ổn định, đường truyền tốc độ cao kết nối mạng truyền số liệu; hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho quá trình ứng dụng chữ ký số. Đẩy mạnh tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức và toàn thể nhân dân về các quy định của pháp luật trong việc sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó các doanh nghiệp viễn thông đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để bảo đảm an ninh mạng; nghiên cứu mở rộng ứng dụng chữ ký số trên các thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại thông minh để người dùng dễ dàng sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương