Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2017 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2018-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, việc xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, dẫn đầu phong trào của cả nước có một trong những bài học là nhờ việc xác định người dân chính là chủ thể của Chương trình và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xử lý rác thải với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Xã Hải Thanh (Hải Hậu) xây dựng nông thôn mới “sáng - xanh - sạch - đẹp”. |
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã thực hiện hơn 400 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp Trung ương trên các lĩnh vực; đặc biệt, đã triển khai 19 dự án khoa học công nghệ thuộc chương trình nông thôn, miền núi. Thông qua các dự án đã tiếp nhận chuyển giao cho nông thôn hàng trăm quy trình công nghệ, xây dựng được nhiều mô hình chuyển giao kỹ thuật tiến bộ, đồng thời đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại chỗ và hơn 9.000 lượt nông dân được tập huấn kỹ thuật. Nổi bật trong đó là dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tại tỉnh Nam Định” bằng công nghệ khí canh, một trong những công nghệ được đánh giá là tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được mục đích sản xuất giống trên quy mô công nghiệp của tỉnh. Dự án thành công cũng là tiền đề để UBND tỉnh phê duyệt triển khai đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2018” với kết quả đã đáp ứng 50% nhu cầu giống sạch bệnh cho sản xuất khoai tây của tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ còn tranh thủ các nguồn vốn từ các dự án, chương trình hỗ trợ cấp quốc gia đầu tư đổi mới công nghệ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ cho hàng hoá chủ lực địa phương. Trong đó, ưu tiên lựa chọn đầu tư đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong những năm qua có hàng trăm doanh nghiệp được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ. Điển hình là dây chuyền công nghệ chế biến muối tinh khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Đạm, huyện Giao Thủy đã tạo ra sản phẩm muối tinh đạt chất lượng cao hơn tiêu chuẩn ngành (TCN 402-99) và vượt tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định. Dự án hoàn thiện lò đốt rác sinh hoạt Losiho của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thiên Phú, huyện Xuân Trường đã tạo ra sản phẩm lò đốt rác với năng suất 300-500kg/giờ; nồng độ các khí thải của lò đốt khi vận hành ổn định đảm bảo đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam; mẫu khí thải có giá trị TEQ là 1,53 ng/Nm3 nằm trong khoảng cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN:30/2012/BTNMT 2,3 ng/Nm3 cho lò đốt rác công nghiệp công suất khoảng 300 kg/giờ.
Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, ngành Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ xây dựng 2 nhãn hiệu tập thể là nước mắm Giao Châu và cá bống bớp Nghĩa Hưng; có 7 thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường là gạo sạch Toản Xuân; nông sản sấy Minh Dương; chả cá Hùng Vương; nước mắm Ninh Cơ; ngao sạch Lenger; ngao sạch Giao Thủy; muối biển nhạt Royal. Riêng nhãn hiệu ngao Giao Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. Vùng nuôi ngao Giao Thủy, Nghĩa Hưng được các nước trong khối Liên minh châu Âu - EU công nhận là vùng nuôi an toàn cấp độ C. Năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ ngao giữa các vùng nuôi ngao với Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình nông thôn mới, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các đề tài như: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Nam Định”; “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển các mô hình tổ chức sản xuất tại huyện nông thôn mới Hải Hậu, tỉnh Nam Định”. Kết quả nghiên cứu các đề tài này đã đưa ra các giải pháp để phát triển các chủ thể chính của sản xuất nông nghiệp là kinh tế hộ nông dân, trang trại, các hợp tác xã, doanh nghiệp và sự liên kết giữa các chủ thể; từ đó huy động, phát triển các nguồn nhân lực và tổ chức chính trị xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Có thể khẳng định, kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua không chỉ mang lại nhiều giá trị thiết thực về kinh tế mà còn bổ trợ kiến thức giúp người dân tích cực tham gia áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống; đưa ra cơ sở lý luận và luận cứ khoa học giúp các địa phương triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phù hợp. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 huyện, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 2 huyện Mỹ Lộc và Nam Trực đã đủ điều kiện đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Huyện Hải Hậu được Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 chọn làm huyện điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Mặc dù có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh, song có thể thấy do hạn chế về nguồn kinh phí cũng như nhân lực nên một số đề tài, dự án khoa học công nghệ vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, một số vấn đề quan trọng bức thiết nhưng chưa được đề xuất và tổ chức nghiên cứu.
Tiếp nối các kết quả khoa học và công nghệ đạt được trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới ngành Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai 5 nhiệm vụ, trong lĩnh vực nông nghiệp gồm xây dựng các chuỗi sản xuất lạc, sản xuất rau sạch công nghệ cao, sản xuất giống và lợn sữa Móng Cái, sản xuất giống và nuôi thương phẩm Hàu đơn Thái Bình Dương và sản xuất gạch không nung trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Phối hợp nghiên cứu, chuyển giao đồng bộ ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; chuyển mạnh từ sản xuất vì mục tiêu số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các loại rau, hoa, quả, thực phẩm, chăn nuôi đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát huy lợi thế của từng vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa; trong đó, đặc biệt chú trọng đến các dự án, mô hình phục vụ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh