Những năm qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) trong lĩnh vực trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh tại xã Nam Vân (Thành phố Nam Định). |
Nhiều mô hình ứng dụng TBKT đã được tổ chức thực hiện thành công góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng các thế mạnh của từng địa phương. Thông qua các mô hình, người nông dân có cơ hội tiếp cận kiến thức khoa học, TBKT, học hỏi chia sẻ cách làm hay, từng bước tạo ra những thay đổi trong đời sống kinh tế của gia đình, thay đổi diện mạo nông thôn. Điển hình là các mô hình sản xuất hàng hóa “cánh đồng lớn” được Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng từ năm 2014 đang được các địa phương tổ chức nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 214 “cánh đồng lớn” trên cây lúa và cây rau màu khác; trong đó có 34 “cánh đồng lớn” với diện tích gần 1.500ha “nâng cấp” thành “cánh đồng liên kết” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Việc tổ chức sản xuất theo “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đã hình thành một vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng những kỹ thuật và công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm ổn định cho nông dân; đồng thời tăng tính hợp tác cộng đồng, hạn chế sự chênh lệch về trình độ, kỹ thuật, phương thức thâm canh giữa các hộ nông dân trên cùng một vùng sản xuất. Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng các “cánh đồng lớn” cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất, nâng tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất đạt 100%, gieo cấy đạt 45%, thu hoạch 82%, tăng năng suất, hiệu quả lên từ 10-15% so với sản xuất đại trà, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho nông dân, bảo vệ môi trường, giảm phát thải… đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Giải được bài toán về tăng năng suất để đảm bảo hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển hướng từ “lượng” sang “chất” cho các loại cây trồng nhằm tăng sức cạnh tranh nông sản trên thị trường. Những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo nghiệm, đánh giá và lựa chọn bổ sung vào cơ cấu sản xuất của tỉnh hàng chục giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Điển hình là các giống lúa Dự hương, M1-NĐ, TBR225, Thiên ưu 111, Kim cương 111; các giống cây rau màu là lạc Trạm dầu 207, khoai tây Đức, bí xanh Thành Nông 1… Cơ cấu giống lúa chất lượng cao hiện tăng lên trên 70% diện tích gieo cấy, các giống lúa nhiễm sâu bệnh nặng trong vụ mùa từng bước được thay thế bằng các giống kháng sâu bệnh; hiệu quả sản xuất tăng 7-10% so với trước đây. Đã xây dựng được một số mô hình sản xuất gạo sạch theo chuỗi như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (Hải Hậu), bước đầu khẳng định được “vị thế” của thương hiệu gạo Nam Định, nhận được sự tin dùng của nhiều thị trường và người tiêu dùng kỹ tính.
Chương trình phát triển sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đang được triển khai thực hiện tích cực. Đây cũng được xác định là một trong những định hướng trọng điểm của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà tỉnh đề ra nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hiện đại, bền vững. Từ năm 2015 đến nay, hàng năm, tỉnh thực hiện được hàng chục mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Trên địa bàn tỉnh hiện đã có Công ty VinEco, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tuệ Hương, Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh… được chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tranh thủ nguồn tài trợ của JICA từ Dự án Hỗ trợ thúc đẩy nâng cao thu nhập và ổn định sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cho khu vực lân cận Thành phố Hà Nội và Nam Định; cùng với sự hỗ trợ của tỉnh Ibaraki, Miyazaki (Nhật Bản), mỗi năm, tỉnh thực hiện được 7-10 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản và đang tiếp tục nhân ra diện rộng. Đồng thời đã tiếp thu, ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ Nhật Bản, sử dụng cho sản xuất rau an toàn. Đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và đảm bảo an toàn thực phẩm đã thu hút được các doanh nghiệp, địa phương quan tâm như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Đình Mộc (Xuân Trường), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nam Cường và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Dương (Ý Yên)… Việc xây dựng thành công các mô hình trồng rau an toàn; sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều quan trọng cốt lõi bảo đảm sản xuất bền vững mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc đẩy mạnh áp dụng TBKT trong trồng trọt hiện nay vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là trình độ thâm canh của phần đông nông dân chưa cao, cộng với những hạn chế trong tác phong lao động, sự tùy tiện trong thực hành sản xuất do thói quen sản xuất truyền thống vẫn còn tồn tại nên khó đáp ứng yêu cầu của các mô hình mới áp dụng TBKT với quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Ngoài ra, việc quy hoạch vùng sản xuất lúa, rau màu ở một số địa phương chưa hợp lý, thiếu định hướng về thị trường để phát triển với quy mô sản xuất hàng hóa cũng đang là những yếu tố gây khó khăn để thúc đẩy phát triển phương thức sản xuất mới. Công tác tập huấn, chuyển giao TBKT cho nông dân chưa được thực hiện đồng đều ở các địa phương; tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất ứng dụng TBKT còn hạn chế từ tỉnh tới cơ sở. Nhiều cán bộ khuyến nông cơ sở chưa qua đào tạo, năng lực hạn chế nên khó thực hiện được vai trò cầu nối tích cực để phổ biến, nhân rộng các mô hình và tập huấn kỹ thuật cho nông dân.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường việc tiếp thu, chuyển giao đưa nhanh các TBKT vào quản lý và sản xuất, lựa chọn giống và công nghệ thích hợp trong lĩnh vực trồng trọt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến nông sản. Xây dựng các mô hình khuyến nông theo chuỗi, quản trị khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa công tác khuyến nông; tổ chức tốt hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất, quản lý và xây dựng nhiều mô hình trình diễn cho nông dân áp dụng. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất như: làm đất, gieo sạ, thu hoạch bằng máy… Phối hợp với tỉnh Miyazaki tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực cây trồng và đào tạo nhân lực nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh