Vắc xin giúp gia cầm có khả năng phòng bệnh bao phủ các chủng virus đang lưu hành tại Việt Nam, được nghiên cứu sản xuất trong nước.
Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco vừa sản xuất 1,5 triệu liều vắc xin cúm gia cầm A/H5N1 (Navet – Fluvac 2) ở quy mô công nghiệp để kiểm nghiệm và khảo nghiệm trong thực tế.
Các lô vắc xin bước đầu được kiểm tra chất lượng ở cấp cơ sở bằng các phương pháp huyết thanh học, công cường độc, xác định PD50, được đánh giá đạt kết quả tốt. Hiện vắc xin cúm gia cầm A/H5N1 Fluvac 2 đang trong giai đoạn khảo nghiệm và kiểm nghiệm cấp quốc gia.
Dây chuyền đóng chai vắc-xin. |
Đây là kết quả từ dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện quy trình sản xuất vắc -xin vô hoạt nhũ dầu quy mô công nghiệp phòng bệnh cúm A/H5N1 cho gia cầm do các biến chủng mới gây ra tại Việt Nam" do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) chủ trì thực hiện. Dự án thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.
Ông Nguyễn Văn Dung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Navetco, đơn vị thực hiện dự án cho biết, đến tháng 6/2019 dự án kết thúc nhưng hiện nay tiến độ đã đạt 80-90%.
Hoàn thành mục tiêu đặt ra, nhóm nghiên cứu sẽ tạo ra một sản phẩm mới Navet Fluvac 2, bao gồm hai loại kháng nguyên (vắc xin nhị giá) có khả năng bảo hộ chống lại các virus cúm gia cầm đang lưu hành tại Việt Nam như H5N1 với các nhánh khác nhau 1.1, 2.3.2.1.c và H5N6.
"Khi có vắc xin này, khả năng phòng bệnh có thể bao phủ các chủng virus đang lưu hành tại Việt Nam. Thời gian tới Việt Nam sẽ không phải nhập vắc xin do chủ động sản xuất trong nước, giá thành thấp hơn rất nhiều so với nhập ngoại", ông Dung cho biết.
Ông Dung cho biết, để thực hiện được, công ty nhận được sự hỗ trợ từ Văn phòng các Chương trình từ khi đề xuất, xây dựng đến khi triển khai dự án. Hai bên thường xuyên kết nối, báo cáo tiến độ và kiểm tra thực tế, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Việc đầu tư kinh phí để nghiên cứu chủ động giống gốc có ý nghĩa rất quan trọng, từ đó có thể tạo ra các loại vắc xin mới, phù hợp kháng nguyên với virus lưu hành tại Việt Nam.
"Chúng tôi đang cùng với Viện Công nghệ sinh học nghiên cứu tạo giống gốc nhằm chủ động về công nghệ di truyền ngược (reverse genetics) tạo chủng vắc xin mới với các biến chủng mới xảy ra tại Việt Nam", ông Dung nói.
Theo khoahoc.tv