Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Nam Trực đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện các chương trình, dự án, đề án về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Mô hình chăn nuôi vịt super của gia đình anh Vũ Văn Tô, xóm 9, xã Nam Tiến (Nam Trực) cho thu nhập 250-300 triệu đồng/năm. |
Hằng năm, Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện và các đơn vị doanh nghiệp, công ty tổ chức từ 120-150 lớp tập huấn cho hội viên nông dân. Theo đó, để hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, các cấp Hội trong huyện đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành làm tốt dịch vụ hỗ trợ nông dân về giống, vật tư nông nghiệp, tiến bộ kỹ thuật. Trong 5 năm qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động thuộc diện hộ nghèo và gia đình chính sách, người có công. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các công ty tổ chức trên 800 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 68.674 lượt người tham dự. Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các doanh nghiệp như: Công ty Phân bón Ninh Bình, Phân lân nung chảy Văn Điển... cung ứng trên 800 tấn vật tư theo hình thức chậm trả, giúp nông dân chủ động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng. Đồng chí Tống Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Trực cho biết, việc tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên đã giúp cho hội viên, nông dân có thêm kiến thức, tiếp cận với phương thức canh tác mới, bảo đảm đúng quy trình sản xuất. Vì vậy, với vai trò cầu nối, Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thúc đẩy phong trào; phối hợp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất... Từ đó, các hoạt động phong trào do Hội Nông dân phát động luôn thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham gia hưởng ứng. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa rộng, tạo động lực khích lệ cán bộ, hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Một số hộ nông dân đã tích tụ đất, đầu tư máy móc, công nghệ tổ chức sản xuất quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Từ trong phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, đi đầu trong tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Vũ Văn Phúc, hội viên nông dân xã Nam Thái; bà Phạm Thanh Tôn, xóm 13, xã Đồng Sơn đã đầu tư máy móc, nông cụ sản xuất, gieo cấy trên 2ha lúa; hộ ông Nguyễn Văn Huy, xã Nam Thái xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng với diện tích 2ha; hộ ông Phạm Văn Minh, chi Hội Nông dân xóm 1, xã Nam Toàn chuyên trồng và kinh doanh hoa phong lan; hay mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Đăng Ninh, chi Hội Nông dân xóm 2, xã Nam Toàn; ông Nguyễn Công Phượng (chi 3), ông Lưu Văn Di (chi 33), ông Nguyễn Đình Trực (chi 6) xã Điền Xá chuyên trồng hoa, cây thế, cây cảnh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Nguyễn Thị Thanh, xóm 9, xã Nam Tiến cho biết, chị thường xuyên được Hội Nông dân huyện, xã mời tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Qua đó, gia đình chị có thêm kiến thức để phát triển chăn nuôi an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện gia đình chị đang nuôi hơn 3.000 con vịt thịt. Đây là giống vịt nuôi có thời gian từ 55-60 ngày là có thể xuất bán. Để phòng dịch, qua tập huấn, chị có thể tự tiêm thuốc phòng dịch cho đàn vịt. Với việc tuân thủ đúng quy trình tiêm phòng, việc chăn nuôi của gia đình chị luôn thuận lợi và phát triển. Mỗi năm, gia đình chị nuôi 5-6 lứa vịt, trừ chi phí còn có thu nhập 200-250 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã ký hợp đồng trách nhiệm với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 750 tỷ 686 triệu đồng cho 6.570 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 130 tỷ 498 triệu đồng cho 5.511 hộ vay. Cùng với việc phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay, Hội Nông dân huyện đã thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng tốt nguồn vốn ủy thác từ quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, tỉnh với tổng số vốn 1 tỷ 350 triệu đồng cho vay 3 dự án với 60 lượt hộ vay. Các dự án sau khi được vay vốn đã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân. Ngoài ra các cơ sở Hội còn chủ động xây dựng quỹ Hội, quỹ hỗ trợ nông dân để tương trợ, giúp đỡ hội viên nghèo gặp khó khăn về vốn để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tính đến nay, tổng quỹ Hội đạt 1,7 tỷ đồng; quỹ hỗ trợ nông dân toàn huyện đạt 145 triệu đồng.
Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong huyện tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi, hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; trong đó, hướng vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, nhất là việc sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh; tối ưu hóa năng suất, chất lượng cây trồng nông, lâm nghiệp; sản xuất các chế phẩm sinh học dùng trong bảo vệ cây trồng, vật nuôi, bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản. Ưu tiên ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật trong các lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...; phát triển xây dựng các mô hình thử nghiệm các quy trình công nghệ giống cây trồng, vật nuôi mới với địa phương, triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả. Tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Chủ động liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp thực hiện liên kết, ký hợp đồng và liên kết để mở rộng các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục vận động nông dân tham gia thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện. Tuyên truyền, nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả. Các cấp Hội chủ động ký kết hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp máy nông nghiệp, giống cây, con, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, thức ăn chăn nuôi theo phương thức trả chậm. Thường xuyên phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất cho nông dân. Hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn