Hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật ở Mỹ Lộc

07:12, 26/12/2018

Ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy sản xuất phát triển là định hướng chiến lược được Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Lộc tập trung chỉ đạo, khuyến khích người dân thực hiện. Sau nhiều năm kiên trì triển khai, huyện Mỹ Lộc bước đầu đã thu được kết quả thiết thực với nhiều sản phẩm đặc trưng có sức cạnh tranh lớn trên thị trường.

Kiểm tra chất lượng trứng gà sạch tại trang trại của gia đình anh Trần Bùi Nam, đội 10, xã Mỹ Trung.
Kiểm tra chất lượng trứng gà sạch tại trang trại của gia đình anh Trần Bùi Nam, đội 10, xã Mỹ Trung.

Huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền; giúp người dân và doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu thông tin, chủ động kế hoạch khi đến giao dịch hành chính. Ngoài việc ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO vào công việc ở khối các ban, ngành của Huyện ủy, UBND huyện, một số lĩnh vực chuyên môn đã ứng dụng những phần mềm chuyên ngành để giải quyết công việc; xây dựng thành công mô hình cung cấp thông tin khoa học công nghệ cấp xã, đáp ứng yêu cầu tiếp cận với khoa học kỹ thuật của người dân. Trong đó, phần mềm quản lý hộ tịch và phần mềm hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng đã được Phòng Tư pháp và Phòng Công thương huyện ứng dụng thành công. Đây là 2 phần mềm có diện phổ cập rộng, được đánh giá cao trong giải quyết các vấn đề liên quan, giúp người dân và doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu thông tin, chủ động kế hoạch trước khi đến giao dịch hành chính, giảm áp lực công việc cho cán bộ, công chức, tiết kiệm thời gian và bảo đảm tính chính xác, thuận tiện cho công tác quản lý lưu trữ, hồ sơ. Trong sản xuất nông nghiệp, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất, canh tác của từng địa phương; xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các loại phân bón đa dinh dưỡng cho cây trồng…; khuyến khích được các đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi gà, lợn công nghệ cao; nuôi cá trắm đen quy mô công nghiệp sử dụng thức ăn vi sinh đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm; trồng rau màu công nghệ cao và nuôi cá lồng trên sông Hồng theo công nghệ vi sinh… Tiêu biểu như mô hình nuôi gà đẻ của gia đình anh Trần Bùi Nam, đội 10, xã Mỹ Trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Vào nghề chăn nuôi gà từ năm 2013, nhưng hai năm sau anh Nam mới ổn định được sản xuất theo công nghệ chuồng kín cho đàn gà đẻ trên 6.000 con. Tất cả các khâu chăn nuôi trong trang trại của anh đều thực hiện theo quy trình khép kín nghiêm ngặt, từ cho ăn, xử lý chất thải, môi trường không khí, bảo quản trứng gà… Khu nuôi gà đẻ được lắp đặt hệ thống cảm biến tự động để điều chỉnh nhiệt độ, vận hành hệ thống lọc gió, gạt phân, đẩy trứng nhằm đảm bảo dữ liệu luôn được cập nhật đầy đủ và duy trì, kiểm soát theo đúng quy định. Toàn bộ chất thải chăn nuôi được xử bằng phương pháp vi sinh hữu cơ để đảm bảo an toàn môi trường và tạo nguồn phân bón chất lượng cao tái sử dụng cho trồng trọt. Đặc biệt để đảm bảo chất lượng trứng cao nhất theo yêu cầu của khách hàng Nhật Bản, ngoài việc sử dụng cám tiêu chuẩn của công ty, anh Nam còn bổ sung thêm thực phẩm chức năng và các chất dinh dưỡng khác để tăng cường sức khỏe đàn gà cũng như đảm bảo trứng có hàm lượng DHA cao nhất. Hiện tại mỗi ngày trang trại thu được khoảng 5.000 quả trứng. Trứng gà của trang trại gia đình anh đã được Trung tâm Khoa học Công nghệ và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp uy tín chất lượng cao; được Công ty Tamago Việt Nam hợp đồng phân phối sản phẩm ra thị trường với nhãn hiệu uy tín trứng gà sạch “mochi mochi Tamago”. Ngoài mô hình này, trên địa bàn huyện còn nhiều mô hình tiêu biểu như nuôi cá trắm đen trong lồng, sử dụng thức ăn vi sinh của xã Mỹ Hà với sản lượng 400-500 tấn/năm và ứng dụng công nghệ trong trồng hoa màu tại làng hoa Hồng Hà, xã Mỹ Tân… Những mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất thành công giúp các hộ dân trên địa bàn có hình mẫu tham khảo, học tập, ứng dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững. Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề may mặc xã Mỹ Thắng đã ứng dụng công nghệ cao vào chế biến sản xuất bông, vải, sợi, quần áo thời trang, ga, gối, rèm mành và chăn bông, đệm mút để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm nguyên liệu dư thừa, bụi vải gây ô nhiễm môi trường. Một số cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa tại xã Mỹ Hưng đã ứng dụng công nghệ xử lý khói bụi do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) chuyển giao nhằm hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Các làng nghề chế biến gỗ, tre nứa ghép tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị máy móc hỗ trợ sản xuất và ngâm tẩm nguyên liệu theo công thức hoá sinh hạn chế gây ô nhiễm môi trường nước.

Phát huy kết quả đã đạt được trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và giải quyết công việc chuyên môn, thời gian tới, huyện Mỹ Lộc tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học kỹ thuật trong đời sống, lao động, sản xuất; có giải pháp khuyến khích nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng phạm vi ứng dụng sang các lĩnh vực giáo dục, y tế; đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất. Hỗ trợ nhân dân tiếp cận các nguồn vốn để bổ sung nguồn lực cho phát triển sản xuất, các dự án đầu tư công nghệ mới, bảo vệ môi trường làng nghề, giúp người dân làm giàu tại quê hương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



ST90N tại vietteldata.vnThuê Server có GPU hiệu năng cao iphone 15

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com