Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của loài cá ăn thịt đầu tiên trên Trái đất tại một mỏ đá ở Đức. Những con cá này sống ở biển trong thời gian mà khủng long vẫn còn thống trị mặt đất.
Loài cá này sở hữu bộ răng giống như loài cá hổ và đó chính là vũ khí giúp chúng tấn công những loài cá khác.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy những "nạn nhân" của loài cá ăn thịt này trong cùng mỏ đá vôi ở Ettling, vùng Solnhofen ở miền nam nước Đức. Những con mồi được tìm thấy trong tình trạng mất vây.
Hóa thạch 150 triệu năm của loài cá ăn thịt sớm nhất lịch sử. |
Cuộc phát hiện này do nhà nghiên cứu David Bellwood thuộc Đại học James Cook dẫn đầu. Nhóm nghiên cứu gọi loài cá mới được phát hiện là Piranhamesodon pinnatomus. Đây là một bằng chứng quan trọng cho sự tiến hóa của các loài động vật.
Loài cá này được cho là tổ tiên của cá Hổ, tuy vậy nó không ăn thịt mà chủ yếu ăn vây các loài cá khác. Đây được cho là cách săn mồi thông minh vì vây có thể mọc lại được, một nguồn thức ăn có thể tái tạo.
Nghiên cứu về loài cá này tiết lộ nó có răng dài, nhọn nằm ở bên ngoài mái của vòm miệng. Nó có những cái răng đáng sợ ở cả phía trước và hai hàm trên dưới. Những chiếc răng cửa đủ để cắn đứt vây con mồi.
Với phát hiện này, có vẻ, chúng ta đã tìm ra loài cá sớm nhất lịch sử tấn công những loài cá khác. Hóa thạch loài cá này được để tại Bảo tàng Jura ở Eichstatt.
Đại diện bảo tàng cho biết, họ rất bất ngờ khi thấy loài cá này có răng giống cá hổ. Nó có thể xuất hiện từ một nhóm cá ăn thịt và phát ra tiếng gầm gừ như loài chó sói. Điều đặc biệt nhất là nó có từ thời Jura.
Trước đó, người ta từng cho rằng, những loài cá ăn thịt xuất hiện ở giai đoạn muộn hơn.
Theo khoahoc.tv