Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất ở Xuân Phương

07:10, 19/10/2018

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác là giải pháp mà Đảng ủy, UBND xã Xuân Phương (Xuân Trường) tập trung chỉ đạo để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và làng nghề truyền thống phát triển.

Ứng dụng công nghệ đục CNC vào sản xuất tượng ở cơ sở chạm khắc tượng của gia đình anh Trần Văn Hiệu, xóm Bắc, xã Xuân Phương.
Ứng dụng công nghệ đục CNC vào sản xuất tượng ở cơ sở chạm khắc tượng của gia đình anh Trần Văn Hiệu, xóm Bắc, xã Xuân Phương.

Xã Xuân Phương có hai làng nghề thủ công truyền thống là thêu ren và chạm khắc gỗ nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Trong đó, nghề chạm khắc gỗ truyền thống của các thôn Trà Đông, Trà Đoài và nghề thêu tay ở thôn Phú Nhai với những sản phẩm độc đáo phục vụ nghi lễ tôn giáo như: Tượng thiên chúa, tòa thờ, màn chân, áo lễ, du kiệu thánh thể, áo tượng, áo kiệu, cờ, lọng… Nghề đã có thời gian dài tồn tại sầm uất, mặc dù vậy, khi mới chuyển đổi cơ chế, kinh tế thị trường mở cửa, nghề truyền thống ở Xuân Phương từng bị mai một. Có thời điểm, cả làng nghề thêu thôn Phú Nhai chỉ còn 5-7 hộ làm nghề, với chừng 10-15 lao động, nghề điêu khắc gỗ cũng không mấy phát triển, trong khi sản xuất nông nghiệp người dân lại thiếu kinh nghiệm thâm canh do phần lớn lao động trước đó dành nhiều thời gian làm nghề truyền thống. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã Xuân Phương xác định phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT ở cả 2 mũi nhọn kinh tế làng nghề và sản xuất nông nghiệp. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu này, ngoài việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và TTCN, xã còn chỉ đạo các đoàn thể tích cực phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho người dân; tranh thủ mọi chương trình dự án ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và hỗ trợ vốn cho người dân đổi mới công nghệ. Trong đó, nông nghiệp tập trung quy hoạch phát triển cánh đồng lớn sản xuất đồng trà, đồng giống, ứng dụng các kỹ thuật cấy lúa hàng rộng, hàng hẹp hợp lý để phát huy hiệu quả tối đa của ánh sáng mặt trời và các loại phân bón. Khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây vụ đông, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, làm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình nông nghiệp đã được nhân dân xã Xuân Phương xây dựng hiệu quả. Tiêu biểu như trang trại VAC của anh Phan Xuân Kiều, xóm Nam xây dựng trên khu đất trũng trồng lúa không hiệu quả được cải tạo vượt ruộng làm vườn, đào ao thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi tạo thành mô hình tổng hợp. Để nâng cao chất lượng nông sản, phòng ngừa dịch bệnh, vườn cây ăn quả được anh thiết kế xen kẽ giữa khu vực chăn nuôi, ao thả cá để tạo không gian thoáng đãng, tránh lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào trang trại cũng như lây nhiễm chéo ngay trong trang trại. Anh Kiều tham gia đầy đủ các buổi tập huấn phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do địa phương tổ chức và tích cực áp dụng các kiến thức vào sản xuất, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại… đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Anh còn trồng thêm các loại cây ăn quả, rau xanh, đặc biệt là trồng sen, thả rau muống trong ao để làm sạch môi trường nước một cách tự nhiên và làm thức ăn cho cá. Cá nuôi trong ao trồng sen, rau muống, có môi trường sống và dinh dưỡng hoàn toàn tự nhiên nên chất lượng thịt chắc và thơm được thị trường ưa chuộng. Mỗi năm, trang trại của anh đã cho thu hoạch hàng chục tấn cá và thịt gia súc, gia cầm khác. Mặc dù mức thu nhập chưa hẳn cao so với các mô hình trang trại tổng hợp khác trong tỉnh nhưng đây được coi là mô hình mẫu cần nhân rộng về ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp. 

Trong phát triển CN-TTCN, xã đã quy hoạch 4,4ha đất tại xóm 1 và xóm Bắc để tạo mặt bằng lớn thu hút các hộ làm nghề đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, nghề thêu truyền thống đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề. Xã khuyến khích các hộ dân làm nghề thành lập tổ quản lý làng nghề truyền thống, phối hợp với các đoàn thể để liên kết giúp nhau ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ điều kiện để các hộ dân trong làng nghề vay vốn đầu tư công nghệ mới, phát triển sản xuất. Người làm nghề thêu, nghề chạm khắc gỗ truyền thống ở Xuân Phương hiện nay không hoàn toàn làm thủ công như trước. Việc phác thảo mẫu thêu và thêu một số chi tiết đơn giản như đường diềm trang trí, hoa văn góc của các bức tranh thêu, cờ phướn… đã được ứng dụng bằng máy đảm bảo độ tinh xảo, chính xác. Nghề chạm khắc gỗ cũng đã sử dụng các loại máy công nghiệp, đặc biệt là máy đục CNC vào sản xuất. Do đó sản phẩm truyền thống của làng nghề đã đa dạng mẫu mã hơn, sản xuất nhanh hơn và giá thành cũng giảm đáng kể, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như tính cạnh tranh của thị trường. Tại cơ sở thêu của gia đình ông Đinh Công Khải, xóm Bắc đã đầu tư 15 giàn máy thêu vi tính để phục vụ sản xuất. Bình quân mỗi ngày, mỗi giàn máy thêu được từ 3-5 sản phẩm, công suất bằng từ 7-8 lao động thủ công trước đây. Không chỉ thêu, ông Khải còn đầu tư máy may công nghiệp để may hoàn tất sản phẩm ngay tại cơ sở. Gia đình anh Trần Văn Hiệu, xóm Bắc chuyên sản xuất tượng phục vụ công trình tôn giáo đầu tư 3 giàn máy đục vi tính công nghệ cao và cơ giới hóa hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất. Người thợ đục chạm ngày nay không còn phải vất vả “phá” gỗ tạo hình mà chỉ làm thủ công bằng tay khâu hoàn thiện, trau chuốt, thổi hồn vào từng sản phẩm cho thật sắc nét, sinh động. Cũng chính nhờ việc đưa công nghệ vào sản xuất sản phẩm truyền thống mà người thợ làng nghề có điều kiện đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài các loại tượng và đồ dùng phục vụ trong nhà thờ công giáo, làng nghề đã làm thêm các sản phẩm mới như: hoành phi, nghi trướng, bức trướng mừng thọ, tân gia, cờ thi đua… Nhờ đó từ chỗ khó khăn, sản xuất cầm chừng, làng nghề đã được khôi phục và ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, sản phẩm truyền thống của làng nghề thêu thôn Phú Nhai và làng nghề chạm khắc gỗ Trà Đông, Trà Đoài đã xuất khẩu sang các nước lân cận... góp phần nâng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề, dịch vụ chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất của xã. 

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, giúp người dân làm giàu ngay tại quê hương, xã Xuân Phương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn phát triển sản xuất, các dự án đầu tư công nghệ mới, bảo vệ môi trường làng nghề./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com