Tăng cường ứng dụng công nghệ tái tạo năng lượng

08:09, 24/09/2018

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, nguồn năng lượng tự nhiên, đặc biệt là năng lượng hóa thạch dần khan hiếm, việc tăng cường ứng dụng công nghệ để tái tạo năng lượng, giảm áp lực khai thác nguyên liệu tự nhiên đang trở thành là xu hướng tất yếu. Ở tỉnh ta, việc ứng dụng công nghệ tái tạo năng lượng phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân ngày càng được các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Xây hầm bi-ô-ga xử lý chất thải chăn nuôi tại xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).
Xây hầm bi-ô-ga xử lý chất thải chăn nuôi tại xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).

Tỉnh ta có nhiều thuận lợi để khai thác sản xuất năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, khí và nhiên liệu sinh học… Với nguồn năng lượng này có thể tái tạo thành điện năng, nhiệt năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Để sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tạo mọi điều kiện, tranh thủ các nguồn lực ứng dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo vào sản xuất và đời sống. Trên cơ sở đó, các sở, ngành chức năng đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ tái tạo theo đặc thù chuyên môn và tranh thủ mọi sự hỗ trợ tuyên truyền, ứng dụng, chuyển giao công nghệ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ tái tạo năng lượng đã được triển khai trên địa bàn tỉnh như: ứng dụng sử dụng năng lượng mặt trời thành nhiệt năng, điện năng; tái tạo rác thải thành nhiệt năng, điện năng, phân vi sinh; tái tạo chất thải nông nghiệp thành khí sinh học… Trong đó, với vai trò là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, Sở KH và CN đã triển khai thực hiện nhiều chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị trực thuộc, các địa phương, cá nhân nghiên cứu, triển khai ứng dụng nhiều dự án KHCN tái tạo năng lượng. Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KHCN (Sở KH và CN) đã thực hiện nhiều chương trình ứng dụng công nghệ tái tạo năng lượng như: mô hình bếp ga hồng ngoại sử dụng nguyên liệu là các phụ phẩm nông, lâm nghiệp như rơm, rạ, mùn cưa, dăm bào, củi, gỗ vụn, thân cây ngô, lõi ngô, bã sắn, bã mía… Sở KH và CN hỗ trợ triển khai đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ lọc nước biển mặn thành nước sinh hoạt phục vụ đời sống người dân khu vực ven biển. Sở KH và CN phối hợp với các ngành chức năng tổ chức Hội thi sáng tạo KHKT dành cho CNVCLĐ và Cuộc thi sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh để phát động các tập thể, cá nhân trong toàn tỉnh nghiên cứu đưa ra các giải pháp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nhiều giải pháp mang tính ứng dụng cao như: giải pháp "Máy dọn rác trên ao, hồ, sông điều khiển từ xa sử dụng năng lượng mặt trời" của 2 học sinh Trường THCS Kim Thái (Vụ Bản); nhiệt phân rơm rạ thành phân bón hữu cơ dạng khối và sản xuất dầu sinh học từ rơm rạ trong quy mô phòng thí nghiệm của học sinh Trường THPT Hải Hậu A. Những ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực tái tạo năng lượng của các em học sinh đã được các thầy, cô giáo, nhà trường và các ngành chức năng hỗ trợ phát triển. Hiện tại Sở KH và CN đang phối hợp với các cơ quan Trung ương nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện rác WTE vào thực tế thay cho việc xử lý rác thải thông qua hai cách đốt và chôn lấp thông thường hiện nay. Đây là công nghệ xử lý được thực hiện trên dây chuyền tách biệt riêng thành 2 dòng vật chất: Dòng vật chất thứ nhất là hữu cơ mô mềm và nước. Đây là những tác nhân phân hủy sinh học rất nhanh gây ra ruồi, muỗi, mùi, nước rỉ rác. Dòng vật chất này được chuyển xuống hầm bi-ô-ga để sản xuất khí mê-tan (CH4), cũng là khí đốt; dòng vật chất thứ hai là xơ bã rác, được trộn với đất, cát, đá, sắt, nylon… đưa vào nhiệt hóa để sinh ra khí tổng hợp syngas (là khí cháy). Sản phẩm cuối cùng của quá trình này là phát điện, không còn phần trăm nào để chôn lấp. Đặc biệt trong suốt quá trình xử lý, không có phát thải thứ cấp, không có nước thải, không có chất thải rắn chôn lấp. Cùng với Sở KH và CN, các sở, ngành khác cũng tích cực vào cuộc trong việc ứng dụng công nghệ tái tạo năng lượng. Trong đó, Sở GTVT sử dụng hệ thống pin mặt trời phục vụ chiếu sáng cho các cột đèn giao thông trên toàn tỉnh thay cho việc sử dụng năng lượng điện như trước đây. Sở NN và PTNT đã thực hiện rất hiệu quả chương trình nông nghiệp các-bon thấp nhằm hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi để thành phân bón hữu cơ, khí sinh học. Chương trình này đã mang lại hướng phát triển sinh kế bền vững cho người dân thông qua việc giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giảm thiểu chi phí trong sinh hoạt, trong chăn nuôi do nguồn lợi từ khí sinh học tái tạo thành nhiệt năng phục vụ việc đun nấu và điện năng để thắp sáng, sưởi ấm đàn vật nuôi cũng như nguồn phân hữu cơ để tái tạo đất. Ngoài sự quan tâm của các ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng nỗ lực vào cuộc, tái tạo năng lượng thông qua các công nghệ biến rác thải thành phân hữu cơ, nhiệt năng và điện năng (Cty TNHH Tân Thiên Phú); Chế biến phụ phẩm nông nghiệp như trấu, vỏ lạc, thân ngô, lõi ngô… thành chất đốt cung ứng cho các lò đốt công nghiệp và các bếp ăn gia đình để tránh phụ thuộc vào nguồn than đá tự nhiên hay khí gas. Hiệu quả của việc ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo đối với đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh ta đã được chứng minh. Tuy nhiên kết quả ứng dụng năng lượng tái tạo còn hạn chế so với tiềm năng thực tế của địa phương bởi nguồn năng lượng từ nắng, gió, sóng biển của tỉnh rất lớn. Tỉnh cũng chưa có những chương trình cụ thể dành riêng cho phát triển năng lượng tái tạo.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì việc sử dụng năng lượng tái tạo ngoài hiệu quả kinh tế - xã hội trước mắt còn có khả năng giảm bớt tình trạng biến đổi khí hậu. Do đó để việc ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo tiếp tục được đẩy mạnh, nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống, hình thành một cơ chế phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, các ngành chức năng cần phải thực hiện bài bản từ việc phân tích nhu cầu năng lượng (quang, nhiệt, cơ, điện) và khả năng đáp ứng của các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có tại từng địa phương. Xây dựng các chương trình nghiên cứu ứng dụng các thiết bị khai thác năng lượng tái tạo để sử dụng vào mục đích phù hợp với từng công việc, từng địa bàn dân cư.  Đồng thời có cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cũng như dành kinh phí hỗ trợ nhân rộng mô hình sử dụng năng lượng tái tạo thay thế cho năng lượng điện trong các mục đích sử dụng năng lượng phù hợp./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



địa chỉ mua sim số đẹp tại khosim.comDịch vụ website hosting​ uy tín Phần mềm lương iphone 15 pro max lap wifi viettel Tân Bình Đăng ký mua Hosting InterData thông tin về gia hạn cks vnpt dịch vụ tốt

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com