Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình hoạt động toàn diện, tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, hoạt động KH và CN đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.
Ứng dụng công nghệ vi sinh, sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà hữu cơ tại trang trại xã Yên Tân (Ý Yên). |
Với phương châm KHCN “đi trước một bước” để tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân, Sở KH và CN đã phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh triển khai có hiệu quả hoạt động ứng dụng KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM như: định hướng cho các địa phương xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đề xuất xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương tiếp nhận chuyển giao các tiến bộ KHCN, các đề tài nghiên cứu khoa học có triển vọng cho địa phương để mở rộng ứng dụng vào sản xuất. Do đó, thời gian qua, các nhiệm vụ KHCN phục vụ xây dựng NTM đã tập trung vào nghiên cứu chính sách xây dựng NTM; chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, phát triển kinh tế của địa phương. Đối với chính sách xây dựng NTM, hiện tại Sở KH và CN đã hỗ trợ triển khai nghiên cứu giải pháp phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm củng cố vững chắc các tiêu chí NTM của huyện Hải Hậu, phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu; phương án tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Những đề tài nghiên cứu khoa học này đều do Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Trong lĩnh vực sản xuất, các ngành trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản được hỗ trợ nghiên cứu phát triển theo hướng phát huy tối đa lợi thế vùng miền. Đối với khu vực Thành phố Nam Định và các thị trấn trung tâm huyện được lựa chọn ứng dụng các giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị như: sản xuất hoa công nghệ cao, trồng rau thủy canh. Đối với các huyện phía Bắc tỉnh được ưu tiên lựa chọn công nghệ phát triển các giống rau màu, cây trồng vụ đông, chăn nuôi quy mô lớn trang trại, gia trại và cải tạo ruộng trũng chuyển đổi phương thức sản xuất xen canh, chuyên canh phù hợp. Đối với các huyện phía nam tỉnh được ưu tiên ứng dụng công nghệ cho việc bảo tồn, phát triển các giống lúa quý, dược liệu, phát triển sinh sản nhân tạo, nuôi thương phẩm các giống thủy, hải sản có giá trị kinh tế. Trên cơ sở đó, nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới mang tính đột phá trong việc giải quyết những khó khăn mà các địa phương gặp phải trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các ngành sản xuất được triển khai ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Thành phố Nam Định đã triển khai thành công dự án “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất hoa loa kèn giống mới tại HTX sản xuất, kinh doanh hoa - cây cảnh Nam Phong” do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa cây cảnh, Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN và PTNT) chuyển giao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện Vụ Bản thành công trong triển khai ứng dụng công nghệ chuyển đổi ruộng lúa trũng hiệu quả thấp sang trồng sen phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đã phát huy được hiệu quả vùng đất trũng, đa dạng hóa cây trồng và tạo được sản phẩm đặc trưng của địa phương. Các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu vốn nổi tiếng với những giống lúa đặc sản đã được Sở KH và CN hỗ trợ chọn tạo, phục tráng giống lúa tám xoan (Hải Hậu) và tám ấp bẹ (Xuân Trường); ứng dụng công nghệ sản xuất lúa giống mới M1, CS6 Nam Định (Trực Ninh) có chất lượng cao, giá thành sản xuất giảm từ 15-20% so với giá các giống lúa khác trên thị trường và đáp ứng được trên 50% nhu cầu giống lúa cho sản xuất của tỉnh. Huyện Nghĩa Hưng tiến hành các dự án đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và xây dựng quy trình kỹ thuật trồng cây Đương quy tại xã Nghĩa Minh, cây Ngưu tất tại xã Hoàng Nam cũng như triển khai trồng đối chứng, so sánh hiệu quả của một số cây trồng vụ đông trên đất 2 lúa chủ lực như cây cà chua, bí đỏ, bí xanh, khoai tây để xây dựng bộ giống cây màu, cây vụ đông hiệu quả nhất cho người dân lựa chọn. Các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu được hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất muối, giống thủy hải sản với các công trình tiêu biểu như dự án sản xuất muối sạch tại Cty TNHH Nam Hải; ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ xã Bạch Long (Giao Thủy); xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá bống bớp (Nghĩa Hưng), nước mắm Giao Châu (Giao Thủy) và gạo tám xoan Hải Hậu (Hải Hậu)... Những dự án này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm đặc trưng của địa phương ven biển. Ngoài ra, các dự án ứng dụng CNTT để phổ biến thông tin KHCN phục vụ xây dựng NTM được triển khai ở 73 xã, thị trấn trên địa bàn đã hỗ trợ mỗi địa phương có một điểm truy cập tra cứu thông tin KHCN với các trang thiết bị cần thiết; xây dựng thư viện điện tử và các cơ sở dữ liệu, nội dung thông tin phong phú, thiết thực, thuận tiện với trên 100 nghìn tài liệu đã số hóa và phim khoa học ở nhiều lĩnh vực: nông - lâm - ngư nghiệp, CN-TTCN dịch vụ, xã hội, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển làng nghề, văn hóa…). Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp cán bộ, nhân dân các địa phương khai thác cập nhật nâng cao kiến thức phục vụ đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và định hướng phát triển kinh tế.
Đồng chí Phạm Văn Khôi, Phó Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Chương trình KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tế. Thông qua chương trình, nhiều vấn đề khó khăn riêng của địa phương đã được các nhà khoa học ở cả trong và ngoài tỉnh cùng tham gia nghiên cứu tìm giải pháp giải quyết. Bên cạnh đó, chương trình đã kích cầu phát triển thị trường KH và CN tại địa bàn, thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án, đóng góp kinh phí đối ứng tới tỷ lệ khoảng 40% tổng kinh phí thực hiện. Các doanh nghiệp cùng các HTX, nông dân tham gia chương trình đã từng bước thiết lập được cầu nối giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ. Chính quyền các địa phương cũng tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án ngay trong quá trình triển khai thực hiện… Hoạt động KHCN đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM của tỉnh với việc huyện Hải Hậu được công nhận là huyện NTM từ năm 2015; đến nay có thêm 4 huyện: Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường và Giao Thủy; có 200/209 xã (bằng 95,7%) xã, thị trấn đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn ở tỉnh ta vẫn chưa có nhiều kinh phí dành cho các nhiệm vụ KHCN mang tính chuyên sâu tập trung vào việc nghiên cứu những rào cản cần tháo gỡ, những động lực cần khơi thông để thúc đẩy xây dựng NTM nhanh và bền vững; quá trình triển khai thực hiện chương trình còn chậm; việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, nhân rộng các mô hình dự án còn hạn chế… Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM, thời gian tới, Sở KH và CN chủ động rà soát, phát hiện những vấn đề cấp thiết trong xây dựng NTM để đề xuất đưa vào chương trình KHCN địa phương. Tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học gắn với những vấn đề cấp thiết của thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi theo hướng ưu tiên triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất phát huy lợi thế của từng địa bàn dân cư vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của các nhà khoa học, các cơ quan trong nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn cũng như phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án để triển khai thực hiện trên địa bàn, đảm bảo chất lượng, tiến độ và đúng định hướng của chương trình./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương