Bước phát triển trong hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ

08:09, 26/09/2018

Hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ (KHCN) là một hoạt động quan trọng trong kinh tế đối ngoại, có ý nghĩa tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh không chỉ tranh thủ năng lực KHCN, sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế mà đã bước đầu có sự tương tác chuyển giao công nghệ trong tỉnh cho đối tác nước ngoài.

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) kiểm tra chất lượng khoai tây trồng theo phương pháp khí canh.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) kiểm tra chất lượng khoai tây trồng theo phương pháp khí canh.

Hợp tác quốc tế về KHCN nói chung và chuyển giao công nghệ nói riêng được xác định là con đường “đi tắt - đón đầu” để đưa KHCN của tỉnh ta bắt kịp trình độ KHCN trong vùng, các nước trong khu vực, đặc biệt với các nước tiên tiến trên thế giới. Thời gian qua, tỉnh ta đã và đang hợp tác với một số quốc gia có trình độ KHCN tiên tiến trên thế giới như: Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ít-xra-en, Thái Lan... trong các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất nông nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển sinh kế cộng đồng. Nhiều chương trình hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, tạo bước đột phá trong các lĩnh vực như nhân cấy giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia; quản lý tài nguyên nước; chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… Trong đó, việc tỉnh ta nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào phục vụ việc nhân nhanh giống cây trồng các loại, đặc biệt là khoai tây vụ đông phục vụ sản xuất là kết quả thành công của dự án hỗ trợ kỹ thuật theo chương trình của CHLB Đức. Một dự án khác là xây dựng thành công hệ thống dự báo, quy hoạch quản lý và các giải pháp phù hợp để quản lý hiệu quả nguồn nước ngầm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với sự hỗ trợ của các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất (Đức) phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ TN và MT) trong dự án "Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại Nam Định". Dự án đã giúp tỉnh xây dựng mạng quan trắc nước ngầm hiện đại với hệ thống thiết bị đồng bộ; tiến hành khảo sát, thống kê cụ thể nhu cầu sử dụng nước của người dân với số liệu chính xác làm tiêu chuẩn để dự báo; xây dựng mô hình 3D về cấu trúc địa chất thủy văn khu vực Nam Định. Với mô hình 3D có thể dự báo dài hạn mực nước ngầm theo nhiều kịch bản khác nhau, giúp ngành chức năng cảnh báo sớm những vùng đang có nguy cơ cạn kiệt để kịp thời đề ra các biện pháp quy hoạch và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh ta phát huy, tiếp tục nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước; tăng cường quản lý có hiệu quả tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, nhiều quy trình công nghệ sản xuất rau sạch, sản xuất phân hữu cơ để tái tạo lại nguồn dinh dưỡng cho đất đai do các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ chuyển giao thông qua chương trình liên kết giữa tỉnh ta với hai tỉnh Miyazaki và Ibaraki (Nhật Bản) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân. Những kết quả chuyển giao công nghệ từ bạn bè quốc tế đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội và góp phần tháo gỡ khó khăn của các địa phương trong mỗi giai đoạn, mỗi lĩnh vực cụ thể. Một bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về KHCN của tỉnh ta là từ một địa phương chỉ nhận chuyển giao công nghệ, đến nay, tỉnh ta đã thực hiện thành công việc chuyển giao công nghệ cho nước bạn Lào thông qua Diễn đàn Xúc tiến chuyển giao KHCN Việt Nam - Lào năm 2018. Được sự hỗ trợ của Bộ KH và CN, hai đơn vị của tỉnh ta là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) và Cty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường) đã mang giới thiệu tại Diễn đàn 3 quy trình công nghệ trồng cây khí canh; trồng thuỷ canh tuần hoàn và lò đốt tự phân nhiệt xử lý rác thải. Tại buổi trình diễn công nghệ, các quan khách, doanh nghiệp và nhân dân nước bạn Lào đã rất quan tâm, tìm hiểu sâu về công nghệ và khả năng hỗ trợ chuyển giao các công nghệ này. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN đã ký hợp đồng ghi nhớ với Cty Nông nghiệp BNN (một doanh nghiệp lớn của Lào trong lĩnh vực nông nghiệp) về hợp tác chuyển giao công nghệ đối với hai quy trình trồng cây khí canh; công nghệ trồng thuỷ canh tuần hoàn. Trong đó nội dung ghi nhớ quan trọng là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN đảm nhiệm việc chuyển giao cho đơn vị bạn về công nghệ khí canh, thuỷ canh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch. Nội dung chuyển giao bao gồm: chuyển giao quy trình công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư, xây dựng hệ thống thiết bị và nhà lưới sản xuất khí canh, thuỷ canh có áp dụng điều khiển tự động hoá. Theo đó, công nghệ trồng rau thuỷ canh là kỹ thuật trồng cây không dùng đất, cây được trồng trực tiếp trong dung dịch dinh dưỡng (bộ rễ ngập hoàn toàn trong dung dịch hoặc một phần) hoặc vào giá thể có tưới dạng dung dịch dinh dưỡng. Kỹ thuật thủy canh mang những ưu điểm nổi bật như: Sản lượng cao, tái sử dụng được nước nên không tiêu tốn nhiều nước, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mẫu mã sản phẩm đẹp, dễ phát triển theo chiều sâu áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, không để tàn dư phân bón ra môi trường nước, phù hợp với không gian đô thị. Công nghệ khí canh là công nghệ có môi trường hoàn toàn sạch bệnh, rất ít dùng thuốc trừ sâu bệnh, chu trình khép kín từ trồng đến thu hoạch, tiết kiệm nước và dinh dưỡng do có thể điều khiển tự động hóa được thời gian phun dinh dưỡng, kiểm soát được môi trường nuôi trồng. Ngoài ra còn có những lợi ích: giảm chi phí về nước 98%, giảm chi phí về phân bón 95%, giảm chi phí về thuốc bảo vệ thực vật 99%. Là công nghệ có tính cách mạng, hoàn toàn mới trong lĩnh vực sản xuất giống khoai tây, tạo sản phẩm giống sạch bệnh với sản lượng lớn trên quy mô nhỏ và thời gian ngắn. Hai công nghệ này được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN hoàn tất việc thử nghiệm, đưa sản phẩm ra thị trường thông qua nhiều dự án KHCN mang quy mô quốc gia. Đồng thời Trung tâm đang tiếp tục nâng cao quy trình công nghệ tự động hoá hệ thống kiểm soát hoạt động của nhà trồng cây khí canh. Đến nay, việc đo kiểm các thông số kỹ thuật và điều chỉnh thông số (kiểm soát dinh dưỡng, nhiệt độ, ánh sáng…) đã được thực hiện hoàn toàn tự động, giảm đến 90% chi phí nhân công. Có thể nói, đây là thành công đầu tiên quan trọng của Trung tâm nói riêng và của tỉnh ta nói chung trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ ra nước ngoài, làm tiền đề vững chắc cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động chuyển giao công nghệ ra nước ngoài của các đơn vị KHCN của tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ các đơn vị KHCN, các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các diễn đàn KHCN quốc tế để có điều kiện giới thiệu sản phẩm cũng như tìm hiểu, tiếp nhận nhu cầu công nghệ của phía bạn mà đưa ra giải pháp công nghệ phù hợp. Bên cạnh đó, các đơn vị KHCN, các doanh nghiệp cần nâng cao tiềm lực KHCN, làm chủ được các công nghệ tiên tiến, phù hợp và phải đánh giá, định giá được công nghệ để thuận tiện trong quá trình đàm phán chuyển giao. Chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ chuyển giao am hiểu về công nghệ, có kỹ năng marketing, kỹ năng đàm phán tốt, đặc biệt là nâng cao trình độ ngoại ngữ. Chủ động tìm hiểu về đất nước, con người, lĩnh vực có tiềm năng, trình độ công nghệ của nước cần chuyển giao để lựa chọn công nghệ cho phù hợp./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com