Nhóm nghiên cứu của TS Phạm Hương Sơn đã thử nghiệm trên chuột, sau khi tách chiết thành công hợp chất kích thích sinh lực trên cây bạch tật lê.
TS Phạm Hương Sơn, Viện Ứng dụng Công nghệ cho biết, chị và nhóm nghiên cứu đã tách chiết thành công hợp chất protodioscin từ cây bạch tật lê. Hoạt chất này có tác dụng kích thích sinh lực cho nam giới.
Cây bạch tật lê. |
Hiện nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên chuột, dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn thiện và kết thúc đề tài nghiên cứu vào cuối năm 2018. "Sau khi hoàn thành các bước thử nghiệm, chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ để đưa hoạt chất này vào sản xuất thực phẩm chức năng", TS Hương Sơn cho biết.
Để đi đến bước tách chiết hoạt chất quý từ cây bạch tật lê, từ năm 2013 đến 2015 các nhà khoa học thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ đã nghiên cứu nhân giống và xây dựng thành công quy trình trồng cây theo tiêu chuẩn GACP - thực hành tốt trồng trọt và thu hái.
Theo tiến sĩ Sơn, bạch tật lê là cây thuốc có nhiều tác dụng quý, có khả năng phát triển trên vùng đất cát khó canh tác nông nghiệp. Vì thế nhóm nghiên cứu đã tìm cách nhân giống, trồng thành công cây trên vùng đất cát Ninh Thuận. Thành công này góp phần phát triển cây dược liệu trên vùng đất cát ven biển, chống hiện tượng cát bay, cát nhảy.
"Chúng tôi muốn giúp bà con vùng ven biển xóa đói giảm nghèo bằng cây dược liệu", TS Sơn nói và cho biết việc nhân giống bạch tật lê thành công là cơ sở cho việc phát triển vùng dược liệu ở quy mô lớn, sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu doanh nghiệp để tách chiết, sản xuất thực phẩm chức năng.
Thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về hợp chất protodioscin trong cây bạch tật lê. Các nghiên cứu chỉ ra rằng protodioscin trong loài cây này gây ra sự giải phóng oxit nitric, kích thích tế bào thần kinh giúp tăng cường sinh lực.
Một nghiên cứu trên người cho thấy với liều 750 mg tribulus/ngày sẽ làm tăng testosteron ở nam giới từ 60 lên 84 ng/dl. Một nghiên cứu khác trên 200 nam giới bị suy giảm tình dục do lượng testosteron thấp, khi dùng chế phẩm này đã tăng lượng hóc môn sinh dục cũng như tăng số lượng và khả năng hoạt động của tinh trùng.
Trong dữ liệu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hiện có 13 sáng chế liên quan đến bạch tật lê, trong đó có sáu sáng chế liên quan đến tính chất tăng cường sức khỏe tình dục của cây này.
Theo vnexpress.net