Cuộc cách mạng trong công nghệ phát hiện động đất

06:08, 07/08/2018

Các nhà nghiên cứu ở Iceland cho biết đã sử dụng thành công một dây cáp truyền thông sợi quang để đánh giá hoạt động địa chấn.

Loại cáp này hiện được đặt dưới mặt đất ở nhiều nước trên thế giới để cung cấp dịch vụ internet và truyền hình.

Hoạt động động đất thường được theo dõi bởi các máy đo địa chấn - vốn là những thiết bị được định chuẩn cẩn thận và đắt tiền được đặt ở các vị trí nhạy cảm.

Ảnh: SCIENCE PHOTO LIBRARY
Ảnh: SCIENCE PHOTO LIBRARY

Nhóm nghiên cứu, do Tiến sĩ Philippe Jousset thuộc Trung tâm Nghiên cứu Địa chất Đức GFZ dẫn đầu, đã thử nghiệm phương pháp này bằng cách sử dụng 15km cáp sợi quang từng được lắp đặt giữa hai nhà máy điện địa nhiệt ở Iceland vào năm 1994.

Một xung laser được truyền xuống sợi cáp để xác định xem có sự nhiễu loạn nào dọc theo chiều dài của nó hay không.

"Ban đầu chúng tôi không biết sẽ có thể ghi lại những gì", tiến sĩ Jousset nói với BBC News, "Nhưng chúng tôi có thể phát hiện động đất từ ​​rất xa".

Họ còn phát hiện ra những rung lắc do giao thông trong vùng, chấn động địa chấn và thậm chí người đi bộ đang đi ngang qua gây ra. Họ cũng nhận được tín hiệu từ một trận động đất mạnh ở Indonesia.

Tiến sĩ Jousset nói: "Nó gần như tốt bằng một máy đo địa chấn".

Thiết bị cần được gắn vào mỗi sợi dây cáp để thực hiện việc giám sát có thể tốn kém, nhưng các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những giải pháp thay thế hiệu quả về mặt chi phí.

Nếu họ tìm được chúng, phương pháp này sẽ là một giải pháp thay thế có giá cả phải chăng cho các mạng địa chấn đắt tiền.

Tiến sĩ Elizabeth Cochran, một nhà địa vật lý làm việc tại cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), cho biết công nghệ này có thể được áp dụng cho các hệ thống cảnh báo sớm động đất, một khi đã được "tinh chế".

"Đối với cảnh báo sớm, chúng ta không nhất thiết cần thông tin chính xác cao, chúng ta chỉ cần biết rằng các chuyển động mặt đất lớn đang diễn ra trong một khu vực".

"Hiện tại, có hàng ngàn km dây cáp đang chạy dưới lòng đất của các thành phố. Vì vậy, nếu chúng ta có thể khai thác chúng và tìm ra cách giải thích dữ liệu một cách chính xác, có một tiềm năng rất thú vị cho các mạng cảm biến dày đặc ở mọi nơi mà có cáp", bà nói với BBC News.

Tuy nhiên, ngoài việc tinh chỉnh kỹ thuật, sẽ có thêm nhiều thách thức dành cho nhóm nghiên cứu.

"Mọi chuyện sẽ phụ thuộc nhiều vào sự sẵn lòng tin tưởng vào ý tưởng này và cho phép sử dụng cáp của họ ở mức tối thiểu hoặc không có chi phí của các công ty truyền thông", Tiến sĩ Cochran giải thích.

Bà lưu ý rằng: "hầu hết các công ty ở Mỹ cho dùng cáp trong một khoảng thời gian hạn chế, nhưng đề nghị rằng họ sẽ tính phí nếu sử dụng dài hạn".

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Jousset đã tìm thấy các công ty ở châu Âu khá cởi mở với ý tưởng này.

Họ có thể tiến hành nghiên cứu sâu hơn trong tương lai gần, và Jousset lạc quan về tiềm năng theo dõi hoạt động của núi lửa và động đất của công nghệ này.

"Hiện tại, càng ngày càng có nhiều tiềm năng, do đó giá cả sẽ giảm xuống. Nó có thể được đưa vào hoạt động trong vài năm tới. Không phải ở khắp mọi nơi, mà là ở đâu đó".

Theo khoahoc.tv

 

 



cửa hàng thế giới sim số đẹp tại khosim.comTư vấn Máy in 3D giá rẻ Đẹp iPhone 16 pro cũ tham khảo bảng giá hóa đơn điện tử tại vnptgroup.vn

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com