Một loại enzym mới được phát hiện có thể phân huỷ chất dẻo đã gợi mở hy vọng giải quyết một trong những vấn đề ô nhiễm môi trường lớn nhất của thế giới-rác thải nhựa.
Các nhà khoa học Mỹ đã chế tạo được một enzyme có thể phân hủy chất dẻo, một trong những chất gây ô nhiễm phổ biến nhất, qua đó, cung cấp một giải pháp tiềm năng giải quyết một trong những vấn đề môi trường lớn nhất thế giới-rác thải nhựa làm từ polyethylene terephthalate (PET).
Hình ảnh enzyme "ăn" nhựa PET trên kính hiển vi điện tử. |
Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Portsmouth và Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) của Bộ Năng lượng Mỹ công bố ngày 16/4 trong các báo cáo của Viện Hàn lâm quốc gia Mỹ.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học do Giáo sư John McGeehan của Đại học Portsmouth và Tiến sĩ Gregg Beckham tại NREL dẫn đầu, đã phát hiện một enzyme có thể phân huỷ chất dẻo (sử dụng chất dẻo làm thực phẩm), gọi là PTEase.
Đột phá trong nghiên cứu này xuất phát từ việc phát hiện một loại vi khuẩn tự nhiên có tên khoa học là Ideonella sakaiensis có đặc tính "ăn" PET tại Nhật Bản cách đây vài năm từ một trung tâm tái chế chất thải. Từ đó, các nhà khoa học Mỹ quyết định tập trung nghiên cứu cấu trúc của vi khuẩn này để xem enzyme PETase của vi khuẩn hoạt động như thế nào.
Phát hiện này có thể dẫn tới một giải pháp tái chế hàng triệu tấn chai nhựa làm từ PET, những chất có thể tồn tại hàng trăm năm trong môi trường.
Hiện các nhà nghiên cứu đang nỗ lực cải thiện enzyme để làm cho nó có thể phá hủy nhựa trong một thời gian ngắn.
Theo chinhphu.vn