Nâng cao hiệu quả thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ

07:03, 20/03/2018

Ngành KH và CN được phân công quản lý 6 nhóm hàng hóa gồm: xăng, nhiên liệu diezen, thiết bị điện, điện tử, mũ bảo hiểm, nhiên liệu sinh học gốc và đồ chơi trẻ em; kiểm soát một số vấn đề lĩnh vực mang tính đặc thù như an toàn bức xạ, sở hữu trí tuệ... Nhằm phát huy vai trò của thanh tra chuyên ngành phục vụ công tác quản lý Nhà nước, lực lượng thanh tra Sở KH và CN đã nỗ lực tìm hiểu thị trường, xây dựng kế hoạch thanh tra phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, đề xuất ban hành chính sách, pháp luật để quản lý.

Thanh tra KH và CN phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) thanh tra tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Thanh tra KH và CN phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) thanh tra tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Trong năm 2017, Thanh tra Sở KH và CN đã triển khai 8 cuộc thanh tra (5 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 3 cuộc thanh tra đột xuất) tại 98 lượt đơn vị; phát hiện, xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt cảnh cáo 4 đơn vị; phạt 12 đơn vị với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Qua thanh tra, đã phát hiện nhiều vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa, an toàn bức xạ, ghi nhãn hàng hóa và sở hữu trí tuệ. Trong đó bao gồm các dạng vi phạm như: không kiểm định phương tiện đo lường trước khi đưa vào sử dụng; phương tiện đo lường quá hạn kiểm định, sử dụng phương tiện đo lường mà kẹp chì niêm phong không nguyên vẹn, sử dụng phương tiện đo lường có sai số vượt quá mức cho phép, phương tiện đo sai hỏng; không ghi nhãn hàng hóa, hoặc có ghi nhưng không đúng quy định, ghi sai đơn vị đo lường, kinh doanh hàng đóng gói sẵn không đảm bảo định lượng, nhãn hàng hóa mờ, rách nát; sử dụng giấy cấp phép thiết bị an toàn bức xạ hết hạn, nhân viên bức xạ không được trang bị liều xạ kế cá nhân, không kiểm tra định kỳ liều xạ kế cá nhân, không kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên bức xạ, không trang bị biển báo, đèn báo, nội quy phòng chụp X-quang. Ngoài hình thức xử phạt chính, các đơn vị vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp bổ sung, khắc phục hậu quả như: kiểm định lại phương tiện đo lường (cột đo xăng dầu, công tơ đo đếm điện năng, taximet, máy đo điện tim...), ghi đúng và đầy đủ nhãn hàng hoá theo quy định, loại bỏ các yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hoá đang sử dụng, đình chỉ lưu thông các loại hàng hóa vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Tại cuộc thanh tra chuyên đề về đo lường đối với 20 đơn vị là các bệnh viện, phòng khám, cơ sở sản xuất cơ khí… có sử dụng phương tiện đo điện, điện từ, phương tiện đo áp suất, Thanh tra Sở KH và CN đã kịp thời phát hiện và yêu cầu 2 đơn vị sử dụng 29 phương tiện đo áp suất chưa được kiểm định phải khẩn trương khắc phục vi phạm và nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật. Từ kết quả thanh tra thực tế, Thanh tra Sở KH và CN đã kiến nghị với Bộ KH và CN về những quy định chồng chéo, bất cập giữa Nghị định 97/2013/NĐ-CP với Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Từ kiến nghị này Bộ KH và CN đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 67/2017/NĐ-CP sửa đổi khắc phục được những chồng chéo, bất cập gây khó khăn cho công tác thực thi.

Hoạt động Thanh tra Sở KH và CN trong thời gian qua được các cấp, các ngành đánh giá là tích cực, có nhiều tiến bộ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị sản xuất, kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về KH và CN, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên so với yêu cầu thì số đơn vị được thanh tra còn quá ít; tiến độ triển khai các cuộc thanh tra còn chậm so với kế hoạch. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành, thời gian tới, Thanh tra Sở KH và CN tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: tăng cường nắm tình hình địa bàn, cơ sở để xây dựng kế hoạch thanh tra sát thực, trọng tâm, trọng điểm. Tập trung thanh tra vào các lĩnh vực hàng hóa có tính nhạy cảm và nguy cơ vi phạm cao như: xăng dầu, khí gas hóa lỏng, điện năng, mũ bảo hiểm, vàng bạc trang sức, hàng điện - điện tử, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa... Tiếp tục nâng cao chất lượng, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhất là các kỹ năng tác nghiệp, kết luận, kiến nghị, nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính. Tăng cường phối hợp giữa Thanh tra Sở KH và CN với hoạt động kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 389/ĐP, các sở, ngành liên quan như Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) để hạn chế sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra. Định kỳ sơ kết, tổng kết từng nội dung, lĩnh vực thanh tra, kế hoạch thanh tra để kịp thời rút kinh nghiệm, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



Những mẫu Máy quét 3D Cao Cấp PLC S7-200 iphone 15 pro max iphone 15 đăng ký vnpt hà nội mới nhất

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com