Tập trung thực hiện kiến trúc chính quyền điện tử

07:02, 27/02/2018

Thời gian qua, với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động chỉ đạo điều hành, xúc tiến và thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch, bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tỉnh ta đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT).

Tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về ứng dụng CNTT. Trình độ CNTT của cán bộ chuyên trách còn hạn chế, chưa sử dụng tiêu chí ứng dụng CNTT để đánh giá mức độ hoàn thành công việc, đánh giá thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân, do đó chưa tạo động lực để khuyến khích cán bộ, công chức học tập, nâng cao trình độ; ứng dụng CNTT tăng hiệu suất công việc. Bên cạnh đó, do việc bố trí kinh phí triển khai hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT còn chậm dẫn đến việc đầu tư còn kéo dài, nhiều hạng mục quan trọng chưa được triển khai, hạ tầng CNTT của tỉnh chưa hoàn thiện. Đến nay, trang thiết bị tin học tại một số cơ quan, đơn vị đã xuống cấp nhưng chưa được thay thế, nâng cấp kịp thời. Mạng nội bộ của các cơ quan, đơn vị chủ yếu còn kết nối ngang hàng và thiếu các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng. Trung tâm dữ liệu số của tỉnh chưa đạt chuẩn quốc gia, chưa đảm bảo là đầu mối kỹ thuật kết nối các hệ thống thông tin của tỉnh. Toàn tỉnh chưa xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung dẫn tới việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành, huyện, xã còn hạn chế, làm giảm hiệu quả khi đưa vào vận hành, khai thác thông tin của các đơn vị. 

Cán bộ, công chức Thành phố Nam Định tham gia khóa đào tạo, nâng cao trình độ ứng dụng CNTT tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Nam Định.
Cán bộ, công chức Thành phố Nam Định tham gia khóa đào tạo, nâng cao trình độ ứng dụng CNTT tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Nam Định.

Để tối ưu hóa việc xây dựng CQĐT, đảm bảo không có các thành phần thừa, thiếu hoặc trùng lắp, tạo ra những giá trị lớn hơn trong quá trình đầu tư phát triển hạ tầng, ứng dụng CNTT, mới đây tỉnh đã hoàn tất xây dựng và ban hành kiến trúc CQĐT của tỉnh. Đây là căn cứ để thiết lập một mô hình hệ thống tổng thể ứng dụng CNTT trong các hoạt động của chính quyền tỉnh/thành phố và là cơ sở để xác định các nội dung, hạng mục đầu tư, bố trí, thu hút mọi nguồn lực, lộ trình để xây dựng thành công CQĐT. Trên cơ sở phân tích chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển các cơ quan Nhà nước tỉnh xác định phải tập trung cải cách hành chính liên quan đến một số lĩnh vực trọng tâm thông qua việc tin học hóa các thủ tục hành chính (TTHC), khẩn trương xây dựng hoàn tất một số hệ thống thông tin ứng dụng CNTT. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giai đoạn 2016-2020, vì vậy tỉnh ưu tiên đáp ứng cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 một số dịch vụ công trực tuyến có trong danh mục nhóm ưu tiên như: cấp giấy đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, cấp giấy đăng ký ô tô... Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng mô hình liên thông nghiệp vụ chung giữa các cơ quan (ngang, dọc) để đảm bảo cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp nhanh nhất, hiệu quả nhất. Trong đó các yêu cầu thông tin TTHC, công việc, văn bản được thực hiện liên thông hai chiều từ xã, phường, thị trấn, huyện/thành phố tới sở, ban, ngành trong tỉnh. Các thông tin thống kê chỉ tiêu kinh tế - xã hội được thu thập từ tuyến xã, phường lên tuyến tỉnh. Các thông tin dịch vụ công được liên thông giữa huyện, thành phố, sở, ban, ngành trong tỉnh; tỉnh kết nối với các bộ, ngành, tỉnh, thành phố khác với các thông tin văn bản, điều hành tác nghiệp và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời, tỉnh lựa chọn TTHC liên thông phải là các TTHC hướng tới các đối tượng ưu tiên là người dân, doanh nghiệp và các lĩnh vực chuyên ngành mang tính phổ biến, được thực hiện nhiều như khai sinh, kết hôn, lý lịch tư pháp, đăng ký và thành lập doanh nghiệp... Các TTHC liên thông này còn hướng tới giảm thiểu hồ sơ bản giấy cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện bằng cách hướng tới cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, doanh nghiệp, đất đai... Tỉnh đã bắt đầu triển khai kiến trúc CQĐT tỉnh theo lộ trình chia làm 2 giai đoạn, gồm: năm 2018 và từ năm 2019-2020. Trong đó, năm 2018 tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng CNTT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, đào tạo nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng CNTT của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý  chuyên trách CNTT và cán bộ, công chức các cấp. Cụ thể sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống mạng nội bộ tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và huyện đảm bảo an toàn thông tin mạng, tạo điều kiện để triển khai kết nối mạng diện rộng giữa các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến huyện. Triển khai chữ ký số phục vụ các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng, tạo nền tảng thúc đẩy các giao dịch điện tử với trọng tâm là gửi, nhận văn bản điện tử trong các cơ quan Nhà nước. Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Triển khai hệ thống mạng diện rộng của tỉnh trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành đến 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; kết nối liên thông đến UBND các xã, phường, thị trấn phục vụ hoạt động gửi nhận văn bản điện tử. Tiếp tục triển khai nhân rộng sử dụng thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin giữa cán bộ, công chức và các cơ quan Nhà nước của tỉnh. Triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức 3 cấp tỉnh, huyện, xã... Tiếp tục triển khai hệ thống “một cửa” điện tử, tích hợp dịch vụ công trực tuyến tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh và huyện, tập trung triển khai tại các cơ quan, đơn vị có số lượng giao dịch lớn và mang lại hiệu quả cao; đảm bảo kết nối liên thông hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với hệ thống cung cấp dịch vụ công của Trung ương theo lộ trình. Nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh; nâng cấp trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, chú trọng bảo đảm cho hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các hệ thống tại các cơ quan quản lý Nhà nước.

Giai đoạn 2019-2020 bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã triển khai năm 2018, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện mạng diện rộng trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, kết nối các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến huyện và UBND cấp xã. Nhân rộng chữ ký số phục vụ các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin mạng, tạo nền tảng thúc đẩy các giao dịch điện tử với trọng tâm là gửi văn bản điện tử trong các cơ quan Nhà nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền tảng kết nối, chia sẻ cấp tỉnh; xây dựng và vận hành các phần mềm kết nối, chia sẻ cấp tỉnh; xây dựng hệ thống nền tảng ứng dụng CQĐT cấp tỉnh. Tiếp tục sử dụng các phần mềm dùng chung, các phần mềm chuyên ngành tại các cơ quan, đơn vị; xây dựng phần mềm quản lý tiến độ công việc; triển khai các chức năng phù hợp của phần mềm quản lý văn bản và điều hành đến UBND các xã; xây dựng, hoàn chỉnh các phần mềm dùng chung bảo đảm tuân thủ kiến trúc CQĐT tỉnh. Tiếp tục triển khai hệ thống “một cửa” điện tử, tích hợp dịch vụ công trực tuyến tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh và huyện; triển khai thí điểm hệ thống tại UBND cấp xã, từng bước nhân rộng đến các đơn vị khác. Tổ chức mở rộng đào tạo cho người dân và doanh nghiệp về sử dụng và khai thác hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Để quá trình tổ chức thực hiện kiến trúc CQĐT của tỉnh đạt kết quả cao, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể và yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở TT và TT đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, ứng dụng CNTT theo hướng nâng cao hiệu quả công tác, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý và bảo đảm tích hợp với hệ thống chính quyền của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com