Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác thủy nông

10:01, 22/01/2018

Để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng công trình thủy lợi, đáp ứng yêu cầu cung ứng nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh trong điều kiện biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn kéo dài và ăn sâu vào nội đồng, nguồn nước ngọt dần khan hiếm, thời gian qua, các Cty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) trên địa bàn đã tích cực ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới vào các khâu thiết kế, xây dựng, quản lý khai thác; sử dụng trang thiết bị, công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng, thi công công trình thủy lợi; đổi mới công tác quản lý vận hành công trình; giám sát mực nước, chất lượng nước đầu nguồn… đảm bảo khai thác, điều tiết nước phục vụ sản xuất, tiết giảm nhân công, giảm chi phí lao động và tiết kiệm tốt đa nguồn nước ngọt đang ngày càng khan hiếm.

Cán bộ kỹ thuật Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng kiểm tra độ mặn tại cửa cống Tam Tòa, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).
Cán bộ kỹ thuật Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng kiểm tra độ mặn tại cửa cống Tam Tòa, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).

Tỉnh ta có 5 hệ thống công trình thuỷ lợi gồm: Bắc Nam Hà, Nam Ninh, Xuân Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng với 69 lưu vực tưới, tiêu do 8 Cty TNHH một thành viên KTCTTL quản lý, khai thác. Do đặc điểm địa hình nên các huyện phía bắc tỉnh gồm Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc chủ yếu tưới tiêu bằng động lực, còn các huyện phía nam lại là vùng tự chảy nên việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới cũng khác nhau. Theo đó, các Cty KTCTTL phía bắc tỉnh tập trung ứng dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật về quy trình vận hành máy bơm, làm giảm tải biến áp, tiết kiệm điện năng tiêu hao; còn các Cty KTCTTL khu vực phía nam tỉnh tập trung ứng dụng những tiến bộ mới trong việc quản lý, điều tiết nước theo hướng tự động hóa để giảm tối đa lao động phổ thông. Trên cơ sở định hướng đó, nhiều công nghệ, kỹ thuật mới đã được nghiên cứu áp dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tế quản lý, điều tiết nước phục vụ sản xuất. Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng tin học vào quản lý hệ thống thủy nông đảm bảo tích hợp các tính năng thu thập số liệu, quản lý, giám sát độ mặn, mực nước tại các cống vùng triều trong toàn hệ thống. Hiện tại, Cty đang quản lý và khai thác 608 công trình thủy lợi; trong đó có 67 cống dưới đê, 85 đập trên kênh cấp I, 448 cống đập cấp II, 201,79km kênh cấp I và cửa cống, 497,09km kênh cấp II, 8 trạm bơm điện. Để quản lý hệ thống công trình, cũng như tình hình khai thác điều tiết nước, Cty đã ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn huyện; đầu tư thiết bị giám sát độ mặn, mực nước ở các cửa cống thay thế hoàn toàn cho lao động thủ công như trước đây. Theo đó, Cty xây dựng thư viện điện tử về hệ thống công trình với đầy đủ số liệu tổng hợp diện tích tưới, tiêu, các công trình thủy lợi trên toàn tuyến bằng bản đồ số và dữ liệu về công trình theo các danh mục: tên công trình, vị trí xây dựng, hiện trạng sử dụng, đơn vị quản lý… Đồng thời tích hợp tính năng cập nhật thông tin, số liệu hiện trạng mực nước, độ mặn từ các cống trên toàn hệ thống về máy chủ tại Cty, giúp việc tra cứu hiện trạng công trình, cập nhật thông tin và quản lý, điều hành sản xuất được khoa học hơn. Toàn bộ phần mềm quản lý điều tiết nước áp dụng tại Cty do các cán bộ kỹ thuật của Cty xây dựng và thu thập thông tin. Bên cạnh đó hệ thống giám sát đo độ mặn và mực nước đã được các cán bộ kỹ thuật của Cty cải tiến cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và tích hợp chung với phần mềm quản lý hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn. Với phần mềm ứng dụng này, toàn bộ chỉ lệnh từ Cty đến bộ phận quản lý các công trình hệ thống và báo cáo kết quả giám sát độ mặn, mực nước tại các cửa cống về Cty được thực hiện hoàn toàn trên mạng một cách nhanh chóng, chính xác. Nhờ đó Cty có thể đưa ra kế hoạch điều hành tưới tiêu một cách hợp lý và nhanh nhất mà lại giảm tối đa chi phí nhân công cho việc rà soát, kiểm tra hiện trạng công trình; đo mực nước, độ mặn tại các cửa cống; cảnh báo được những bất thường do thời tiết và đưa ra những quyết định để xử lý sự cố đối với sản xuất, công trình do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, góp phần phát triển sản xuất. Hơn thế nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể trực tiếp truy cập nắm bắt thông tin, dữ liệu độ mặn, mực nước của các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện. Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy đã tích cực triển khai thay thế cánh cống, van cống sắt, gỗ bằng vật liệu composite hoặc sắt không gỉ; sử dụng sơn chống gỉ, chống ăn mòn vật liệu đối với các phai cống, cánh cống ở vùng nhiễm mặn cao và lắp thêm gioăng cao su cho các phai cống chống rò rỉ nước, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, tuổi thọ công trình và tiết kiệm kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình. Ngoài ra, còn nhiều nghiên cứu, sáng tạo của các cán bộ trong điều tiết nước phục vụ sản xuất như: tác giả Nguyễn Thị Bích, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy đã có sáng kiến “điều hành tưới nhanh, tiêu nhanh”; giải pháp thiết kế thanh giằng chữ U ổn định kênh tưới; giải pháp cải tiến cánh cống hình bậc thang kênh mương nội đồng của tác giả Trần Mạnh Đằng, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Vụ Bản… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những sáng tạo trong ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất các Cty KTCTTL trên địa bàn tỉnh ta thực hiện trong thời gian qua đã cho thấy hiệu quả thiết thực của các phong trào thi đua lao động sáng tạo và sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ quản lý, người lao động về vai trò của khoa học công nghệ trong đời sống, sản xuất. Tuy nhiên để tiếp tục khuyến khích những giải pháp sáng tạo, bên cạnh việc đầu tư nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL cần có cơ chế quản lý linh hoạt, tăng cường “đặt hàng” giải pháp hữu ích để kích thích năng lực sáng tạo trong mỗi cá nhân, khai thác hiệu quả trí tuệ tập thể. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả rộng rãi ra toàn hệ thống để phát huy tối đa hiệu quả các sáng kiến kinh nghiệm tốt./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com