Hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản điện tử

07:01, 11/01/2018

Một trong những yêu cầu theo Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử là phải liên thông được toàn bộ các hệ thống văn bản điện tử trên cả nước (từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố, từ Trung ương đến địa phương và ngược lại), đảm bảo thông suốt. Hệ thống liên thông sẽ cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cấp cơ quan Nhà nước; góp phần giảm tỷ lệ sử dụng giấy tờ, giảm thời gian xử lý công việc, cung cấp công cụ để kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hoàn thành kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa các cơ quan hành chính các cấp trước ngày 31-12-2017.

Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu ứng dụng phần mềm hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu ứng dụng phần mềm hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Trong nhiệm vụ này, tỉnh ta là một trong các địa phương đầu tiên trên toàn quốc sớm tập trung thực hiện và hoàn tất kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trong nội tỉnh và liên thông lên tuyến Trung ương (Văn phòng Chính phủ). Ngay từ tháng 6-2015, VNPT Nam Định đã tập trung triển khai thử nghiệm bộ phần mềm cải cách hành chính cho UBND tỉnh và các sở, ban, ngành. Phối hợp với UBND các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Trực Ninh triển khai thử nghiệm Chính phủ điện tử và đã vận hành thành công các phần mềm quản lý, đáp ứng yêu cầu tăng năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, tạo môi trường hành chính minh bạch, tăng sức cạnh tranh và được người dân các địa phương sử dụng, đánh giá cao. Từ đó, đã triển khai mở rộng áp dụng cho 27/27 sở, ngành, UBND các huyện, thành phố vào cuối tháng 10-2016. Sở TT và TT, VNPT Nam Định đã chủ động làm việc trực tiếp với từng đơn vị sở, ngành, xác định cụ thể hiện trạng, các hệ thống phần mềm chuyên ngành đang sử dụng; thống kê, nắm rõ thực trạng, mức độ chồng chéo, không liên thông của hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin; từ đó phân tích, xác lập phương án tháo gỡ, tạo tính liên thông, đồng bộ, kết nối trong nội bộ ngành, liên ngành, liên vùng trên phạm vi toàn tỉnh, cả nước, theo khung phần mềm chuẩn giao tiếp. Đến nay, trong lĩnh vực y tế đã xây dựng hệ thống quản lý bệnh viện VNPT-His; triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT VNPT-His giúp các cơ sở khám, chữa bệnh có thể kết xuất các báo cáo thanh toán, quyết toán BHYT nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ hiệu quả cho ngành Y tế trong công tác quản lý và điều hành. Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố và các trường đã triển khai hiệu quả hệ thống mạng giáo dục Việt Nam. Hiện đã triển khai đến 1.200 trường học với số lượng gần 30 nghìn sổ liên lạc điện tử, phục vụ hiệu quả cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào lĩnh vực giáo dục tại địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực kê khai BHXH qua mạng, các đơn vị, cơ quan trong tỉnh sử dụng cổng I-VAN để kê khai BHXH. Trong lĩnh vực quản lý thuế đã có trên 2.000 đơn vị, cơ quan trong tỉnh sử dụng dịch vụ chữ ký số VNPT-CA do VNPT cung cấp để kê khai thuế qua mạng… Bên cạnh việc liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử từ UBND tỉnh đến sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, tỉnh cũng đã triển khai liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử từ huyện đến xã. Trong đó, từ cuối năm 2016, UBND huyện Hải Hậu là đơn vị tiên phong trong số các huyện, thành phố triển khai kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử đến 35 xã, thị trấn trong huyện. Tiếp đó là huyện Giao Thủy và lần lượt các huyện, thành phố đều khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm hoàn tất liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử đến cấp xã theo đúng tiến độ của Chính phủ giao. Tuy nhiên, dù tỉnh đã thực hiện liên thông được hệ thống văn bản điện tử từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố, từ Trung ương đến địa phương và ngược lại theo tiến độ Chính phủ giao nhưng trên thực tế việc kết nối chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn, tồn tại. Hiện nay, hệ thống mạng WAN mới được triển khai tới cấp huyện, còn cấp xã kết nối liên thông qua mạng internet nên chưa đảm bảo về tốc độ và bảo mật. Mặt khác, do trình độ ứng dụng CNTT của lực lượng cán bộ Nhà nước, các ngành, nhất là ở cấp xã còn yếu dẫn đến tình trạng ở một số xã, việc gửi văn bản điện tử từ xã đến các phòng, ban của huyện hoặc các xã khác vẫn còn lúng túng. Tại một số ngành như ngành Y tế đến nay việc cập nhật dữ liệu liên thông của một số trạm y tế tuyến xã còn thiếu hoặc nhầm lẫn.

Để tháo gỡ những khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, sử dụng hiệu quả hệ thống phần mềm điện tử liên thông 4, tỉnh tiếp tục triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2017-2020. Trước mắt về giải pháp kỹ thuật, tỉnh khuyến khích các ngành, các địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT, đầu tư mở rộng mạng WAN của tỉnh trên đường truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao, sớm đồng nhất về tốc độ đường truyền và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT qua việc tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quy định của Bộ TT và TT cho cán bộ phụ trách CNTT của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ áp dụng quy trình xử lý văn bản điện tử và khai thác, sử dụng văn bản điện tử trên hệ thống liên thông văn bản cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị. Thống nhất việc sử dụng sổ đăng ký công văn đi - đến trên trục liên thông văn bản và các mẫu biểu báo cáo liên quan để tổng hợp, thống kê các chỉ tiêu báo cáo phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp. Đồng thời, tăng cường phối hợp giám sát, đánh giá an toàn thông tin hệ thống liên thông văn bản điện tử giữa các cấp chính quyền; xác định mức độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc để bảo đảm các văn bản điện tử gửi lên trục liên thông được ký số, cấp dấu thời gian sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com