Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, xây dựng những mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị hội tụ đủ các tiêu chí vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần tạo dựng môi trường sinh thái, không tốn quá nhiều diện tích và nhân công là những yêu cầu đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, ngành trồng trọt nói riêng của Thành phố Nam Định. Đáp ứng nhiệm vụ này, thời gian qua, Phòng Kinh tế thành phố, chính quyền các xã, phường có đất nông nghiệp và những người dân gắn bó với đồng đất, ruộng vườn đã nỗ lực chuyển đổi sản xuất, sáng tạo, đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng tầm sản xuất nông nghiệp trong không gian đô thị hiện đại.
Trồng hoa ly theo công nghệ mới tại HTX sản xuất, kinh doanh hoa - cây cảnh Nam Phong. |
Thành phố Nam Định có 8 xã, phường có đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng 360ha. Điều đặc biệt khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp ở Thành phố Nam Định là diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để dành cho phát triển các công trình kiến trúc đô thị và sản xuất CN-TTCN, thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó, một phần không nhỏ diện tích đất nông nghiệp còn lại xen kẹt giữa các công trình kiến trúc mới cũng không canh tác được do môi trường bị phá vỡ, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất không còn, nếu tận dụng để canh tác theo cách làm truyền thống cũng không đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, lực lượng lao động nông nghiệp trước đây cũng chuyển dịch sang các hoạt động dịch vụ, công nghiệp khác. Đặc thù đó đòi hỏi sản xuất nông nghiệp của thành phố càng phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để cân bằng được hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường và giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa. Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thành phố, Phòng Kinh tế thành phố đã đẩy mạnh việc tuyển chọn những tiến bộ kỹ thuật phù hợp với trình độ thâm canh, điều kiện sản xuất của nông dân để hỗ trợ người dân ứng dụng vào thực tế sản xuất. Các cơ quan chức năng cũng đã thực hiện đồng loạt các giải pháp về tuyên truyền, phổ biến KHKT, tổ chức các đợt tham quan những mô hình kinh tế đô thị ở các địa phương khác và góp ý, tham mưu cho UBND thành phố xây dựng đưa ra một số chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong năm 2017, Phòng Kinh tế thành phố đã phối hợp với UBND các xã, phường có đất nông nghiệp hướng dẫn nông dân tham gia các lớp tập huấn về giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị; sản xuất hoa công nghệ cao; trồng rau thủy canh; sử dụng đậu tằm trong nuôi cá trắm giòn… Hỗ trợ nhiều hộ tập thể, cá nhân xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Trong đó dự án “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất hoa loa kèn giống mới tại HTX Sản xuất, kinh doanh hoa - cây cảnh Nam Phong, Thành phố Nam Định” do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa cây cảnh, Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN và PTNT) chuyển giao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở các hội viên của HTX Sản xuất, kinh doanh hoa - cây cảnh Nam Phong đã nắm vững kỹ thuật canh tác hoa loa kèn từ nhiều năm nay, các cán bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu rau quả hướng dẫn đưa công nghệ xử lý giống và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để điều khiển hoa phát triển và nở đúng độ theo yêu cầu của người trồng. Đồng thời cũng chuyển giao công nghệ bảo quản hoa sau thu hoạch cho người dân để có thể vận chuyển hoa đi xa và lưu giữ lâu hơn thông thường từ 7-10 ngày. Với việc ứng dụng đồng bộ công nghệ vào cả quy trình chăm bón và bảo quản sau thu hoạch, sản phẩm hoa loa kèn của HTX Sản xuất, kinh doanh hoa - cây cảnh Nam Phong đã được nâng cao năng suất, chất lượng. Quan trọng hơn hoa loa kèn không chỉ trồng vào một vụ cuối xuân đầu hè nữa mà có thể trồng quanh năm, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3 lần so với cách trồng trước đây. Khâu bảo quản sau thu hoạch cũng được đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy cách của sản phẩm xuất khẩu. Không chỉ dừng lại ở việc tham gia dự án ứng dụng đổi mới công nghệ trong sản xuất hoa loa kèn, HTX Sản xuất, kinh doanh hoa - cây cảnh Nam Phong còn là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất hoa cây cảnh. Mô hình khác là trồng rau thủy canh để tận dụng những diện tích đất chật hẹp, xen kẹt kể cả các không gian trần nhà, ban công mà không phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi cũng như bảo vệ thực vật chung đã được phát huy tối đa trong điều kiện nông nghiệp đô thị. Hiện tại trên địa bàn Thành phố Nam Định đã có gần chục hộ gia đình phát triển mô hình kinh tế này và còn tiếp tục mở rộng, cung ứng, tư vấn công nghệ trồng cấy. So với những phương pháp sản xuất rau sạch truyền thống, phương pháp sản xuất trong nhà kính với hệ thống tưới tiêu và dinh dưỡng thông minh cùng với hệ thống điều khiển khí hậu hợp lý giúp kiểm soát toàn bộ các yếu tố tác động tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Nhiều mô hình ứng dụng thành công như mô hình trồng rau thủy canh của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN; mô hình của gia đình anh Trần Tuấn Anh, phường Lộc Hạ, hay cơ sở Anh Khôi Farm, xã Nam Phong... Các mô hình sản xuất này với các quy mô tập trung hay nhỏ lẻ trong hộ gia đình vừa đáp ứng nhu cầu rau sạch cho người dân sử dụng vừa tạo những mảng xanh sinh thái cần thiết cho không gian kiến trúc đô thị.
Với sự nỗ lực đổi mới sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với không gian đô thị chật hẹp, nông nghiệp thành phố đang dần tiệm cận với nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo đúng định hướng, kỳ vọng mà Đảng bộ, chính quyền thành phố đặt ra đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của thành phố trong giai đoạn hiện nay./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương