Là địa phương có trình độ thâm canh cao, thời gian qua, huyện Vụ Bản đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (TBKHKT) vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm tác động tới môi trường và tạo ra nông sản an toàn. Nhiều mô hình ứng dụng TBKHKT mới phù hợp với nhu cầu thực tế của sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng phát triển được nhân dân tin tưởng và nhân rộng tốt trong sản xuất đại trà.
Hội thảo đầu bờ về ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác cây lạc tại xã Liên Minh. |
Điểm nổi bật trong ứng dụng TBKHKT vào sản xuất nông nghiệp ở Vụ Bản là lựa chọn những cây chủ lực của địa phương để tập trung nghiên cứu, ứng dụng hoàn thiện quy trình sản xuất từ khâu chọn giống, xây dựng quy trình canh tác, thu hái, giảm tổn thất sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Theo đó, đối với lúa, các TBKHKT mới được ứng dụng trong cả phần khảo nghiệm lựa chọn giống đến sử dụng phân bón, chế phẩm bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm bón và đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch. Thời gian qua, huyện đã lựa chọn được các giống DT68 và Trân Châu hương để đưa vào cơ cấu giống của huyện. Đồng thời nghiên cứu xây dựng quy trình thâm canh chuẩn từ thời vụ, phương pháp gieo cấy, biện pháp kỹ thuật và công thức bón phân để 2 giống lúa DT68, Trân Châu hương phát huy tối đa tiềm năng năng suất, chất lượng. Đồng thời, huyện tiếp tục cấy khảo nghiệm các giống lúa OM7347, Nam Hương 4, Kim cương 111, Nam ưu 209… Những giống lúa này có khả năng sinh trưởng, phát triển, sức chống chịu sâu, bệnh tốt, chất lượng gạo ngon để tiến tới thay thế giống lúa BT7 đã có nhiều biểu hiện sâu bệnh, thoái hóa. Đặc biệt trong năm 2016, được sự hỗ trợ của Viện Lúa quốc tế (IRRI), mô hình ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý dinh dưỡng cho cây lúa bằng phần mềm Quản lý dinh dưỡng cho cây lúa được áp dụng thí điểm trên địa bàn xã Hợp Hưng. Đây là phần mềm tiên tiến nhất trên thế giới, được thiết kế cho cán bộ khuyến nông thu thập thông tin từ nông dân về giống, đặc điểm thổ nhưỡng, đất đai, hiện trạng đồng đất, cây lúa, sâu bệnh... nhằm giúp họ đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các phương thức, kỹ thuật chăm bón lúa kịp thời, khoa học nhất ngay tại đồng ruộng. Quá trình thử nghiệm cho thấy hiệu quả canh tác lúa cao hơn hẳn cả về năng suất, chất lượng lúa; giảm được ngày công lao động và lượng phân bón, thuốc BVTV phải sử dụng so sánh với diện tích cấy đối chứng. Đây là bước đột phá mà ít có địa phương nào trong tỉnh và trên toàn quốc làm được. Điều quan trọng hơn với cách làm này đã đưa người nông dân đến gần với công nghệ thông tin hơn, xóa bỏ băn khoăn của hầu hết nông dân là việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với nông dân rất khó khăn, phức tạp, chỉ thích hợp với công tác quản lý, sản xuất lớn, không thể áp dụng với sản xuất nông hộ và từng khâu nhỏ nhất trong quá trình canh tác.
Trong canh tác cây màu, huyện chủ trương tập trung đưa TBKHKT vào canh tác để tăng nhanh diện tích, hiệu quả kinh tế cho nông dân và đưa cây màu trở thành nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Do đó, Trạm Khuyến nông huyện đã mạnh dạn lựa chọn triển khai thí điểm đồng bộ mô hình cơ giới hóa khâu gieo hạt đối với cây lạc và cây ngô từ việc chọc lỗ, tra hạt, lấp và giữ khoảng cách hạt với hạt theo đúng yêu cầu kỹ thuật tại Thị trấn Gôi và các xã Liên Minh, Vĩnh Hào, Tam Thanh, Đại Thắng, Quang Trung,... với tổng diện tích 55ha. Thời gian gieo hạt bằng máy chỉ khoảng 20 phút/sào tương đương 1 đến 2 công gieo, giảm 90% công lao động so với cách làm thủ công trước đây. Ngoài hiệu quả giảm ngày công lao động, trong các quy trình chăm bón, thu hoạch đều thuận tiện hơn, năng suất cao hơn do hạt giống gieo bằng máy cho mật độ và khoảng cách đồng đều, hạt mầm có tính hướng sáng tốt, hạn chế mức độ nhiễm sâu bệnh. Hơn nữa, do đặc điểm máy gieo gọn, nhẹ, dễ sử dụng, giá thành rẻ (từ 3,5-4 triệu đồng/máy) nên phù hợp để đầu tư quy mô hộ gia đình. Mô hình sử dụng máy gieo hạt trên cây lạc, cây ngô đã khẳng định đạt hiệu quả cả về góc độ khoa học lẫn yếu tố kinh tế - xã hội. Đây sẽ là tiền đề tốt để mở rộng diện tích cây lạc, ngô gieo hạt bằng máy ở những vụ tiếp theo, đáp ứng yêu cầu giải phóng sức lao động nặng nhọc cho người nông dân; khắc phục tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động ở nông thôn và đẩy nhanh tiến độ mùa vụ. Không chỉ đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo hạt, Trạm Khuyến nông còn tổ chức hướng dẫn nông dân áp dụng cơ giới hóa ở khâu thu hoạch lạc liên hợp. Như vậy nếu mô hình được nhân rộng thì huyện Vụ Bản là đơn vị đầu tiên hoàn thiện cơ giới hóa trên cây lạc từ khâu làm đất, gieo hạt đến thu hoạch. Bên cạnh đó, Trạm phối hợp với Cty Nam Dược triển khai mô hình trồng quất lấy quả xanh làm nguyên liệu sản xuất thuốc tại xã Thành Lợi. Với mô hình sản xuất thử nghiệm trên diện tích 2ha, người dân Thành Lợi đã cung ứng ổn định cho Cty 21 tấn/ha/năm với giá 10 nghìn đồng/kg. Ngay năm đầu chuyển đổi sản xuất, giá trị kinh tế thu được do trồng quất đã đạt 200 triệu đồng/ha. Mô hình trồng quất lấy quả xanh đang tiếp tục được nhân rộng tại địa bàn các xã Thành Lợi, Đại Thắng với diện tích trên 10ha. Ứng dụng các TBKHKT mới trong trồng quất lấy quả xanh thành công đã góp phần khơi dậy phong trào trồng cây dược liệu của người dân địa phương vốn đang dần bị thu hẹp do năng suất không cao và thị trường tiêu thụ không ổn định.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng TBKHKT vào sản xuất đã tạo dấu ấn riêng về hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Vụ Bản so với các địa phương khác trong toàn tỉnh. Để có được kết quả này, thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện đã cử 20 cán bộ khuyến nông tham dự các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ, sửa chữa máy gặt do Trung tâm Khuyến nông quốc gia, tổ chức FAO tổ chức. Phối hợp tốt với cơ quan chuyên môn, Hội Nông dân, Phụ nữ, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn, HTX DVNN tổ chức 36 buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ chuyển giao TBKHKT cho 3.800 đại biểu tham dự. Đồng thời làm tốt công tác giao ban, chia sẻ những kinh nghiệm hay, những mô hình áp dụng tốt đối với khuyến nông, khuyến ngư cơ sở nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng TBKHKT vào sản xuất, huyện Vụ Bản rất cần sự tạo điều kiện của các ngành chức năng, chính quyền các xã, thị trấn cũng như sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân; sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cây con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản của địa phương khi các mô hình ứng dụng TBKHKT trong sản xuất được nhân rộng ra đại trà./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương