Những năm qua thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Giao Thủy đã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư tăng cường hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Chăm sóc tôm càng xanh tại Cty TNHH Bính Lợi, xã Giao Thiện. |
Nhận thức rõ việc ứng dụng tiến bộ KHKT là xu thế tất yếu quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, huyện Giao Thủy đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phổ biến kiến thức công nghệ qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy hải sản và chế biến nông sản… Hội đồng Khoa học huyện đã phát huy vai trò trong việc lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp với thổ nhưỡng và thực tế sản xuất ở địa phương để hỗ trợ xây dựng mô hình, hoàn thiện quy trình kỹ thuật làm tiền đề cho việc nhân rộng ra sản xuất đại trà đảm bảo không lãng phí, đầu tư có trọng điểm. Trung bình mỗi năm, từ nguồn kinh phí hoạt động KHCN, huyện đã hướng dẫn 3-5 tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện đề tài KHCN cấp Trung ương, cấp tỉnh; đồng thời hỗ trợ quản lý, cấp kinh phí cho 3 dự án ứng dụng KHCN vào 3 lĩnh vực có thế mạnh của địa phương để giải quyết những khó khăn, tạo bước đột phá trong sản xuất và tạo ra sản phẩm mới. Một số dự án tiêu biểu như dự án đóng mới và sửa chữa tàu thuyền gỗ phục vụ khai thác thủy sản ven biển do cơ sở đóng tàu và dịch vụ trang thiết bị thương mại thuỷ sản Trường Giang, Thị trấn Quất Lâm thực hiện. Triển khai dự án, cơ sở Trường Giang đã ứng dụng kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam về kỹ thuật xử lý bảo quản gỗ phòng chống hà và các sinh vật hại gỗ tàu thuyền hoạt động trên biển. Theo đó, để đóng tàu đi biển, cơ sở đã chọn các loại gỗ rừng tự nhiên thuộc nhóm 2, 3 như Táu mật, Sao đen, Dầu mít, Bạch đàn trắng… có tính chất cơ lý và độ bền tự nhiên cao dùng làm nguyên liệu đóng tàu. Các loại gỗ này được xử lý bằng thuốc XM5, tẩm theo phương pháp ngâm nóng, lạnh; hút chân không; tạo áp lực để tăng sức bền, độ dẻo dai và chống lại sự bám dính của các loại sinh vật biển hại gỗ thân tàu. Kết quả sau gần 2 năm khảo nghiệm thực tế tại địa phương, phần lớn các mẫu gỗ xử lý bằng thuốc XM5 dùng để đóng tàu khai thác trong môi trường tự nhiên thì vết hà xâm nhập nhỏ hơn 1/3 diện tích bề mặt mẫu gỗ. Còn đối với các mẫu gỗ tẩm thuốc XM5 nồng độ từ 15-25% thì vẫn chưa bị hà xâm nhập gây hại, tính chất cơ học của gỗ vẫn được đảm bảo. Trong khi đó để gỗ trong môi trường tự nhiên, các loại gỗ Táu mật, Sao đen, Dầu mít chỉ tồn tại được từ 8-10 tháng; gỗ Bạch đàn trắng bị hà biển phá hủy hoàn toàn sau 6 tháng. Như vậy ứng dụng công nghệ tẩm thuốc chống hà biển cho nguyên liệu gỗ đóng tàu thuyền đã giảm thiểu những tác hại do sinh vật biển này gây ra, tiết kiệm chi phí sửa chữa, đóng mới phương tiện khai thác cho ngư dân. Đồng thời mở rộng khả năng sử dụng gỗ rừng trồng để đóng tàu, thay thế một phần gỗ rừng tự nhiên và tạo việc làm cho lao động địa phương. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực do Cty TNHH Bính Lợi, xã Giao Thiện thực hiện đã mở ra hướng sản xuất mới cho nuôi trồng thủy sản địa phương. Tôm càng xanh đã được nuôi tại Giao Thuỷ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn ven biển. Tuy nhiên, nguồn giống tôm càng xanh hiện nay chủ yếu phải nhập về từ tỉnh ngoài nên không tránh khỏi tình trạng trà trộn giống trôi nổi khó kiểm soát chất lượng dẫn đến năng suất nuôi không ổn định. Hơn nữa nếu để tự nhiên thì lượng tôm cái chiếm khá lớn đối với nuôi tôm thương phẩm thì không đảm bảo sản lượng do năng suất thấp, trọng lượng tôm nhỏ so với tôm đực nên hiệu quả kinh tế không cao. Cty TNHH Bính Lợi đã được hỗ trợ ứng dụng các phương pháp kỹ thuật như: Phương pháp sử dụng hóc-môn; Phương pháp vi phẫu để loại bỏ hoàn toàn tuyến đực và Phương pháp bất hoạt gen insulin-like tuyến đực qua công nghệ can thiệp RNA của tôm đực ở giai đoạn hậu ấu trùng để tạo ra con tôm cái giả và cho sinh sản tạo tôm giống càng xanh toàn đực. Hiện nay, việc chuyển giao và đẩy mạnh sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực tại Giao Thuỷ có ý nghĩa quan trọng đảm bảo chất lượng con giống, kịp thời vụ, góp phần nâng cao năng suất con nuôi thương phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Từ những dự án ứng dụng KHKT mới vào sản xuất, ngoài hiệu quả kinh tế, người dân Giao Thủy đã chủ động được công nghệ sản xuất, không chỉ đáp ứng yêu cầu sản xuất trong huyện mà còn là cơ sở tin cậy cung ứng sản phẩm công nghệ cho các địa bàn lân cận. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án ứng dụng KHKT, công nghệ mới vào sản xuất với các quy mô khác nhau đang phát huy hiệu quả thiết thực trong các ngành sản xuất ở Giao Thủy trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, CN-TTCN.
Với tư duy năng động trong tiếp cận khoa học, lựa chọn những mô hình hiệu quả nhân rộng ra sản xuất đại trà để nâng cao hiệu quả lao động, khai thác tối đa nguồn lợi tự nhiên, sản xuất nông nghiệp của huyện Giao Thủy đã đạt giá trị bình quân trên 120 triệu đồng/ha đất canh tác. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 29,3 triệu đồng/năm. Phát huy kết quả này, huyện Giao Thủy đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò KHKT trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để người dân quan tâm tìm hiểu và ứng dụng vào thực tế sản xuất tạo ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và khuyến khích người dân tham khảo, nhân rộng những mô hình hiệu quả mang lại năng suất, chất lượng cao góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương