Đổi mới hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ

07:09, 07/09/2017

Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những thành tích đáng khích lệ ở cả lĩnh vực hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, đổi mới công nghệ, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ…, góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Tuy nhiên hoạt động KHCN vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả trong khai thác tiềm năng của tỉnh. Một trong những nguyên nhân là do cơ chế quản lý tài chính trong các hoạt động KHCN còn nhiều phức tạp, gây khó khăn cho các đơn vị, cá nhân khi triển khai các dự án KHCN. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã quyết định đổi mới cơ chế hỗ trợ tài chính trong các hoạt động KHCN nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động KHCN.

Sản phẩm gỗ mỹ nghệ làng nghề La Xuyên, Yên Ninh (Ý Yên) được Sở KH và CN hỗ trợ đăng ký chứng nhận nhãn hiệu.
Sản phẩm gỗ mỹ nghệ làng nghề La Xuyên, Yên Ninh (Ý Yên) được Sở KH và CN hỗ trợ đăng ký chứng nhận nhãn hiệu.

Tỉnh ta có trên 6.000 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực. Trong đó, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90%, là lực lượng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đổi mới công nghệ; xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến trong quản lý, điều hành sản xuất. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao do các quy định này mới chỉ áp dụng thực hiện đối với các đề tài, dự án KHCN mà không hướng dẫn, áp dụng và điều chỉnh đối với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN. Do đó đến nay, tỉnh ta mới có khoảng 100 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, ISO 22000, HACCP và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Khoảng 200 doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 8 giải pháp hữu ích, 6 đối tượng hàng hoá được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu chứng nhận; chưa có giống cây trồng nào được bảo hộ và cũng chưa có đối tượng sở hữu công nghiệp nào được đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh cũng chỉ có khoảng 100 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Đây là những số liệu quá khiêm tốn so với lực lượng doanh nghiệp, sản phẩm đang hoạt động và có cơ hội xuất khẩu. Việc chưa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, hay bảo hộ nhãn hiệu… không chỉ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trước các rào cản về kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa… mà còn khó tạo dựng được thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác lợi thế xuất khẩu. Để khắc phục hạn chế này, UBND tỉnh đã quyết định đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận với các chương trình, dự án KHCN và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, các đơn vị sự nghiệp Nhà nước hoạt động theo pháp luật trên địa bàn tỉnh đều được tham gia chương trình hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ tài chính được quy định cụ thể với 4 nội dung: Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; các hoạt động nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; các hoạt động liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, phát triển kênh thương mại cho sản phẩm; tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, Giải thưởng Chất lượng quốc tế, các giải thưởng KHCN, các giải thưởng bình chọn về chất lượng và thương hiệu; các hội chợ triển lãm liên quan đến lĩnh vực KHCN và hoạt động tạo ra công nghệ mới, đổi mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Mức hỗ trợ các hoạt động KHCN cho các doanh nghiệp được thực hiện dao động từ 5-100 triệu đồng tùy từng mục tiêu, nhiệm vụ KHCN. Trên cơ sở đó, các tổ chức, cá nhân đã tham gia thực hiện các hoạt động KHCN thuộc 4 nội dung trên nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ về Sở KH và CN. Định kỳ 3 tháng một lần, Sở KH và CN sẽ phối hợp với các ngành chức năng thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế và trình UBND tỉnh phê duyệt và bàn giao tiền cho đơn vị thụ hưởng.

Ông Trần Xuân Thành, chủ cơ sở sản xuất cơ khí Thuận Thành, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) cho biết: Là doanh nghiệp nhỏ trong làng nghề, chúng tôi chỉ chú ý đến khâu sản xuất, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao, kiểu dáng công nghiệp phù hợp với yêu cầu sản xuất mà chưa quan tâm đến việc đăng ký nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hay xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Lý do có phần từ việc ngại thực hiện các thủ tục hành chính (tương đối nhiều và rối rắm) trong khi kinh phí hỗ trợ lại không nhiều. Nếu tỉnh đổi mới cơ chế hỗ trợ tài chính trong hoạt động KHCN theo hướng trực tiếp tới doanh nghiệp và nghiệm thu kết quả, hạn chế thủ tục hành chính thì doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi không phải ngại ngần về thủ tục hành chính sẽ quan tâm nghiên cứu và mạnh dạn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cũng như tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm của mình làm ra.

Việc chuyển đổi quản lý tài chính chi cho KHCN từ quản lý đầu vào sang quản lý theo đầu ra và kết quả thực hiện các chương trình KHCN. Sở KH và CN ước tính mỗi năm sẽ có hơn 80 doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia các hoạt động KHCN với tổng kinh phí khoảng 1,8 tỷ đồng trích từ nguồn vốn sự nghiệp KHCN. Điều này không chỉ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động KHCN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, có đầy đủ cơ sở pháp lý để tham gia vào chuỗi tiêu thụ toàn cầu mà còn là cú hích quan trọng mang tính đột phá để tỉnh ta đạt được mục tiêu phát triển KHCN của tỉnh đến năm 2020./.

Bài và ảnh: Nguyễn  Hương

 



cách tìm sim số đẹp tại khosim.com in gia công Báo giá dịch vụ in 3D Giá rẻ iphone 15

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com