Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống

08:08, 15/08/2017
Công nghệ sinh học (CNSH) là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng của sinh học, kết hợp với các quy trình và thiết bị kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, thân thiện với môi trường là xu hướng phát triển tất yếu được khuyến khích. Nhận thức được tầm quan trọng của CNSH, trong những năm gần đây, tỉnh ta đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNSH vào các lĩnh vực sản xuất. Qua đó, nhiều tiến bộ KHCN đã được áp dụng hiệu quả trong sản xuất, đời sống nhằm tạo ra bước đột phá trong việc chọn tạo nhân giống cây con mới; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đổi mới quy trình chế biến dược liệu, nông sản thực phẩm trên quy mô lớn… góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN pha chế chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN pha chế chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường.
Để tạo cơ sở đưa CNSH ứng dụng rộng rãi vào sản xuất và đời sống xã hội, Sở KH và CN đã làm tốt công tác phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chuyển giao kỹ thuật thực hành CNSH tới các tầng lớp nhân dân; đầu tư cơ sở vật chất; định hướng giúp các địa phương, tập thể, cá nhân, tổ chức trên địa bàn nghiên cứu, lựa chọn ứng dụng CNSH vào thực tiễn. Chủ động phối hợp tư vấn, hỗ trợ các sở, ngành, địa phương xây dựng nhiều mô hình nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật ứng dụng CNSH để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đầu tư chuyên sâu cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) trở thành đơn vị mũi nhọn trong việc ứng dụng và chuyển giao CNSH vào thực tế sản xuất. Với đội ngũ kỹ sư có nhiều kinh nghiệm và hệ thống cơ sở vật chất thiết yếu đồng bộ phục vụ phát triển CNSH gồm: Phòng thí nghiệm, phòng nuôi cấy mô, nhà lưới và các loại máy chuyên dụng phục vụ sản xuất nguyên liệu trong ứng dụng CNSH, Trung tâm đã nghiên cứu thành công các công nghệ: nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống cây trồng với số lượng lớn, đồng đều về mặt di truyền; sản xuất các loại chế phẩm sinh học phục vụ phòng trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng, vật nuôi và môi trường. Nhiều mô hình ứng dụng CNSH do Trung tâm thực hiện đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường của tỉnh như dự án sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Ước tính số lượng giống khoai tây thương phẩm chất lượng cao đáp ứng 50% nhu cầu về giống phục vụ sản xuất mỗi năm đã góp phần quan trọng khắc phục hạn chế lâu nay trong khâu cung ứng giống cây vụ đông chủ lực của tỉnh. Trung tâm đã chủ động nghiên cứu triển khai các dự án CNSH mang tính đột phá phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất rau, quả an toàn”... Đến nay Trung tâm đã có hàng chục đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng CNSH được triển khai ở mọi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, y dược và bảo vệ môi trường với tổng kinh phí hỗ trợ hàng chục tỷ đồng. Các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng CNSH mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đáng chú ý là nếu như trước đây việc ứng dụng CNSH chỉ được thực hiện trong các đơn vị, các Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu như: Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Giống thủy hải sản, Trung tâm Giống thủy đặc sản, Cty Cá giống Nam Trực (Sở NN và PTNT) thì đến nay, các làng nghề truyền thống, các hộ tư nhân cũng mạnh dạn nghiên cứu, tìm kiếm đầu tư, chọn hướng ứng dụng CNSH vào sản xuất. Trong đó công nghệ bổ sung Enzyme đã được ứng dụng thành công trong sản xuất rượu thủ công truyền thống tại xã Yên Phú (Ý Yên) và sản xuất nước mắm ở Cty CP Chế biến hải sản Nam Định với sản phẩm nước mắm Ninh Cơ. Theo đó khi bổ sung Enzyme tự nhiên vào quy trình sản xuất rượu sẽ có tác dụng tạo độ ngọt, thơm; bóc tách triệt để giảm hàm lượng axít axêtic, aldehyde, methanol gây độc hại trong rượu. Đối với sản phẩm nước mắm, bổ sung Enzyme đã thúc đẩy quá trình phân hủy và loại bỏ đạm động vật gây mùi hôi trong quá trình sản xuất, giúp khắc phục nhược điểm cố hữu của nước mắm truyền thống là màu và mùi quá đậm khiến nhiều người tiêu dùng e ngại; thời gian sản xuất nước mắm truyền thống cũng được rút ngắn (từ 12 tháng xuống còn 9 tháng) và giảm 10-15% tổn thất đạm trong quá trình chế biến, do hạn chế tỷ lệ đạm thối, rút ngắn thời gian ngâm ủ, khuấy đảo và sản phẩm nhanh lên hương. Cải tiến mang tính đột phá này đã giúp nước mắm Ninh Cơ mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhiều hộ tư nhân đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến thức ăn sinh học; xử lý chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo ra sản phẩm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; ứng dụng CNSH trong sản xuất, chăm sóc cây cảnh, cây ăn quả đã giúp các hộ trồng cây cảnh tỉnh ta nổi tiếng trên toàn quốc với cách tạo dáng cây cảnh và chiết ghép cây có nhiều loại quả hay nhiều loại hoa cảnh trên cùng một gốc đáp ứng nhu cầu thưởng thức hoa, cây cảnh trong dịp tết. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về CNSH trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng và các mô hình mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm, trình diễn, chậm nhân rộng ra thị trường; các nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực CNSH chưa thật sự gắn kết với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chưa tạo ra những sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế. CNSH được ứng dụng chủ yếu hiện tại vẫn là CNSH truyền thống. Mặt khác, chưa có sự kết nối bền vững giữa cơ quan nghiên cứu về CNSH với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực CNSH còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn... 
 
Tỉnh ta đang hướng đến phát triển một nền sản xuất sạch và bền vững, do đó việc ứng dụng CNSH vào sản xuất trong giai đoạn này là hết sức cần thiết và ngày càng trở nên cấp bách hơn ở tất cả các ngành tạo ra sản phẩm hàng hóa như nông nghiệp, công nghiệp và y, dược phẩm. Để tạo đà cho CNSH phát triển, tỉnh chủ trương chú trọng hỗ trợ phát triển các vùng chuyên canh có ứng dụng CNSH sản xuất nông sản, chăn nuôi, thủy hải sản theo hướng tập trung, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; ưu tiên phát triển một số lĩnh vực CNSH trong chế biến nông sản thực phẩm và y dược để tạo nên bước đột phá về công nghệ, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án ứng dụng CNSH trên địa bàn./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com