Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, huyện Nam Trực đã tạo được bước đột phá trong mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là phát triển sản xuất.
Huyện Nam Trực có 20 xã, thị trấn với điều kiện tự nhiên, giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế; người dân cần cù chịu khó, sáng tạo, tích cực tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Để triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW có hiệu quả, Huyện ủy Nam Trực đã tổ chức quán triệt Nghị quyết tới tất cả các tổ chức cơ sơ Đảng để nâng cao nhận thức của các đảng viên; tổ chức lãnh đạo đảng viên và nhân dân thực hiện các mục tiêu ứng dụng KHCN hiệu quả vào thực tế tại địa phương. Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả, mục đích ứng dụng KHCN trong nhân dân thông qua hoạt động của các tổ chức, đoàn thể và hệ thống đài truyền thanh cơ sở. UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc triển khai, ứng dụng KHCN trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế,… thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong cán bộ, đảng viên, công nhân, viêc chức và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong công tác quản lý ở cơ quan, đơn vị. Do đó dấu ấn KHCN đã hiện diện trong tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội ở Nam Trực. Trong đó lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu rõ nét với việc triển khai Dự án KHCN “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống khoai tây Solara sạch bệnh tại huyện Nam Trực” nhằm đưa giống khoai tây mới có năng suất, chất lượng cao thay thế giống khoai cũ đã thoái hoá; đẩy mạnh tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác và chăn nuôi cho người dân. Trung bình mỗi năm có gần 3.000 lượt người được Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tham gia hội thảo đầu bờ đánh giá chất lượng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Cùng với tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm, Phòng NN và PTNT đã xúc tiến xây dựng các liên kết, tổ chức ký hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Hiện tại trên địa bàn huyện, Cty TNHH Thực phẩm Orion Vina đã ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật canh tác và tiêu thụ sản phẩm khoai tây cho các hộ dân tại các xã: Nam Hoa, Nam Hùng, Nam Dương và Thị trấn Nam Giang. Từ những cách làm hiệu quả, đã giúp người dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn đầu tư thâm canh, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Hiện tại tập quán gieo mạ dược trong vụ xuân của nông dân đã được loại bỏ hoàn toàn thay bằng phương pháp gieo sạ; cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 80% khâu thu hoạch; xây dựng được một cánh đồng liên kết và 37 cánh đồng mẫu lớn. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện ổn định khoảng 3,2%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ.
|
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng bí xanh sớm ở xã Nam Hoa. |
Trong sản xuất CN-TTCN các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đã tích cực đầu tư đổi mới thiết bị để ứng dụng KHCN phát triển sản xuất, đổi mới sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Quang Báo đã đầu tư trên 3 tỷ đồng mua máy đúc áp lực thay thế phương pháp đúc thủ công để đúc các chi tiết máy có độ chính xác cao, sản phẩm bền, đẹp, chất lượng cao và tiết kiệm 30-50% nguyên liệu. Ở các làng nghề việc đầu tư ứng dụng KHCN cũng diễn ra tích cực, có trọng điểm với các định hướng nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hạn chế gây hại bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm do quá trình sản xuất... Ở làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ, xã Nam Tiến máy móc được mua sắm thay thế các quy trình làm khuôn đúc thủ công, chạm khắc, hoàn thiện để nâng cao độ chính xác, tinh xảo của từng sản phẩm đúc mỹ nghệ.
Hiệu quả của việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào mọi mặt đời sống, xã hội của huyện Nam Trực đã được khẳng định. Tuy nhiên việc ứng dụng KHCN mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, y tế. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa nhận thức được ứng dụng KHCN là nhu cầu thiết thực cần chủ động đầu tư thực hiện mà vẫn mong chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chưa có cơ chế kiểm tra giám sát đánh giá hiệu quả của các chương trình nhiệm vụ khoa học. Nguồn kinh phí đầu tư phát triển KHCN còn thấp và chưa huy động được đầu tư xã hội hóa cho hoạt động KHCN. Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào thực tế và nâng cao hiệu quả đầu tư KHCN, huyện Nam Trực tiếp tục xác định phát triển KHCN là nhiệm vụ trọng tâm trong các chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phát triển KHCN tập trung vào các ngành trọng điểm, nhiệm vụ cấp thiết như: Cải cách thủ tục hành chính, đưa cây, con giống mới vào sản xuất; đưa KHCN vào việc phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới theo hướng dịch vụ và ứng dụng trong bảo vệ môi trường./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương