Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

07:06, 22/06/2017

Ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, cùng với các biện pháp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tới nông dân, các cấp, các ngành hữu quan đặc biệt chú ý vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trước hết phải đảm bảo an ninh lương thực, từ đó mới tạo ra được sản phẩm hàng hóa, vì vậy trồng trọt là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức ứng dụng trên diện rộng các tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao và mở rộng cơ giới hóa các khâu sản xuất. Các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao và chống chịu sâu bệnh tốt được khảo nghiệm, trình diễn nhiều lần trước khi bổ sung vào cơ cấu và mở rộng nhanh diện tích thay thế cho các giống cũ. Sở NN và PTNT phối hợp với các địa phương nghiên cứu, khảo nghiệm, bổ sung vào sản xuất nhiều giống cây trồng ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao như các giống lúa: TX111, CT16, BTE1, TeJ vàng, M1-NĐ, BC15, TBR225, Nam Định 5, Hương biển 3, DQ11, QR11, GS333… Các giống rau màu: ngô lai LVN4, LVN145, C919, CP999, CP555; đậu tương DT12, DT122; giống lạc L18, L23; giống khoai tây Solara, Marabell; cà chua TN005, TN006, Savior; bí xanh đá… Về cơ cấu mùa vụ, nông dân đã áp dụng mạnh mẽ các quy trình thâm canh tổng hợp tăng năng suất, chất lượng gắn với chuyển dịch tích cực theo hướng ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao. Tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 43% diện tích (năm 2013) lên trên 60% diện tích. Sản phẩm lúa chất lượng cao của Nam Định như: BT7, NĐ1, lúa tám, nếp… đã được tiêu thụ ở nhiều thị trường lớn trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng… Bên cạnh cây lúa, các cây trồng khác có giá trị hàng hóa cũng được chú trọng phát triển và đạt hiệu quả tốt nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Tỉnh đã tiếp nhận, chuyển giao thành công công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào và xây dựng được hệ thống sản xuất khoai tây giống khép kín từ giống gốc siêu nguyên chủng đến giống thương phẩm; công nghệ bảo quản giống kho lạnh… Xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững như: mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản, mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi dê… Cơ giới hóa trong sản xuất được phát triển nhanh đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người nông dân, tăng hiệu quả sản xuất: tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, tuốt lúa đạt 100%; khâu gieo sạ trên 40%. Thông qua các cơ chế khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 600 máy gặt đập liên hợp, phục vụ thu hoạch lúa cho 35-37 nghìn ha/vụ, đạt xấp xỉ 50% diện tích. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất 7-10% so với trước đây. Giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác của tỉnh năm 2016 đạt 107 triệu đồng.

Mô hình trồng rau công nghệ cao của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Mô hình trồng rau công nghệ cao của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Chăn nuôi được các địa phương phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Tổ chức phát triển các mô hình chăn nuôi theo quy trình tiên tiến. Các công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến như công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi sinh thái… được áp dụng nhanh, nhất là trong chăn nuôi trang trại, gia trại. Nhờ đó đã giảm thiểu phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Toàn tỉnh hiện có 332 trang trại chăn nuôi; số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong toàn ngành Chăn nuôi đã giảm từ 70% (năm 2013) xuống còn 60%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hằng năm tăng nhanh. Năm 2016, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 145 nghìn tấn; sản lượng thịt gia cầm 19 nghìn tấn; sản lượng thịt trâu, bò gần 4.000 tấn… Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAHP từng bước được áp dụng trong chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có 4 trang trại (2 trang trại chăn nuôi lợn thịt và 2 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm) đã được cấp giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP. Chương trình xây dựng cơ sở và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chương trình quản lý đàn lợn đực giống cũng được triển khai tích cực góp phần quản lý tốt dịch bệnh và chất lượng đàn lợn giống, cải thiện nâng cao chất lượng đàn lợn thịt. Nuôi trồng thủy sản (NTTS) chuyển dần từ quảng canh sang thâm canh, hình thành các vùng nuôi tập trung. Đối tượng nuôi được chuyển dịch nhanh sang các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, có thị trường ổn định. Nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị, hiệu quả kinh tế cao được du nhập và phát triển ở các vùng nuôi. Ở vùng mặn lợ tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược là những đối tượng nuôi chính trong chuyển dịch cơ cấu giống thủy sản. Tỉnh tiếp nhận và ứng dụng thành công một số công nghệ mới trong sản xuất như sản xuất các loại giống thủy sản: ngao, tôm thẻ chân trắng, cua biển, cá chình, tu hài, hầu, cá lăng, song chấm nâu… Phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất giống tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tiếp cận và sản xuất thành công 2 giống thủy sản mới là giống sò huyết của Cty TNHH NTTS Liên Phong, tôm càng xanh siêu đực của Cty TNHH một thành viên Bính Lợi… Năng lực, hiệu quả khai thác hải sản được tăng cường. Đẩy mạnh phát triển đội tàu công suất lớn có khả năng hoạt động khai thác xa bờ gắn với việc phát triển dịch vụ hậu cần thủy sản. Triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ. Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sản xuất theo vùng trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh triển khai 3 tiểu dự án hệ thống công trình thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Yên Khang (Ý Yên), Giao Tiến (Giao Thủy) và Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng). Bên cạnh đó, tỉnh triển khai dự án cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi phục vụ NTTS tại 3 huyện ven biển, một số Cty TNHH một thành viên KTCTTL đã đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị tự động hóa nhiều hoạt động, thao tác thuận lợi cho sản xuất như: đo độ mặn, đóng mở cống, đo mực nước, đo lượng mưa…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế. Một số HTX và nông dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động đổi mới phương thức sản xuất, quản lý, tiếp cận thị trường. Sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ cao, nhiều loại nông sản được thu hoạch tập trung trong thời gian ngắn do vậy việc điều tiết nguyên liệu cho công nghệ chế biến còn nhiều khó khăn. Ruộng đất còn manh mún; trên cùng một cánh đồng có quá nhiều chủ quản lý sử dụng nên khó thống nhất trong tổ chức sản xuất từ đối tượng trồng cây, chủng loại, số lượng và chất lượng sản phẩm… gây khó khăn cho việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản mặc dù đã được nâng cấp song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa cũng như yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Thông qua việc tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới, trình độ sản xuất của nông, ngư dân từng bước được nâng lên. Nhờ vậy ngày càng nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân đã từng bước hình thành, tuy chậm song đã tạo được những minh chứng thực tế có sức thuyết phục đối với người nông dân và cung cấp các bài học thực tiễn cho các nhà quản lý trong công tác chỉ đạo. Năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa nông, lâm, thủy sản ngày càng tăng; qua đó góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com