Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ cấp cơ sở

07:05, 03/05/2017
Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) ở cấp cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng để KHCN thực sự đi vào đời sống. Trong những năm qua, hoạt động KHCN cấp cơ sở đã được tập trung đầu tư phát triển, tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các ngành sản xuất của các địa phương. 
Thu hoạch khoai tây giống sạch bệnh thuộc đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống sạch bệnh tại tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2017”.
Thu hoạch khoai tây giống sạch bệnh thuộc đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống sạch bệnh tại tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2017”.
Để thúc đẩy hoạt động KHCN cấp cơ sở tổ chức bộ máy quản lý đã được củng cố, bổ sung cơ bản hoàn thiện. Trong đó, các sở, ngành đã thành lập và xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng KH và CN. Các huyện, thành phố đã kiện toàn Hội đồng KH và CN cấp huyện, bố trí nhân sự lãnh đạo và chuyên viên kiêm nhiệm phụ trách KHCN, Hội đồng KH và CN các huyện đã chủ động trong công tác tham mưu cho UBND đồng cấp về hoạt động KHCN trên địa bàn. Các trường đại học, cao đẳng đều có các phòng quản lý khoa học trực thuộc nhà trường. Nhiều đơn vị còn thành lập các hội đồng khoa học theo từng khoa, ngành chuyên môn. Việc hoàn thiện bộ máy tổ chức đã tạo tiền đề cho việc tổ chức, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ KHCN của địa phương, đơn vị như: Xây dựng nhiệm vụ KHCN hằng năm; lập kế hoạch các dự án sản xuất có ứng dụng KHCN; đầu tư công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm; đề xuất hướng dẫn, trợ giúp và chuyển giao KHCN từ phía Sở KH và CN và các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... Trong đó, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng các tiến bộ KH và CN vào công việc chuyên môn mang lại hiệu quả cao ở cả yếu tố KT-XH. Năm 2016, toàn tỉnh đã triển khai được 94 nhiệm vụ KHCN. Các nhiệm vụ KHCN đã hướng vào giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết của các địa phương, đơn vị. Tiêu biểu như huyện Mỹ Lộc tham gia các dự án xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn; huyện Giao Thủy tập trung các nghiên cứu sản xuất giống và nuôi tôm càng xanh toàn đực; huyện Nam Trực xây dựng mô hình trồng khoai tây sạch bệnh; huyện Nghĩa Hưng phát triển trồng cây thuốc ngưu tất cho hiệu quả kinh tế cao... Dự án nuôi tôm càng xanh toàn đực tại xã Giao Thiện (Giao Thủy) được triển khai để tận dụng những ưu điểm vượt trội như: Tốc độ lớn nhanh hơn so với tôm cái; tôm thương phẩm đạt kích cỡ lớn, chất lượng thịt ngon, hình thức đẹp; chi phí đầu tư thấp do thời gian nuôi được rút ngắn hơn. Theo đó, toàn bộ tôm giống không chỉ được lựa chọn về kích cỡ, độ đồng đều còn được kiểm soát giới tính trước khi nuôi thả. Quy trình kỹ thuật nuôi cũng được áp dụng theo công nghệ mới độc quyền của Ít-xra-en. Dự án nuôi tôm càng xanh toàn đực được chuyển giao thành công ở Giao Thủy do Sở KH và CN hỗ trợ triển khai đã mở ra hướng sản xuất mới hiệu quả và đa dạng cơ cấu con nuôi tại vùng đất ven biển giàu tiềm năng này. Tại huyện Nam Trực, địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông hiệu quả ở cả 3 yếu tố là diện tích năng suất và chất lượng với tổng diện tích hơn 1.350ha cây màu các loại; ngô; bí xanh; đậu tương…; trong đó khoai tây chiếm tỷ trọng lớn với diện tích khoảng 700ha. Để tạo đòn bẩy cho huyện phát triển cây vụ đông chủ lực, Sở KH và CN đã hỗ trợ một số xã trên địa bàn tham gia đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống sạch bệnh tại tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2017”. Theo đó, các xã được hỗ trợ giống khoai tây sạch bệnh được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) nhân giống theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào để trồng thay thế cho việc sử dụng giống khoai tây chất lượng kém bán trôi nổi trên thị trường. Đồng thời, Trung tâm còn hướng dẫn bà con nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác chuẩn để khai thác tối đa những ưu điểm về năng suất, chất lượng của giống khoai tây nguyên chủng. Đồng chí Vũ Văn Thắng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Nam Trực cho biết: tham gia Đề án là cơ hội để nông dân Nam Trực đầu tư mạnh cho cây vụ đông chủ lực của huyện, tạo bước đột phá về năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khoai tây thương phẩm dùng trong công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để bà con nông dân có điều kiện thay thế bộ giống khoai tây cũ (chủ yếu là giống KT3) đã bộc lộ nhiều yếu điểm như: năng suất thấp, chất lượng không cao, đặc biệt là dễ nhiễm các loại sâu bệnh như: xoăn lá vi-rút, héo xanh… Huyện sẽ tập trung tuyên truyền, vận động bà con trong toàn huyện tham quan, nhân rộng mô hình ra sản xuất đại trà. Đối với khối các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn đã gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong năm qua, các trường đã triển khai 2 đề tài cấp Nhà nước; 5 đề tài cấp bộ; 1 đề tài cấp tỉnh; trên 150 đề tài khoa học cấp trường; có trên 500 bài báo đăng trên các tạp chí, hội thảo chuyên ngành. Tiêu biểu như các đơn vị: Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Điều dưỡng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế như: Cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực KHCN ở các địa phương thường bị xáo trộn nên không đảm bảo yêu cầu công việc; hiệu quả ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa sâu rộng; nguồn lực địa phương để thực hiện nhiệm vụ KHCN hạn chế; ngân sách đầu tư hằng năm cho KHCN cơ sở còn thấp; một số lĩnh vực thuộc khoa học xã hội và nhân văn, GD và ĐT, y tế chưa được quan tâm; chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời, chưa đầy đủ ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động KHCN… 
 
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KHCN cấp cơ sở, thời gian tới, Sở KH và CN tiếp tục hỗ trợ các địa phương làm tốt công tác quản lý KHCN tổ chức thực hiện các quy định về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, thanh tra, phổ biến kiến thức pháp luật về KHCN và thông tin KHCN, triển khai ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ KHCN vào quản lý, sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành trong tỉnh hoạch định, nghiên cứu xây dựng chính sách KHCN phù hợp với điều kiện của địa phương. Phát huy vai trò của chủ tịch Hội đồng KHCN và các thành viên trong hội đồng để có các giải pháp thúc đẩy hoạt động KHCN tại chính cơ quan, đơn vị, địa phương mình./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com