Hồng cầu lắng đông lạnh - phương pháp dự trữ nguồn máu hiếm mới

05:05, 25/05/2017

Thay vì chỉ bảo quản được tối đa 42 ngày, Bệnh viện (BV) Truyền máu-Huyết học TPHCM đã tìm ra kỹ thuật có thể lưu trữ, bảo quản hồng cầu đông lạnh đến 10 năm.

Việc này không chỉ giúp những bệnh nhân có nhóm máu hiếm trong những tình huống cấp cứu khẩn cấp, mà còn mở ra cơ hội cho những bệnh nhân có nhu cầu sử dụng máu của chính mình (truyền máu tự thân) để bảo đảm sự an toàn cần thiết.

Các túi hồng cầu trước khi đưa vào đông lạnh tại ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP. Hồ Chí Minh.
Các túi hồng cầu trước khi đưa vào đông lạnh tại ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP. Hồ Chí Minh.

BS. Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu-Huyết học TPHCM cho biết, nguyên tắc của truyền máu là phải truyền phù hợp nhóm máu để tránh tai biến nguy hiểm. Đặc biệt, nhóm máu hiếm RhD âm bắt buộc phải truyền RhD âm. Thống kê cho thấy, tỉ lệ người Việt Nam mang nhóm máu hiếm RhD âm là 0,07%.

Thông thường, những người bệnh có nhóm máu hiếm này phải phụ thuộc rất lớn vào những người có nhóm máu hiếm tình nguyện hiến tặng, nhưng không phải lúc nào cũng huy động được, đặc biệt là trong tình huống cần số lượng máu lớn. Trái lại, cũng có lúc lượng máu hiếm được hiến tặng quá nhiều nhưng lại không có nhu cầu sử dụng, đành phải bỏ đi rất uổng phí vì thời gian bảo quản quá ngắn.

“Chính vì vậy, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu tìm phương pháp làm sao lưu trữ hồng cầu dài ngày hơn để phục vụ cho công tác cứu người”, BS. Phù Chí Dũng cho biết, từ năm 2005, ông và BV đã bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật trữ lạnh hồng cầu trong thời gian dài.

Sau 7 năm tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm, những chế phẩm hồng cầu lắng đông lạnh có thể bảo quản trên 24 tháng bắt đầu ra đời.

Sau 4 năm theo dõi lâm sàng tình trạng những người bệnh sử dụng hồng cầu lắng đông lạnh, khi không ghi nhận sự khác biệt nào so với truyền máu thông thường, thì công trình mới chính thức được ghi nhận và thời gian bảo quản máu cũng tăng dần lên đến 10 năm.

Cách bảo quản thông thường chỉ cho phép dự trữ hồng cầu lắng trong khoảng 28-42 ngày ở nhiệt độ 4 độ C, nhưng nếu thêm vào một loại chất bảo quản là glycerol nồng độ cao 40%, sau đó đông lạnh ở nhiệt độ âm 80 độ C thì có thể lưu trữ lên đến 10 năm.

Khi muốn sử dụng hồng cầu lắng đông lạnh chỉ cần rã đông, loại bỏ glycerol là thực hiện truyền máu như bình thường.

Mặc dù đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng thành công, nhưng khi công trình này được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam đã thực sự là một bước tiến cho kỹ thuật đông lạnh máu. BV Truyền máu-Huyết học TPHCM cũng trở thành đơn vị tiên phong trên cả nước thực hiện và cấp phát hồng cầu đông lạnh cho nhiều BV khác tại Thành phố trong những trường hợp tối khẩn.

Đến nay đã có 231 túi hồng cầu đông lạnh được truyền cho các bệnh nhân trong tình huống cấp cứu khẩn cấp. Ngoài ra, trong ngân hàng lưu trữ tại BV hiện đang có sẵn khoảng 400 túi hồng cầu đông lạnh, sẵn sàng cung cấp cho các bệnh nhân có nhóm máu hiếm khi có nhu cầu.

Theo BS. Phù Chí Dũng, hiện nay giá dịch vụ sử dụng máu dự trữ bằng kỹ thuật đông lạnh hồng cầu khá lớn do chi phí để ứng dụng kỹ thuật này khó và điều kiện bảo quản ngặt nghèo nên chưa thể triển khai đại trà, chỉ sử dụng trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Sắp tới, BV sẽ kiến nghị bảo hiểm y tế chi trả cho các sản phẩm hồng cầu lắng đông lạnh vì xét về bản chất đây cũng là một sản phẩm máu thông thường.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com