Với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng KH và CN, tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư để hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, Bộ KH và CN đã xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020. Hưởng ứng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, Sở KH và CN đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh thụ hưởng các chương trình này.
Giới thiệu công nghệ trồng rau sạch tại Cty TNHH Rau sạch Ngọc Anh (Trực Ninh). |
Chương trình KH và CN quốc gia giai đoạn 2016-2020 có 6 nội dung trọng tâm gồm: Hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH và CN; Phát triển thị trường KH và CN đến năm 2020; Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Chương trình sản phẩm quốc gia; Phát triển công nghệ cao; đổi mới công nghệ quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH và CN và các tổ chức KH và CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đối tượng tham gia là: các tổ chức, cá nhân hoạt động KH và CN có tiềm lực để hình thành doanh nghiệp KH và CN; các doanh nghiệp KH và CN; doanh nghiệp có đăng ký hoạt động KH và CN và các tổ chức KH và CN. Tùy vào mục tiêu của từng chương trình cụ thể mà quy định đối tượng tham gia cho phù hợp, nhưng hầu hết là các doanh nghiệp ở phần lớn các lĩnh vực, trong đó đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp mới có ý tưởng khởi nghiệp hấp dẫn thuộc các lĩnh vực: NN và PTNT, công nghiệp, y - dược, công nghệ thông tin (CNTT)… Trên địa bàn tỉnh ta, hoạt động KH và CN luôn xác định doanh nghiệp là đối tượng trung tâm. Thực tế cho thấy, khi được Nhà nước hỗ trợ một phần, doanh nghiệp tăng khả năng đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, đồng thời tạo sức hút cho các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu sáng tạo. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho doanh nghiệp gồm nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn khi đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ. Trong đó, các chương trình được cụ thể hóa bằng việc thành lập Quỹ phát triển KH và CN; thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động và phát triển sản phẩm mới. Đồng thời lựa chọn nhiều dự án đổi mới công nghệ cấp quốc gia cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Tiêu biểu là các công trình như: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong việc xây dựng nhà máy phân loại hạt giống, sấy, đóng gói, bảo quản lúa giống tại Cty TNHH Cường Tân; chuyển giao công nghệ giết mổ tập trung, chế biến thịt lợn sạch tại Cty TNHH Biển Đông; hỗ trợ công nghệ xử lý môi trường trong việc xây dựng mô hình “Nhà máy chế biến sạch, khu chăn nuôi xanh”; hoàn thiện công nghệ sử dụng vật liệu địa phương để sản xuất gạch bê tông thay thế gạch đất sét nung; chuyển giao công nghệ xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản Giao Thuỷ… với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Theo ước tính của cơ quan chuyên môn, cứ 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ thì thu hút được gấp nhiều lần vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong xã hội. Chương trình còn cho ra nhiều sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu với giá rẻ hơn 20-60% và đã đứng vững trên thị trường, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn từng bước đổi mới công nghệ. Chẳng hạn như các công nghệ đúc tự tiêu tạo ra các sản phẩm thép chất lượng cao của Cty TNHH Cơ khí đúc Thắng lợi (TP Nam Định); công nghệ ép thủy lực song động sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu của Cty CP Vật liệu không nung 567; công nghệ sản xuất muối sạch của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm (Giao Thủy) và công nghệ sản xuất khoai tây giống sạch bệnh của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN); công nghệ chế biến nông sản sấy khô của Cty TNHH Minh Dương (TP Nam Định).
Kiên trì mục tiêu tăng cường tiềm lực KH và CN quốc gia; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển KH và CN với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Sở KH và CN đã căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương; điều tra năng lực thực tế, khả năng phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn để lựa chọn doanh nghiệp có tiềm năng nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH và CN để thực hiện các nhiệm vụ KH và CN làm nền tảng từ đó tiếp tục nhân rộng. Tổ chức lựa chọn các chương trình KH và CN quốc gia giai đoạn 2016-2020 cho phù hợp với điều kiện địa phương. Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu mục đích, yêu cầu, điều kiện và những lợi ích khi tham gia chương trình cho các doanh nghiệp hiểu rõ, lựa chọn tham gia. Chủ động tháo gỡ những tồn tại trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về hoạt động KH và CN nói chung và các chương trình hỗ trợ nói riêng để doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về hiệu quả lâu dài của việc đổi mới công nghệ; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ… Thúc đẩy hình thành thị trường công nghệ. Đồng thời phối hợp với Văn phòng chương trình KH và CN quốc gia (Bộ KH và CN) tổ chức tọa đàm giới thiệu và hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình KH và CN quốc gia. Qua đó nhiều doanh nghiệp mới có nhiều tiềm lực để hình thành doanh nghiệp KH và CN như các Cty: CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh); TNHH Minh Dương (TP Nam Định); CP Thương mại Chiềng Mai (Mỹ Lộc)… đã được tiếp cận với các chương trình KH và CN quốc gia phù hợp với chuyên ngành, năng lực và ý tưởng phát triển doanh nghiệp. Đồng chí Lâm Văn Lưu, Giám đốc Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh cho biết: Ngay từ ngày đầu thành lập Cty đã lựa chọn mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên việc ứng dụng hiện tại chủ yếu là tự học, tự nghiên cứu. Hiện tại Cty đã triển khai dự án trồng rau công nghệ cao với tổng diện tích 4ha. Trong đó có 1ha nhà màng theo công nghệ Thái Lan và áp dụng công nghệ tưới phun sương, nhỏ giọt tiết kiệm nước của Ít-xra-en. Sản lượng rau của Cty đạt khoảng 8 tấn/vụ, chủ yếu là các loại rau ăn lá, trong đó có 7 loại xà lách châu Âu, dưa lưới, cà chua… Do đó Cty rất cần sự hỗ trợ từ các dự án KH và CN, các nguồn vốn đổi mới công nghệ để Cty có điều kiện tiếp cận sản xuất nông nghiệp công nghệ cao một cách toàn diện hơn.
Chương trình hỗ trợ KH và CN quốc gia là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn bởi kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là tối đa 100% kinh phí; tối đa 50% đối với hoạt động hoàn thiện công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia; 30% kinh phí mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu; thiết bị đo kiểm, phân tích trong quá trình sản xuất thử nghiệm và sản xuất lô số không của dây chuyền công nghệ; hỗ trợ tối đa 100% chi phí đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực đối với đơn vị trực tiếp tham gia dự án. Đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ các hoạt động thương mại hoá sản phẩm và phát triển thị trường, hoạt động xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật. Để tiếp cận được với các chương trình này, bên cạnh sự nỗ lực của Sở KH và CN, bản thân các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động KH và CN cần tiếp tục nâng cao năng lực, đáp ứng các điều kiện: Chủ nhiệm dự án có trình độ cử nhân trở lên; đơn vị chủ trì dự án có đăng ký hoạt động KH và CN; có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án; tính khả thi và tiềm năng thị trường của sản phẩm của dự án; có đề xuất đặt hàng của cơ quan cấp bộ, ngành hoặc UBND cấp tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương