Xã Trực Chính (Trực Ninh) được thiên nhiên ưu đãi với vùng đất bãi phì nhiêu ven sông Ninh Cơ nên có tiềm năng cho phát triển kinh tế ở cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản nước ngọt. Để phát huy lợi thế đó, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung hỗ trợ, khuyến khích nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng những mô hình sản xuất mới nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có uy tín trên thị trường như cá truyền thống, thịt gia súc, gia cầm, khoai tây giống và các loại rau màu.
|
Chăm bón cây màu tại trang trại của gia đình anh Trịnh Văn Diện, xóm An Trạch, xã Trực Chính. |
Để áp dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xã Trực Chính đã tổ chức rà soát lại hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất và đầu tư kiến thiết cơ sở hạ tầng nhằm khai thác hiệu quả đất đai; tranh thủ các chương trình dự án hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất, khoa học kỹ thuật của cả Trung ương và địa phương để hỗ trợ, động viên người dân ứng dụng vào phát triển sản xuất. Đến nay, xã đã hoàn thành quy hoạch sản xuất với các phân khu rõ rệt như khu vực trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực; vùng sản xuất nông sản hàng hóa; vùng nuôi trồng thủy sản. Ở mỗi vùng sản xuất, xã đều đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp đảm bảo phục vụ sản xuất, đồng thời yêu cầu các hộ dân tham gia sản xuất phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ bản về hạ tầng khu vực sản xuất của riêng gia đình mình, tránh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của các hộ xung quanh. Trong đó tại vùng đất bãi ven sông rộng 85ha của xã được đầu tư đồng bộ hệ thống tưới, tiêu nước hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cấy lúa sang chuyên canh cây rau màu. Vùng nuôi thủy sản tập trung có diện tích 20ha đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống đường giao thông, điện và hệ thống thủy lợi… với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Mỗi hộ nuôi thủy sản lại đầu tư kiến thiết ao nuôi, hệ thống chuồng trại quy củ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, điều kiện vệ sinh môi trường để thuận lợi cho việc ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất các loại cá truyền thống bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 3 lần so với cấy lúa. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, UBND xã phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Khuyến nông huyện… tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Đồng thời tổ chức cho các hộ nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau màu, trồng cây dược liệu và nuôi thủy sản ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Qua đó, nhiều kỹ thuật mới như trồng rau, nuôi thủy sản an toàn theo quy trình VietGAP; chăn nuôi an toàn sinh học được người dân áp dụng vào thực tế sản xuất. Hiện trên khu vực trong và ngoài đê sông Ninh Cơ đã hình thành 4-5 trang trại đạt đủ các tiêu chí của Bộ NN và PTNT quy định và hàng chục gia trại, chủ yếu là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3 đến 4 lần so với trước đây. Tiêu biểu như mô hình sản xuất nuôi thủy sản, trồng rau màu, kết hợp với chăn nuôi gia súc của gia đình ông Đỗ Văn An; mô hình nuôi gà kết hợp sản xuất cá giống, nuôi cá thương phẩm của gia đình chị Lê Thị My, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 6-7 tấn cá thịt, 1 tấn cá giống, khoảng 40 tấn gà… mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng. Mô hình trang trại trồng trọt của gia đình anh Trịnh Văn Diện, thôn An Trạch có tổng diện tích trên 5ha đã luân canh các loại cây màu như khoai tây, khoai lang, lạc, ngô nếp và ngưu tất với hệ số quay vòng đất từ 3-4 vụ một năm. Điều đặc biệt ở trang trại của gia đình anh Diện là anh đã tìm mọi cách cải tiến các loại máy móc cho phù hợp với điều kiện sản xuất nhằm cơ giới hóa mọi khâu trong quy trình canh tác như: làm đất, xẻ rãnh, tra hạt, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, tưới nước và thu hoạch... Anh Diện cho biết: việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất đã mang lại lợi ích lớn không chỉ để cho kịp thời vụ, giảm lao động thủ công và tăng năng suất cây trồng mà còn đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất. Cách làm hiệu quả này đã giúp anh thu về hàng trăm tấn rau màu các loại mỗi năm. Quan trọng hơn, trang trại của gia đình anh đã trở thành địa chỉ tin cậy để các tổ chức, doanh nghiệp đề nghị hợp tác sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân trong xã. Ngoài sự chủ động chuyển đổi cơ cấu cây con giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân, xã Trực Chính còn đẩy mạnh tích tụ ruộng đất thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về thuê đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để vừa tăng thu cho ngân sách xã, tận dụng tài nguyên vùng đất bãi, giải quyết lao động địa phương; quan trọng hơn là người dân có điều kiện tiếp cận với cách sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ đó dần thay đổi tư duy, tập quán canh tác lạc hậu lâu nay, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và nhận thức rõ rệt cho người dân Trực Chính. Năm 2016, tổng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của xã đạt gần 46 tỷ đồng. Giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt 106,1 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30 triệu đồng/năm. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Trực Chính tiếp tục định hướng nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong các mô hình kinh tế trên địa bàn. Hỗ trợ người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh việc hình thành mạng lưới cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho các vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương