Thư viện tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ

06:03, 10/03/2017

Những năm qua, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, sử dụng những tiện ích của internet để lưu trữ, bảo vệ, tìm kiếm, truy xuất thông tin, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

Tại Phòng Đọc điện tử (Thư viện tỉnh), chúng tôi chứng kiến cán bộ thư viện nhiệt tình hướng dẫn các độc giả là học sinh cách truy cập internet tìm sách, tra cứu trên mục lục điện tử thư viện… Em Nhật Linh, Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) hào hứng chia sẻ: “Cùng với phòng đọc truyền thống, Thư viện tỉnh đã có thêm nhiều dịch vụ tiện ích mới thông qua các phần mềm, tạo điều kiện cho chúng em tiếp cận nguồn thông tin trong thư viện như các thông tin về thời hạn sử dụng thẻ thư viện, danh sách những tài liệu mà bạn đọc đang mượn, những tài liệu mượn đã quá hạn, những tài liệu mà bạn đọc đang quan tâm tìm kiếm và đang chờ được mượn…”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động Thư viện tỉnh được thực hiện từ năm 1993 để tự động hóa hoạt động biên mục, tạo lập, quản trị cơ sở dữ liệu (CSDL) thư mục và cung cấp dịch vụ tìm tin tự động trên phần mềm CDS/ISIS (hệ thống lưu trữ và tìm kiếm thông tin). Năm 2006, Thư viện tỉnh được Thư viện quốc gia hỗ trợ xây dựng mạng LAN, trang bị một số máy tính và phần mềm ứng dụng, đào tạo chuyển giao phần mềm Thư viện điện tử ILIB. Với phần mềm ILIB, hầu hết các công việc chuyên môn như: Bổ sung biên mục, in mã vạch, in phiếu mục lục, quản lý bạn đọc, quản lý lưu thông mượn trả… cơ bản được tin học hóa. Năm 2012, với việc triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động thông tin thư viện tại Thư viện tỉnh”, hệ thống mạng LAN được nâng cấp; máy chủ, hệ thống máy tính nối mạng internet tốc độ cao cùng các thiết bị số máy scanner, đầu đọc mã vạch đã được trang bị cho các phòng làm việc.

Cán bộ Phòng Tin học xử lý công việc trên website Thư viện tỉnh.
Cán bộ Phòng Tin học xử lý công việc trên website Thư viện tỉnh.

Thư viện tỉnh đã ứng dụng phần mềm thư viện điện tử ILIB 4.0 trong các công tác nghiệp vụ và hoạt động khai thác thông tin của bạn đọc. Đồng chí Ngô Thị Thơm, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Nhiều năm qua, ngoài tài liệu truyền thống, Thư viện tỉnh luôn quan tâm bổ sung các tài liệu điện tử, cơ sở dữ liệu toàn văn có chất lượng thông tin cao, phù hợp với tình hình phát triển, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng của bạn đọc. Đến nay, Thư viện tỉnh đã xây dựng được trên 50 nghìn biểu ghi CSDL sách, báo, trong đó có gần 1.000 biểu ghi CSDL nhân vật chí, sách địa chí. Bên cạnh việc trang bị kho tài liệu đa dạng về các loại hình như sách, báo, tạp chí, các công trình nghiên cứu khoa học…, việc triển khai thư viện điện tử đã giúp Thư viện tỉnh đa dạng hóa các loại hình tài liệu như sách điện tử, các bài báo, báo cáo chuyên đề, luận văn, luận án… điện tử. Từ khi dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động thông tin thư viện tại Thư viện tỉnh” được triển khai thực hiện, công tác xử lý tài liệu đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất biên mục mô tả trong hệ thống thư viện công cộng của tỉnh; tiết kiệm thời gian, công sức; tìm kiếm tài liệu tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Việc thay đổi dạng thức của môi trường thông tin (từ tài liệu in ấn sang tài liệu số) giúp thư viện tiết kiệm ngân sách trong bổ sung, tổ chức lưu trữ, bảo quản; việc truy xuất dữ liệu đơn giản, nhanh chóng; các dịch vụ thư viện đa dạng, phong phú hơn. Nhằm tận dụng những tính năng của công nghệ để kết nối và tăng cường giao lưu với người dùng tin thư viện, năm 2012, Thư viện tỉnh đã xây dựng website www.thuviennamdinh.vn để bạn đọc có thể truy cập và tìm kiếm thông tin thư viện thuận lợi ở mọi nơi, mọi lúc. Đến nay, website của thư viện được nhiều chuyên gia và bạn đọc đánh giá hài hòa về hình thức, tiện dụng với đầy đủ các tính năng cần thiết, cấu trúc website đơn giản, được tối ưu liên kết trong trang nên dễ dàng đối với người sử dụng và quản trị hệ thống. Bạn đọc có thể khai thác những thông tin như nội quy, thủ tục làm thẻ, lịch phục vụ, hướng dẫn tra cứu tài liệu, cập nhật nhanh chóng những hoạt động của thư viện... Điểm quan trọng trong website Thư viện tỉnh là mục lục tra cứu trực tuyến OPAC (Online Public Access Catalog). CSDL thư mục OPAC phản ánh vốn tài liệu có trong Thư viện tỉnh được xây dựng theo chuẩn biên mục mới (MARC 21), sử dụng khung phân loại DDC (Dewey Decimal Classification: Phân loại thập phân Dewey) và giao diện của OCLC (Online Computer Library Center: Trung tâm Thư viện Máy tính trực tuyến). Nhờ đó, bên cạnh hệ thống mục lục truyền thống (mục lục môn loại, mục lục tên sách, mục lục tác giả), bạn đọc có thể tìm kiếm thông tin về tài liệu đầy đủ, nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả hơn nhờ từ khoá, thời gian, địa điểm, chủ đề và không bị giới hạn không gian, thời gian. Ngay khi website đi vào hoạt động, Thư viện tỉnh đã đăng những bài viết, giới thiệu những cuốn sách cung cấp thông tin cho bạn đọc tìm hiểu về mảnh đất, con người Nam Định, cung cấp thông tin nhanh cho bạn đọc góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, lòng yêu quê hương, đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá địa phương. Với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của bạn đọc, từ năm 2015, Thư viện tỉnh ứng dụng cấp thẻ cho bạn đọc trên phần mềm thư viện. Theo thống kê, thư viện mở cửa phục vụ trung bình 300 lượt bạn đọc/ngày tại trụ sở thư viện và tra cứu trực tuyến qua website www.thuviennamdinh.vn. Trong quá trình phục vụ bạn đọc, thủ thư thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ bạn đọc sử dụng phần mềm tra tìm tài liệu và các dịch vụ tại thư viện.

Thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tin học hóa trong các hoạt động nghiệp vụ, tăng cường nguồn lực thông tin, xây dựng nguồn tài nguyên thông tin số tiến tới hoàn thiện phương thức phục vụ song hành giữa thư viện truyền thống và thư viện số đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thư viện. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài phát huy yếu tố nội lực, rất cần sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị của tỉnh để Thư viện tỉnh nhanh chóng hòa vào dòng chung của những thư viện hiện đại trong cả nước./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com