Trải qua 4 kỳ thi, Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh thường niên ngày càng khẳng định được mục tiêu khơi dậy và phát huy khả năng tư duy, tiềm năng sáng tạo của các em lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh; tạo sân chơi trí tuệ bổ ích tạo cho thanh, thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh, góp phần bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước.
Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng lần thứ IV được tổ chức dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh từ 6-19 tuổi. Nội dung cuộc thi yêu cầu các tác giả đưa ra những ý tưởng sáng tạo thuộc 5 lĩnh vực: đồ dùng học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; đồ dùng sinh hoạt gia đình, đồ chơi trẻ em; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Theo đánh giá của Ban tổ chức (BTC), Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng lần thứ IV đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách tổ chức cũng như chất lượng các giải pháp tham dự.
|
Giải pháp chế tạo máy lọc nước từ vật liệu tái chế của nhóm tác giả Trịnh Ngọc Bích, Phạm Khánh Linh, Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Nam Định) đạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IV. |
Công tác tổ chức, triển khai cuộc thi được đổi mới nhằm tạo thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia và bảo đảm sản phẩm dự thi được chuẩn bị tốt nhất. Theo đó, ngay sau khi phát động cuộc thi, BTC đã yêu cầu các đơn vị thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa thể lệ cũng như nội dung cuộc thi tới tất cả các trường học, cơ sở Đoàn, Đội toàn tỉnh; thành lập tổ thư ký đến từng địa bàn trọng yếu để trực tiếp trao đổi với cơ sở, động viên, hỗ trợ cơ sở xử lý khó khăn vướng mắc của các thí sinh trong quá trình tham dự cuộc thi. Đặc biệt tại cuộc thi năm nay, BTC cũng đã quyết định nâng cao giá trị giải thưởng và quyền lợi của tác giả đạt giải như ưu tiên cộng điểm đầu vào tại các kỳ thi chuyển cấp và đề nghị Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tặng thưởng cho một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai cuộc thi từ cấp tỉnh tới cơ sở, tạo động lực quan trọng thúc đẩy thanh, thiếu niên trên toàn tỉnh hăng say nghiên cứu khoa học, tìm tòi sáng tạo trong quá trình lao động, học tập của mình. Sau gần một năm triển khai, BTC Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng lần thứ IV, đã tiếp nhận được 43 giải pháp tham dự. Đồng thời lựa chọn được 19 giải pháp có ý tưởng độc đáo có giá trị khoa học kỹ thuật cao để trao giải. Trong đó có 4 giải nhất, 4 giải nhì, 5 giải ba, 7 giải khuyến khích. Mỗi giải pháp đạt giải đều có tính mới, tính sáng tạo, đã biết vận dụng tổng hợp những kiến thức đã học trong nhà trường với mục tiêu ứng dụng khoa học để giải quyết cải tiến những khó khăn, vướng mắc hạn chế phát sinh trong quá trình học tập, lao động hằng ngày. Nhiều giải pháp thân thiện với môi trường và tiện ích như: Mô hình lọc nước biển thông minh của tác giả Trần Công Sơn và Trần Văn Tú, Trường THCS Kim Thái (Vụ Bản); Cẩm nang sơ cứu thông minh của tác giả Nguyễn Việt Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định); Thiết bị ủ hạt mầm đa năng của tác giả Mai Gia Hưng, Trường THCS Hải Nam (Hải Hậu); máy thu hoạch cỏ thảm của tác giả Đinh Trung Kiên và Ngô Đăng Quang, Trường THCS Xuân Tiến (Xuân Trường)… Đặc biệt, BTC đã quyết định trao 4 giải nhất cho 4 giải pháp có đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng như: “Hệ thống điện thông minh trong lớp học” của tác giả Trần Quốc Huy, Trường THPT Hải Hậu C (Hải Hậu); “Máy lọc nước từ vật liệu tái chế” của nhóm tác giả Trịnh Ngọc Bích, Phạm Khánh Linh, Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Nam Định); “Máy cán cói an toàn tiện ích” của tác giả Nguyễn Hương Quỳnh, Trường THCS Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) và giải pháp “thiết kế chế tạo tủ bảo quản vắc-xin giá rẻ, thân thiện với môi trường phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa và hải đảo” của tác giả Vũ Nhật Quang và Trần Văn Toản, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định). Trong đó, giải pháp “Máy cán cói an toàn tiện ích” của tác giả Nguyễn Hương Quỳnh, Trường THCS Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đạt giải nhất lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em đã được BTC cuộc thi đánh giá cao về hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn. Xuất phát từ việc chứng kiến người dân trong xã và các vùng lân cận phải cán cói để đan hàng xuất khẩu bằng dụng cụ quay tay rất vất vả lại mất nhiều thời gian. Từ kiến thức đã được học về nguyên lý truyền của động cơ, Nguyễn Hương Quỳnh đã nghĩ đến việc chế tạo ra chiếc máy cán cói sử dụng động cơ để giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất, lao động và chất lượng nguyên liệu cói. Từ ý tưởng này, em đã gia công tìm hiểu quy trình hoạt động của động cơ qua chương trình đã học, qua sách báo, tạp chí và đặc biệt được sự hỗ trợ của các thầy, cô giáo trong nhà trường, chỉ sau một thời gian ngắn, chiếc máy cán cói đã ra đời. Cấu trúc chiếc máy gồm 2 quả lô để cán cói, thép hình làm thân máy, 1 bộ số đổi chiều chuyển động, 1 bộ chuyển đổi dòng điện, động cơ và nguồn cấp điện cũng như một vài loại dây điện, ổ cắm, bình ắc quy dự phòng khi mất điện… Chiếc máy hoạt động tốt với tốc độ cán 6kg cói/giờ mà không tốn công sức vận hành máy. Ưu điểm đặc biệt của chiếc máy này là được lắp bộ đổi chiều chuyển động giúp máy đảo chiều liên tục khiến cho cói được ép kỹ, bề mặt phẳng, bóng lại an toàn với người điều khiển do dòng điện được đổi từ 220V xuống còn 24V nên không có khả năng gây nguy hiểm (giật điện) cho người sử dụng. Hơn nữa máy lại dễ sử dụng và tiêu thụ ít điện năng, giá thành rẻ hơn so với các loại máy cùng loại trên thị trường nên hoàn toàn phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân. Ngay khi chiếc máy được chạy thử nghiệm tại một vài hộ dân trong xã đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao. Nhóm tác giả Trịnh Ngọc Bích, Phạm Khánh Linh, Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Nam Định) đưa ra ý tưởng sáng chế ra máy lọc nước từ vật liệu tái chế với giá thành chỉ… gần 200 nghìn đồng. Các máy lọc nước đang bán trên thị trường có giá từ 3-5 triệu đồng, để duy trì hệ thống lọc, người tiêu dùng thường xuyên phải mua lõi lọc mới thay thế với giá cao. Đây là hạn chế cơ bản khiến người tiêu dùng không có khả năng sử dụng trong khi chất lượng nước không đảm bảo. Nhóm tác giả đã tận dụng vỏ chiếc máy lọc nước cũ đã bị hỏng phần lõi lọc để làm khuôn và cải tiến các buồng lọc. Theo đó hệ thống lọc nước gồm 5 buồng lắp nối tiếp và liên tục. Mỗi buồng lọc được sử dụng một loại nguyên liệu nhất định có khả năng lọc các chất hữu cơ thô, khử mùi, các tạp chất, thu các chất lơ lửng không kết tủa trong nước và các thành phần kim loại nặng và diệt vi khuẩn… Điểm đột phá trong giải pháp này là các em đã sử dụng màng vỏ trứng làm nguyên liệu cho buồng lọc thứ 4, thay thế cho thiết bị RO vẫn bán trên thị trường. Ứng dụng vào giải pháp này, khả năng lọc vi khuẩn của màng vỏ trứng đã phát huy kết quả triệt để ngăn cản hầu hết các phân tử kích thước lớn và các vi sinh vật có trong nước khi đi qua buồng lọc này. Với giải pháp này, nước ngoài môi trường tự nhiên khi qua buồng lọc thứ tư đã đạt chất lượng sử dụng tốt và qua bình lọc thứ năm với tia cực tím thì hoàn toàn có thể uống trực tiếp mà không cần đun sôi.
Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IV đã khép lại với thành công nối tiếp thành công, mục tiêu “kích cầu sáng tạo” để tuổi trẻ vận dụng những tri thức, kỹ năng đã được học, tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm, những giải pháp hữu ích, có hàm lượng trí tuệ cao, góp phần phục vụ sản xuất, đời sống, học tập của BTC đưa ra ngày càng được phát huy hiệu quả. Để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc thi ở những năm tiếp theo, bên cạnh sự nỗ lực của BTC, các thí sinh dự thi và các thầy, cô giáo hướng dẫn, rất cần có sự hỗ trợ đầu tư của các cơ quan, doanh nghiệp để hoàn thiện ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, phát triển thương mại hóa sản phẩm, tạo động lực cho các em tiếp tục phấn đấu nghiên cứu, sáng tạo./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương