Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, huyện Giao Thủy đã tập trung thực hiện đồng bộ các chương trình ứng dụng, phát triển CNTT trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn.
Cơ sở hạ tầng CNTT được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đến nay, Cổng thông tin điện tử của huyện đã được xây dựng và đưa vào vận hành. Trên Cổng thông tin điện tử đã cung cấp tới người dân và doanh nghiệp toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và xã ở mức độ 2; tin tức về các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các hoạt động chỉ đạo điều hành của Huyện ủy, UBND huyện được cập nhật thường xuyên, lượng truy cập bình quân đạt 800 lượt/ngày. Hệ thống mạng LAN được triển khai ứng dụng theo dạng riêng biệt, mỗi cơ quan có một hệ thống mạng LAN. Tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc đến nay đã đạt 95%. Cùng với đó, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành tại các đơn vị, địa phương có những bước tiến mới, góp phần hình thành nền tảng chính quyền điện tử. Tại các cơ quan chuyên môn đã triển khai và sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành; các đơn vị còn ứng dụng các phần mềm quản lý chuyên ngành như: phần mềm quản lý tài sản công (Phòng Tài chính Kế hoạch), phần mềm quản lý người có công (Phòng LĐ-TB và XH), phần mềm quản lý cán bộ công chức (Phòng Nội vụ)… UBND huyện đã bố trí 2 cán bộ chuyên trách về CNTT, có trình độ kỹ sư CNTT công tác tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện và Văn phòng UBND huyện. Để nâng cao trình độ nhân lực CNTT, năm 2016 huyện đã tổ chức 3 lớp tập huấn giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện và xã sử dụng thành thục hệ thống quản lý văn bản và điều hành, vận hành Cổng thông tin điện tử của huyện. Tuy nhiên, dù hiện nay trên địa bàn huyện chưa có hiện tượng hệ thống máy tính, hệ thống mạng bị xâm nhập, dữ liệu bị sao chép, phá hủy nhưng hệ thống mạng được ứng dụng theo dạng riêng biệt tại mỗi cơ quan, thiết bị mạng đơn giản, tỷ lệ các máy tính được trang bị các phần mềm tường lửa, diệt vi-rút có bản quyền thấp nên việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin chưa tốt. Việc ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành chưa đi vào chiều sâu, cán bộ và lãnh đạo các cơ quan chuyên môn chưa tập trung sử dụng hệ thống, vẫn còn tình trạng sử dụng các văn bản giấy trong nội bộ các cơ quan. Các chức năng của hệ thống chưa được ứng dụng triệt để, chủ yếu mới thực hiện ở việc gửi, nhận văn bản một chiều từ UBND huyện đến các phòng chuyên môn. Công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn về CNTT cho cán bộ, công chức chưa được thực hiện thường xuyên.
|
Cán bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Giao Thủy ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả xử lý công việc chuyên môn. |
Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai chính quyền điện tử, xác định chỉ tiêu, lộ trình thực hiện xây dựng chính quyền điện tử huyện phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh và chính phủ điện tử của toàn quốc để phục vụ người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư, mới đây, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2017. Cụ thể, huyện sẽ tập trung thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, cấp thiết; khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển hạ tầng, các dịch vụ CNTT. Tăng cường phối hợp, thuê dịch vụ của VNPT Nam Định để triển khai ứng dụng CNTT theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước. Tiếp tục duy trì và vận hành khai thác có hiệu quả Cổng thông tin điện tử của huyện nhằm đưa tin tức kịp thời, chính xác tới cán bộ, công chức, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài huyện về các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, thông tin đầu tư, các chính sách pháp luật của Trung ương, của tỉnh và huyện. Đầu tư xây dựng hệ thống “Một cửa điện tử” tích hợp dịch vụ hành chính công trực tuyến tại Trung tâm giao dịch hành chính một cửa UBND huyện và UBND các xã, thị trấn nhằm nâng cấp mức độ phục vụ dịch vụ công trực tuyến. Rà soát, thống kê lại các thủ tục hành chính công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của huyện, chuẩn bị các bước tiến hành cung cấp dịch vụ hành chính công ở mức độ 3 và 4 tới các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp. Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đáp ứng được yêu cầu phục vụ triển khai hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử”, hệ thống truyền hình hội nghị như: Đầu tư mới, nâng cấp hệ thống thiết bị mạng, đường truyền internet, hệ thống máy tính và các thiết bị ngoại vi khác. Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến từ UBND huyện tới UBND các xã, thị trấn. Rà soát hệ thống mạng LAN tại UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn, chuẩn bị từng bước kết nối với hệ thống mạng diện rộng (WAN) của tỉnh, đảm bảo an toàn, bảo mật, tốc độ cao. Triển khai ứng dụng sâu hơn nữa các chức năng của phần mềm quản lý văn bản và điều hành, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong trao đổi công việc. Bên cạnh đó, huyện còn chủ động lựa chọn và triển khai thí điểm mô hình ứng dụng CNTT tại một số cơ quan chuyên môn, xã, thị trấn và trường học từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm và từng bước triển khai nhân rộng. Trong đó dự kiến, triển khai việc ứng dụng sổ liên lạc điện tử tạo môi trường kết nối nhanh, chính xác giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh cung cấp kịp thời về điểm số, tình hình học tập rèn luyện, sức khỏe hằng ngày của học sinh tại trường và hệ thống thông tin chuyên ngành khác.
Để đạt được những mục tiêu trên, việc triển khai ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin cần có sự đồng tình, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo kế hoạch và gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính. Huyện tập trung thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành đối với thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, minh bạch thông tin; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành trong các cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm cung cấp các kỹ năng cần thiết cho cán bộ, công chức từ cấp huyện đến xã; đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn, triển khai các ứng dụng dùng chung và dùng riêng. Đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ chuyên trách, cán bộ phụ trách về CNTT tại các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực CNTT, quản lý và vận hành hệ thống thông tin của huyện, tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch và kiến trúc chính quyền điện tử huyện. Ngoài ra, UBND huyện yêu cầu các ngành, các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo việc quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT hằng năm phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tập trung chỉ đạo, định hướng, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn huyện nhằm sớm hiện thực hóa chính quyền điện tử./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy