Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) mới vào sản xuất là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm công lao động và bảo vệ môi trường. Trong thực tế sản xuất nông nghiệp, huyện Vụ Bản đã hoàn thiện lộ trình nghiên cứu ứng dụng TBKT từ khâu chọn giống, xây dựng quy trình canh tác, thu hái, giảm tổn thất sau thu hoạch lúa. Giai đoạn 2016-2020, huyện tập trung đưa TBKT vào canh tác cây màu để tăng nhanh diện tích, hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân và đưa cây màu trở thành nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.
Cán bộ huyện Vụ Bản thăm cánh đồng lạc xuân hè áp dụng cơ giới hóa khâu gieo hạt. |
Vốn là vùng có truyền thống sản xuất cây màu nên Trạm Khuyến nông huyện đã mạnh dạn lựa chọn triển khai thí điểm đồng bộ mô hình cơ giới hóa khâu gieo hạt trên cây lạc và cây ngô trên diện tích 40ha tại các xã, thị trấn: Gôi, Liên Minh, Kim Thái, Đại Thắng, Tam Thanh, Vĩnh Hào. Đây là những đơn vị có diện tích cây ngô và lạc lớn nhất trong cả huyện. Điều kiện áp dụng máy gieo hạt ngô, lạc chỉ yêu cầu nền đất phẳng, không lầy lội và hạt giống đều, mới nhú mầm. Theo đó, máy sẽ tự chọc lỗ, tra hạt, lấp và giữ khoảng cách hạt với hạt theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Thời gian gieo hạt bằng máy chỉ từ khoảng 20 phút/sào tương đương 1 đến 1,5 công (giảm 90% công lao động) so với cách làm thủ công trước đây. Ngoài hiệu quả giảm ngày công lao động, trong các quy trình chăm bón, thu hoạch đều thuận tiện hơn, năng suất cao hơn do hạt giống gieo bằng máy cho mật độ và khoảng cách đồng đều, hạt mầm có tính hướng sáng tốt, hạn chế mức độ nhiễm sâu bệnh. Hơn nữa, do đặc điểm máy gieo gọn, nhẹ, dễ sử dụng, giá thành rẻ (từ 3,5-4 triệu đồng/máy) nên phù hợp với đầu tư quy mô hộ gia đình. Mô hình sử dụng máy gieo hạt trên cây lạc, cây ngô đã khẳng định đạt hiệu quả cả về góc độ khoa học lẫn yếu tố kinh tế - xã hội. Đây sẽ là tiền đề tốt để mở rộng diện tích cây lạc, ngô gieo hạt bằng máy ở những vụ tiếp theo và giải quyết cơ bản bài toán giải phóng sức lao động nặng nhọc cho người nông dân; khắc phục tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động nông thôn và đẩy nhanh tiến độ mùa vụ. Không chỉ cơ giới hóa trong khâu gieo hạt, Trạm Khuyến nông còn tổ chức hướng dẫn bà con nông dân áp dụng cơ giới hóa ở khâu thu hoạch và đập lạc liên hợp. Như vậy nếu mô hình được nhân rộng thì huyện Vụ Bản là đơn vị đầu tiên hoàn thiện cơ giới hóa trên cây lạc từ khâu làm đất, gieo hạt đến thu hoạch. Cùng với cơ giới hóa trên cây màu, Trạm Khuyến nông huyện còn nghiên cứu, hướng dẫn nhân dân áp dụng mô hình canh tác theo công nghệ Nhật Bản trên cây rau màu vụ hè thu giúp người dân làm quen với mô hình canh tác sạch, không sử dụng phân bón hóa học và cung ứng tới người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao. Tại Thị trấn Gôi, công nghệ canh tác của Nhật Bản được áp dụng trên các giống dưa: Dưa hấu, dưa lê, dưa kim hồng ngọc. Tham gia mô hình các hộ dân được tập huấn kỹ những yêu cầu bắt buộc về quy trình canh tác, kỹ thuật chăm bón, thu hái, bảo quản sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng và phải ghi chép cụ thể nhật trình sản xuất. Theo đó, trên diện tích 1,5ha sử dụng trồng các giống dưa được làm đất kỹ, sử dụng phân bón hữu cơ do bà con nhân dân tự ủ và phân vi sinh; được sử dụng nguồn nước tưới đã qua xử lý, được kiểm soát dư lượng kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh. Trong giai đoạn đầu, cây dưa được sử dụng hoàn toàn thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; giai đoạn sau, khi cây đã bói quả, người nông dân hoàn toàn sử dụng thuốc BVTV tự chế từ thảo mộc như: tỏi, ớt, gừng, rượu để phòng sâu bệnh cho cây trồng. Trong suốt quá trình canh tác, toàn bộ mặt luống được che phủ ni lông để hạn chế cỏ dại và giữ ẩm cho đất nên cây sinh trưởng, phát triển tốt. Năng suất trung bình đạt 700 kg/sào, tương đương 19 tạ/ha, cao hơn so với canh tác truyền thống. Với thời giá hiện tại, mỗi sào dưa thu lãi được 6,5 triệu đồng tương đương 181 triệu đồng/ha. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, chất lượng quả đạt tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch của nhân dân trong vùng và các thành phố lớn. Từ những mô hình hiệu quả này, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng mô hình thí điểm tổ chức nhiều cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và hội thảo đầu bờ để người dân các xã lân cận học hỏi, áp dụng cho diện tích canh tác của mình. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức trên 50 lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, sản xuất mới cho bà con nông dân; phát 6.000 tờ rơi và thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật phát trên hệ thống đài truyền thanh địa phương... Trong đó, có 25 lớp phổ biến ứng dụng TBKT trên cây lúa và nuôi thủy, hải sản; 9 lớp phổ biến áp dụng cơ giới hóa trong canh tác lạc, ngô; 9 lớp phổ biến canh tác dưa theo công nghệ Nhật Bản... Với cách làm bài bản này, các TBKT mới nhanh chóng được nhân rộng ở hầu hết các xã, thị trấn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác của huyện. Tuy nhiên việc ứng dụng, chuyển giao TBKT mới vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Vụ Bản cũng còn gặp nhiều khó khăn như nhận thức của người dân không đồng đều, chưa mạnh dạn ứng dụng TBKT vào diện tích canh tác của gia đình. Chưa có phương án tiêu thụ sản phẩm hàng hóa một cách bài bản khi các mô hình được nhân nhanh với sản lượng nông sản lớn. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật có thể đảm trách chuyển giao TBKT trên địa bàn huyện còn ít và kinh phí triển khai, nhân rộng mô hình còn hạn hẹp khiến cho việc duy trì mô hình điểm rất khó khăn.
Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng TBKT vào sản xuất, huyện Vụ Bản rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cây con giống, phân bón, thuốc BVTV, sự tạo điều kiện của chính quyền các xã, thị trấn cũng như sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân. Đồng thời huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản của bà con nông dân khi các mô hình ứng dụng TBKT trong sản xuất được nhân rộng ra đại trà./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương