Phát triển khoa học công nghệ thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội Thành phố Nam Định

03:07, 02/07/2016
Những năm gần đây, khoa học công nghệ (KHCN) đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng hàm lượng KHCN trong từng sản phẩm hàng hóa, góp phần làm thay đổi tư duy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Sản xuất sợi tại Cty CP Thúy Đạt, CCN An Xá.
Sản xuất sợi tại Cty CP Thúy Đạt, CCN An Xá.
Là một trong những đơn vị được đánh giá cao về kết quả hoạt động KHCN, Thành phố Nam Định đã làm tốt vai trò định hướng cho các ngành, các đơn vị trên địa bàn ứng dụng KHCN vào mọi hoạt động chuyên môn; tập trung tuyên truyền hoạt động KHCN để nâng cao nhận thức cho cán bộ, CNVC và chủ động tham mưu với UBND thành phố áp dụng các cơ chế hỗ trợ để khuyến khích hoạt động KHCN phát triển. Do đó hoạt động KHCN thành phố đã thu hút sự quan tâm đầu tư phát triển của đông đảo các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, thành phố đã tổ chức thẩm định và công nhận được 4 đề tài KHCN, 107 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và nhiều ứng dụng công nghệ mới hỗ trợ hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Toàn thành phố có 18 dự án đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học mở rộng sản xuất với tổng vốn đầu tư khoảng 130 tỷ đồng. Trong đó có nhiều đơn vị tiêu biểu như Cty TNHH Sợi Hợp Thành, Cty TNHH sản xuất và thương mại Thái Bình; Cty TNHH đầu tư và dịch vụ thương mại Phúc Thanh, Cty CP Việt Thái… Cty CP may Thúy Đạt (CCN An Xá) đã tập trung vốn đầu tư khu liên hiệp dệt may xuất khẩu trên diện tích 15 nghìn m 2 tại xã Nghĩa An (Nam Trực). Đây là khu sản xuất khép kín từ khâu sơ chế bông, sản xuất sợi và hoàn thiện sản phẩm khăn xuất khẩu. Dự kiến dự án khai thác vào cuối năm 2016 với công suất 1.800 tấn khăn/năm và 3.600 tấn sợi. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thành phố tập trung khuyến khích ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới nhằm phát triển trình độ sản xuất tiệm cận với nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các cây, con giống giá trị kinh tế cao vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trong điều kiện đất canh tác bị thu hẹp và đảm bảo môi trường sinh thái cho khu dân cư. Trong năm qua, thành phố tổ chức 20 lớp tập huấn phổ biến quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học cho các hộ nông dân. Hỗ trợ 5 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác lúa, trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản và trồng nấm linh chi đỏ. Trong đó xã Nam Phong là đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Xã Nam Vân tích cực ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nấm, sản xuất phân vi sinh từ rơm rạ và bảo vệ môi trường khu vực nuôi trồng thủy sản. Xã Mỹ Xá có thế mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thiết kế gia trại tổng hợp thích ứng với điều kiện kinh tế đô thị. Tại gia đình bác Phạm Minh Quảng, xóm Thượng, xã Mỹ Xá đã có cách tận dụng đất đai hiệu quả để phát triển gia trại trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích gần 3.000m 2, bác Quảng đã đào ao nuôi cá, điều hòa khí hậu và thiết kế hệ thống nước tưới cho cây trồng theo dọc đường đi trong vườn. Toàn bộ vườn cây được bao bọc bởi hàng cây lưu niên thân thẳng, tán cao, ít sâu bệnh (sấu) vừa để bảo vệ vừa ngăn cách không gian bên ngoài với vườn cây trái bên trong. Vành đai bên trong là ổi, nhãn, thanh long, đinh lăng, gừng, riềng và nhiều loại rau ăn lá khác. Trong đó, khu vực ao cá rộng hơn 1.000m 2 được bác kè bờ để trồng mướp, làm giàn cho mướp leo trùm trên mặt ao; tầng cao hơn bác trồng thanh long ruột đỏ. Khu vườn cây ăn trái, rau xanh, đinh lăng và gừng được bác tận dụng trồng dọc lối đi và dưới mỗi gốc cây. Với cách làm này, trên cùng 1 diện tích đất canh tác, 4 tầng cây, con vật cùng sinh trưởng nhưng đều phát triển rất tốt. Điều đặc biệt là tất các các loại cây trái, bác đều điều tiết cho thu hoạch trái vụ để có hiệu quả kinh tế cao. Do đó ngày nào gia đình bác cũng có sản phẩm rau trái xuất bán. Lúc cao điểm, một ngày, gia đình bác xuất bán 1 tạ mướp hương và hàng chục kg rau quả khác. Bên cạnh những nỗ lực ứng dụng công nghệ từ phía các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn, thành phố cũng năng động tranh thủ mọi nguồn lực, chủ động hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tiếp nhận những dự án ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, phát triển đô thị như: Ứng dụng công nghệ 3D trong quản lý nước ngầm do Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia hỗ trợ; ứng dụng công nghệ GIS xây dựng bản đồ đánh giá đất theo loại đường, bản đồ quản lý số nhà, sử dụng thông tin nhà đất để bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, cung cấp thông tin nhà đất và quy hoạch, quản lý hồ sơ sử dụng đất và thành lập cơ sở dữ liệu du lịch thành phố… Những mô hình ứng dụng KHCN điển hình ở Thành phố Nam Định đã khẳng định định hướng lấy KHCN làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN của thành phố vẫn còn những hạn chế. Đầu tư trang thiết bị KHCN còn ít, chưa có tính đột phá. Cơ chế hỗ trợ vật chất cho các nhiệm vụ KHCN còn thấp. Thành phố chưa có nhiều đề tài, dự án KHCN trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
 
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa KHCN trở thành hoạt động thường xuyên tại các đơn vị, tiến tới xây dựng các nội dung của chức năng đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng về khoa học theo Quyết định 109/QĐ-TTg năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020), thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thành dự án “Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính”; khuyến khích các ngành và các cơ sở, nhất là các doanh nghiệp, triển khai đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và thương mại dịch vụ, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, công tác và đời sống xã hội, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Đổi mới hoạt động của Hội đồng KHCN thành phố bảo đảm có chất lượng, xứng đáng là cơ quan tư vấn của UBND thành phố về KHCN. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật theo hình thức mở rộng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên đề để nâng cao năng lực hoạt động cho các cán bộ quản lý các cấp; tổ chức tốt một số chuyên đề về áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và đời sống./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


địa chỉ sim số đẹp tại khosim.com iphone 15 pro max

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com