Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và những tiến bộ của khoa học công nghệ nhằm phát triển nền nông nghiệp theo yêu cầu xanh, sạch và bền vững đang là mục tiêu hướng đến trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Trên địa bàn tỉnh, việc ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp đang được cụ thể hóa trong quản lý điều hành, tra cứu thông tin thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, điều tra thực trạng đất đai, lớp phủ thực vật…, đã góp phần giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên hiện tại mới chỉ có các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc các doanh nghiệp, các trang trại nông nghiệp ứng dụng CNTT trong sản xuất. Để thúc đẩy các hộ nông dân ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất, từ 2 năm nay được sự hỗ trợ của Viện Lúa quốc tế (IRRI), Trạm Khuyến nông huyện Vụ Bản đã hướng dẫn kỹ thuật cho 12 hộ dân của xã Hợp Hưng thực hiện dự án “Ứng dụng CNTT trong quản lý dinh dưỡng cho cây lúa” trên giao diện phần mềm Quản lý dinh dưỡng cho cây lúa.
|
Nông dân xã Hợp Hưng (Vụ Bản) chăm bón lúa. |
“Quản lý dinh dưỡng cho cây lúa” là phần mềm tiên tiến nhất trên thế giới được thiết kế cho cán bộ khuyến nông thu thập thông tin từ nông dân về giống, đặc điểm thổ nhưỡng, đất đai, hiện trạng đồng đất, cây lúa, sâu bệnh. Sau đó cán bộ khuyến nông khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các phương thức, kỹ thuật chăm bón lúa khoa học nhất ngay tại đồng ruộng. Việc ứng dụng phần mềm này giúp thay đổi từ phương thức cán bộ khuyến nông phải trực tiếp hướng dẫn quản lý dinh dưỡng cho cây lúa theo vùng chuyên biệt sang hướng dẫn bón phân theo nhu cầu của từng nông hộ thông qua các thiết bị như điện thoại, máy tính cá nhân. Ứng dụng phần mềm này, chỉ cần cán bộ khuyến nông và nông dân sử dụng điện thoại di động thông minh là có thể trao đổi qua lại các thông tin về kỹ thuật gieo cấy, chăm bón và các sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp giúp người dân áp dụng chính xác cho ô thửa canh tác lúa của mình. Áp dụng phần mềm vào thực tế canh tác lúa ở Hợp Hưng trên diện tích 1,2ha, 12 hộ dân được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn cụ thể cách điều tra đồng ruộng; cách sử dụng giao diện phần mềm cũng như cách gửi thông tin qua giao diện internet và tin nhắn SMS để trực tiếp liên hệ, thông báo kết quả điều tra và đặt câu hỏi liên quan đến kỹ thuật chăm bón thông qua hệ thống. Trên cơ sở dữ liệu được cung cấp, cán bộ khuyến nông điều chỉnh lượng giống, phân bón, thuốc BVTV cũng như quyết định thời điểm xuống giống, cấy lúa, chăm bón và thu hoạch sao cho hiệu quả nhất đối với từng hộ gia đình. Với cách làm này, sau 2 vụ lúa của năm 2015 và vụ xuân 2016, kết quả cho thấy hiệu quả canh tác lúa cao hơn hẳn cả về năng suất, chất lượng lúa; giảm được ngày công lao động và lượng phân bón, thuốc BVTV phải sử dụng so sánh với diện tích cấy đối chứng. Kết quả đạt được đã tạo bước đột phá, khẳng định CNTT hữu ích với từng người dân, với từng phần việc nhỏ nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Điều quan trọng hơn với cách làm này đã “kéo” người nông dân và CNTT gần gũi với nhau hơn, xóa bỏ tư duy cố hữu của hầu hết người nông dân là ứng dụng CNTT rất khó khăn, phức tạp, chỉ thích hợp với công tác quản lý, sản xuất lớn, không thể áp dụng với sản xuất nông hộ và từng khâu nhỏ nhất trong quá trình canh tác. Bác Trần Xuân Thịnh, trực tiếp tham gia dự án cho biết: Làm nông nghiệp từ khi mới lên mười tuổi, nay đã ngoài năm mươi, chưa bao giờ tôi nghĩ lại có thể ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả sản xuất như hiện nay. Chỉ một thao tác nhấp chuột là chúng tôi có thể trò chuyện trực tuyến với cán bộ kỹ thuật ngay tại ruộng, thậm chí chụp ảnh, quay camera diễn tiến sâu bệnh để cán bộ kỹ thuật xem, hướng dẫn cách chăm bón lúa trực tiếp như hiện nay. Mọi thông tin nông dân cung cấp sẽ được các chuyên gia phân tích, đánh giá ưu, khuyết điểm sau vụ sản xuất ở cả yếu tố kỹ thuật chăm bón, tư liệu sản xuất và thị trường để người dân lưu lại tự rút kinh nghiệm cho mùa vụ sản xuất sau. Hiệu quả đạt được trong dự án giúp chúng tôi hoàn toàn yên tâm duy trì ứng dụng CNTT trong sản xuất những mùa vụ sau và khuyến khích những người dân khác cùng tham gia.
Hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý dinh dưỡng trên cây lúa tại xã Hợp Hưng (Vụ Bản) đã được khẳng định ở cả yếu tố kinh tế và xã hội nhưng cũng còn tồn tại những khó khăn trong quá trình thực hiện như chưa có sự nhất quán quan điểm, nhận thức về ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp từ cơ quan chức năng đến chính quyền địa phương và người dân, dẫn đến việc ứng dụng CNTT còn hạn chế và manh mún, chỗ nào mạnh thì triển khai, chỗ nào yếu thì không áp dụng. Tư duy ngại tiếp xúc với CNTT trong mỗi người nông dân còn quá lớn khiến cán bộ khuyến nông mất nhiều thời gian thuyết phục, hướng dẫn thao tác. Người nông dân còn khó khăn trong việc đầu tư trang bị thiết bị truyền dữ liệu như máy tính, điện thoại thông minh và duy trì kết nối internet. Bên cạnh đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp, các đơn vị cung ứng phần mềm nên đầu tư chuyên sâu cho những ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị, tra cứu thông tin qua mạng internet… Nếu khắc phục được những hạn chế này, chắc chắn việc ứng dụng CNTT trong quản lý dinh dưỡng cho cây lúa sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao khi nhân rộng mô hình. Hơn nữa, với trên 113.433ha đất nông nghiệp cùng 72km bờ biển và hệ sinh thái ngập mặn rộng lớn, việc ứng dụng CNTT ở tỉnh ta sẽ mở ra cơ hội thiết lập các hệ thống thông tin tự động điều hành tính toán nhu cầu nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư một cách chính xác thông qua các thiết bị tự động để nâng cao hiệu quả nuôi trồng, giảm dư lượng các chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, CNTT sẽ thực hiện việc điều tra, cập nhật sự biến đổi của hiện trạng sử dụng đất, lớp phủ thực vật và các bài toán dự báo mưa lũ, hạn hán, xâm ngập mặn; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; dự báo thị trường nông sản…, làm cơ sở để nhà quản lý, các hộ dân đưa ra các quyết định điều chỉnh sản xuất phù hợp./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương