Để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, tỉnh ta đã từng bước đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại, chất lượng cao, đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các quy định của pháp luật, tuân thủ theo Quy hoạch phát triển của ngành. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị trong tỉnh kết nối internet và kết nối mạng nội bộ (LAN). Mạng diện rộng (WAN) của tỉnh do VNPT quản lý đã được triển khai đến các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Hệ thống máy tính đã được trang bị cho cán bộ công chức bước đầu đáp ứng yêu cầu của công việc với tổng số 2.287 máy tính/27 đơn vị; trong đó có 2.055 máy tính đã kết nối internet. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đã được đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng với 12 điểm cầu, kết nối từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tới UBND 10 huyện, thành phố. Trung tâm dữ liệu tỉnh hiện có 39 máy chủ của 3 trung tâm dữ liệu thuộc Sở TT và TT, Sở KH và CN, Sở TN và MT.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các trường học, bệnh viện, điểm bưu điện văn hóa xã cũng được đẩy mạnh đầu tư bằng các chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy hệ thống hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT đã được áp dụng tại các cơ quan của tỉnh, huyện, thành phố như: cổng thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản nhưng phần lớn các hệ thống ứng dụng được triển khai riêng lẻ, trên nhiều nền tảng công nghệ, chưa có khả năng chia sẻ dữ liệu, nên rất khó kết nối, tích hợp và tương thích giữa các hệ thống khác nhau, chưa khai thác hiệu quả việc dùng chung hạ tầng. Đặc biệt, do chưa hoàn thiện được cơ sở dữ liệu nên việc kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.
Ứng dụng CNTT trong xử lý công việc tại VNPT Nam Định. |
Với mục tiêu khẩn trương đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật giữa khối cơ quan Nhà nước, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, ngày 7-11-2014, UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông và CNTT với Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam. Theo thỏa thuận Tập đoàn VNPT hỗ trợ tỉnh Nam Định triển khai và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật CNTT gồm: hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử, cổng thông tin điện tử, truyền hình hội nghị, hệ thống thông tin ngành GD và ĐT, hệ thống thông tin ngành Y tế... Từ đầu năm 2015, tỉnh đã triển khai thử nghiệm các hạng mục như email công vụ, Quản lý văn bản và điều hành công việc, Cổng thông tin điện tử (vnPortal), hệ thống Một cửa liên thông (VNPT-iGate) tại các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Trực Ninh. Tất cả các phần mềm triển khai thử nghiệm được sử dụng tên miền 4 cấp và có đuôi là: namdinh.gov.vn; không trùng với tên miền của một số phần mềm hiện tại đang sử dụng. Hệ thống thư điện tử sử dụng tên miền @namdinh.gov.vn, được sử dụng dữ liệu người dùng do Sở TT và TT cấp và quản lý trước đây để khởi tạo tại VNPT. Tên miền Cổng thông tin điện tử của tỉnh (triển khai tại Văn phòng UBND tỉnh): http://www2.namdinh.gov.vn song song với tên miền http://www.namdinh.gov.vn do Sở TT và TT đang quản trị. Theo đánh giá từ các đơn vị sử dụng và người dân, doanh nghiệp, hiện nay, các phần mềm này đã giúp tăng cường năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, tạo môi trường minh bạch, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Với những kết quả tích cực, các hoạt động trên đang được triển khai mở rộng ra 20 sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh; dự kiến đến hết năm 2016 sẽ có 100% đơn vị thuộc tỉnh hoàn thành triển khai ứng dụng các hệ thống phần mềm trên. Nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ về khẩn trương liên thông 4 cấp toàn bộ các hệ thống văn bản điện tử trên cả nước (từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố, từ Trung ương đến địa phương và ngược lại, Sở TT và TT đã tập trung khảo sát lại các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phần mềm các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng, phân loại những hệ thống không liên thông, trùng lặp. Từ đó, Sở TT và TT đã lựa chọn phần mềm iOffice do tập đoàn Bưu chính Viễn thông cung cấp. Khi thực hiện phần mềm này, mọi thao tác liên quan đến văn bản đều được xử lý trên mạng, không còn qua phương pháp truyền thống như trước đây. Vì vậy các cơ quan Nhà nước không chỉ tiết kiệm được nhân lực, chi phí văn phòng phẩm mà thời gian xử lý công việc nhanh hơn, cán bộ, công chức, viên chức chủ động trong công việc. Thông qua phần mềm, công việc của từng phòng, đơn vị, từng cá nhân được theo dõi chặt chẽ cả về quy trình xử lý và kết quả, từ đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ. Ứng dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành ngoài việc giúp lãnh đạo chỉ đạo được kịp thời công việc, làm thay đổi phong cách làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức còn là thước đo về sự nhiệt tình, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, Nam Định đã tiên phong trong “top” một số tỉnh đầu tiên trên toàn quốc áp dụng hạ tầng kỹ thuật dùng chung, kết nối liên thông phần mềm Quản lý văn bản (VNPT-iOffice) trong nội tỉnh và liên thông vào trục của Văn phòng Chính phủ.
Thời gian tới, trước yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính để hoàn thành chương trình xây dựng Chính phủ điện tử, tỉnh ta xác định việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cần thiết. Trên nền tảng chính quyền điện tử dần hình thành, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phấn đấu hết năm 2016 hoàn thành các mục tiêu về ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước tỉnh, góp phần cung cấp một phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch giữa cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân; giúp cơ quan Nhà nước giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí đi lại, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy