Tích cực thực hiện lộ trình liên thông hệ thống phần mềm quản lý văn bản điện tử toàn quốc

07:05, 05/05/2016
Từ nhiều năm nay, các ngành, các đơn vị tại tỉnh ta đã từng bước đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả nhiều phần mềm tin học trong công tác quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là các phần mềm quản lý văn bản và điều hành chưa được kết nối liên thông 3 cấp nên hiệu quả sử dụng chưa cao; các phần mềm “một cửa điện tử” được triển khai riêng lẻ, không liên thông. Ngoài ra, các bộ, ngành khi xây dựng và triển khai các cơ sở dữ liệu nhưng không tính đến hệ thống đang có của các địa phương dẫn đến tình trạng cơ sở dữ liệu đó không liên thông được giữa bộ và địa phương. Hệ thống chưa đủ tập trung, thống nhất, thiếu gắn kết đồng bộ giữa các ngành. Các cơ quan Nhà nước dù cùng lĩnh vực nhưng sử dụng các phần mềm khác nhau, không có sự liên thông, liên kết. Kết quả xử lý phần mềm này chưa tương thích với đầu vào phần mềm kia. Giữa các đơn vị, việc luân chuyển văn bản vẫn phải chuyển phát theo cách truyền thống làm chậm trễ trong quá trình trao đổi công văn… Trong khi đó, một trong những yêu cầu Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử là phải liên thông được toàn bộ các hệ thống văn bản điện tử trên cả nước (từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố, từ Trung ương đến địa phương và ngược lại), đảm bảo thông suốt. Việc liên thông sẽ góp phần giảm tỷ lệ sử dụng giấy tờ, giảm thời gian xử lý công việc, cung cấp công cụ để kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước. Hệ thống liên thông sẽ cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa 2 cơ quan.
Ứng dụng CNTT giúp cán bộ Chi cục Thuế Thành phố Nam Định giải quyết hiệu quả hoạt động chuyên môn.
Ứng dụng CNTT giúp cán bộ Chi cục Thuế Thành phố Nam Định giải quyết hiệu quả hoạt động chuyên môn.
Khắc phục vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã tập trung xây dựng hệ thống liên thông phần mềm quản lý văn bản qua trục liên thông trên hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng với 30 bộ, ngành và liên thông với 63 tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch, trước ngày 1-6-2016 sẽ hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, Văn phòng Chính phủ và tỉnh ta đã tập trung khắc phục các tồn tại gây khó khăn trong kết nối, bao gồm tình trạng các phần mềm, công nghệ, quy trình khác nhau bảo đảm đạt lộ trình liên thông đã đề ra. Thực hiện nhiệm vụ liên thông cấp tỉnh, Sở TT và TT đã tập trung khảo sát, thống kê, nắm rõ thực trạng, mức độ không đồng bộ, chồng chéo giữa các phần mềm các ngành, các địa phương đang sử dụng. Hệ thống lại các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin mà các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng, phân loại những hệ thống không liên thông, trùng lặp. Từ đó, xác lập phương án tháo gỡ, tạo tính kết nối, liên thông, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối trong nội bộ ngành, liên ngành, liên vùng trên phạm vi toàn tỉnh, cả nước, theo khung phần mềm chuẩn giao tiếp. Từ tháng 6-2015, VNPT Nam Định đã tập trung triển khai thử nghiệm bộ phần mềm cải cách hành chính cho UBND tỉnh và các sở, ban, ngành. Phối hợp với UBND các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Trực Ninh triển khai thử nghiệm Chính phủ điện tử và đã triển khai thành công các phần mềm quản lý đáp ứng yêu cầu tăng năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, tạo môi trường minh bạch, tăng sức cạnh tranh và được người dân các địa phương sử dụng, đánh giá cao. Từ đó, triển khai mở rộng ra các sở, ban, ngành như: TT và TT, Nội vụ, Tư pháp, Công thương, UBND huyện Nghĩa Hưng, Văn phòng UBND tỉnh, UBND Thành phố Nam Định, Ban quản lý các KCN tỉnh. Hiện đang tiếp tục triển khai tại các đơn vị Văn phòng Tỉnh ủy, UBND các huyện: Mỹ Lộc, Xuân Trường, Ý Yên, Giao Thủy, Sở NN và PTNT, Sở GTVT, Văn phòng HĐND tỉnh. Đến hết tháng 3-2016, trên hệ thống của VNPT đã có gần 2.500 tài khoản đăng ký sử dụng hệ thống email; 4.000 tài khoản sử dụng phần mềm quản lý văn bản; gần 10 nghìn văn bản phát hành và gần 6.000 tin nhắn; phần mềm “một cửa liên thông” đã có trên 1.400 hồ sơ. Hiện tại, Nam Định đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên trên toàn quốc kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trong nội tỉnh và liên thông lên tuyến Trung ương (Văn phòng Chính phủ). Sở TT và TT, VNPT Nam Định làm việc trực tiếp với từng đơn vị sở, ngành, xác định cụ thể hiện trạng, các hệ thống phần mềm chuyên ngành đang sử dụng, hướng dẫn cải tạo, nâng cấp, bảo đảm khả năng liên kết liên ngành cấp tỉnh, cấp Trung ương theo tinh thần xây dựng Chính phủ điện tử. Nhờ đó, đến nay, trong lĩnh vực y tế đã xây dựng hệ thống quản lý bệnh viện VNPT-His giúp các cơ sở khám, chữa bệnh có thể kết xuất các báo cáo thanh toán quyết toán BHYT nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ hiệu quả cho ngành Y tế trong công tác quản lý và điều hành. Từ tháng 10-2015, Sở Y tế và VNPT Nam Định còn triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT VNPT-His đến các cơ sở y tế trong tỉnh; dự kiến đến 30-6-2016 sẽ hoàn tất trong toàn ngành Y tế tỉnh. Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố và các trường đã triển khai hiệu quả hệ thống mạng giáo dục Việt Nam. Hiện đã triển khai đến 1.200 trường học với số lượng gần 30 nghìn sổ liên lạc điện tử, phục vụ hiệu quả cho công tác ứng dụng CNTT vào lĩnh vực giáo dục tại địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực kê khai BHXH qua mạng, hiện đã có trên 850 đơn vị, cơ quan trong tỉnh sử dụng cổng I-VAN để kê khai BHXH. Trong lĩnh vực quản lý thuế đã có trên 2.000 đơn vị, cơ quan trong tỉnh sử dụng dịch vụ chữ ký số VNPT-CA do VNPT cung cấp để kê khai thuế qua mạng…
 
Thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp để triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng thành thục, hiệu quả hệ thống các phần mềm ứng dụng CNTT cấp xã, thị trấn theo hướng bảo đảm lộ trình liên thông từ Trung ương đến cấp xã do Chính phủ đã đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các ngành, các địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT để có thể tiếp cận tốt đề án Chính phủ điện tử. Tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT qua việc tổ chức các lớp đào tạo tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định của Bộ TT và TT cho cán bộ phụ trách CNTT của các cơ quan, đơn vị. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, như: cài đặt và sử dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm quản lý văn bản, email, các phần mềm mã nguồn mở, sử dụng chữ ký số; đào tạo, phổ cập kiến thức về CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn tới./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com