Là xã thuần nông với hơn 470ha đất nông nghiệp, để tăng giá trị, hiệu quả kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, Đảng ủy, UBND xã Trực Thái (Trực Ninh) đã triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp.
|
Chăm sóc hoa lan trong trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái. |
Nhằm tạo điều kiện cho người dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất, UBND xã đã tranh thủ huy động nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp sản xuất giống cây, con, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc BVTV, các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành nông nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội, Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHKT, buổi chuyển giao tiến bộ KHKT chăn nuôi, trồng trọt và nuôi thuỷ sản, khuyến khích nhân dân tham gia thực hành thí nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả. Trung bình mỗi năm, các ban, ngành, đoàn thể, HTXDVNN phối hợp với các trường dạy nghề; Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm BVTV huyện mở hàng chục lớp học tập trung và các lớp phổ biến KHKT tại các xóm, thu hút trên 1.000 lượt người tham gia tìm hiểu kỹ thuật, mô hình sản xuất mới. Từ vốn kiến thức này, người dân đã mạnh dạn thay đổi lối canh tác truyền thống, lạc hậu, lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên, tích cực áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất. Với trình độ thâm canh cao, ngoài việc cấy khảo nghiệm, lựa chọn giống lúa có tiềm năng năng suất, giá trị kinh tế cao để phục vụ sản xuất; sử dụng đồng bộ phân bón vi lượng và các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho cây trồng bảo đảm chất lượng sản phẩm và an toàn môi trường. Từ nhiều năm trước đây, người dân xã Trực Thái đã tổ chức sản xuất thành công giống lúa lai F1phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân trong và ngoài tỉnh. UBND xã đã quy hoạch vùng sản xuất giống lúa lai với diện tích 27ha. Năm 2015, mặc dù trong điều kiện bất hòa của thời tiết khí hậu, nhưng được sự hỗ trợ của Cty TNHH Cường Tân, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 TH3-3 theo chuỗi khép kín đã thành công với năng suất, chất lượng vượt trội. 8 hộ dân tham gia mô hình sản xuất giống lúa lai F1 TH 3-3 đã được Cty tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ đưa cơ giới hoá vào các khâu sản xuất, làm chủ công nghệ, chủ động lách thời tiết, áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp nên mang lại kết quả cao với năng suất đạt 2,4 tấn/ha. Toàn bộ sản phẩm được Cty thu mua ngay tại chân ruộng với giá cao hơn 4 lần so với thóc thương phẩm cùng thời điểm nên các hộ dân thu lãi cao hơn gấp 2-3 lần sản xuất lúa thường. Ông Nguyễn Văn Huấn, xóm 15 cho biết: Trước đây, khi chưa tham gia vào mô hình sản xuất lúa lai, chúng tôi thường trồng các loại lúa thuần như Khang dân, Q5... năng suất và hiệu quả không cao, giá sản phẩm lại thấp nên thu nhập cũng không cao. Tham gia sản xuất lúa lai đòi hỏi phải có trình độ thâm canh cao, tốn nhiều chi phí, công sức chăm bón cũng như quản lý giám sát dịch hại nhưng được sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, Cty cung ứng 100% giống, phân bón và thu mua sản phẩm ngay tại chân ruộng nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm không lo khâu tiêu thụ sản phẩm, toàn tâm, toàn ý tập trung vào đảm bảo yếu tố kỹ thuật để hạt lúa lai đạt chất lượng cao nhất. Cùng với ứng dụng KHKT vào canh tác lúa, UBND xã khuyến khích người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, mở rộng sản xuất trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Hiện tại trên địa bàn xã có hàng chục gia trại và 2 trang trại tổng hợp đáp ứng các tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Trang trại VAC của gia đình anh Nguyễn Văn Thục, xóm 5 là một trong những mô hình tiêu biểu của xã trong việc ứng dụng, chuyển giao KHKT và hiệu quả kinh tế. Trên diện tích gần 4.000m2, anh Thục quy hoạch thành khu vực ao nuôi thả cá, vườn trồng cây ăn trái, hoa cảnh và khu chăn nuôi. Trang trại của anh lúc nào cũng có trên 300 đầu lợn, được chăm sóc theo hướng sản xuất hữu cơ, áp dụng đầy đủ quy trình tiêm phòng dịch và tự chế biến thức ăn với 3 thành phần chủ yếu là bột cá nhạt, cám ngô và khô đậu tương… Do đó đàn lợn của gia đình phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt đảm bảo ATVSTP. Trung bình mỗi năm, anh xuất bán khoảng 50 tấn lợn hơi. Trong vườn, anh lựa chọn trồng những giống cây đặc sản như mít Thái Lan, ổi tím Đài Loan, bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam đường và hoa lan các loại. Xây dựng thành công trang trại tổng hợp với giá trị kinh tế cao, anh chị còn là những tư vấn viên tích cực hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân trong vùng. Nhiều hộ gia đình có kinh tế khá giả nhờ việc học hỏi mô hình kinh nghiệm sản xuất của gia đình anh. Với tư duy tiếp cận khoa học nhanh, lựa chọn những mô hình hiệu quả nhân rộng ra sản xuất đại trà để nâng cao hiệu quả lao động, khai thác tối đa nguồn lợi tự nhiên, sản xuất nông nghiệp của xã Trực Thái đã đạt giá trị bình quân 97 triệu đồng/ha đất canh tác. Thu nhập bình quân của xã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Năm 2015, Trực Thái là một trong những địa phương tiêu biểu của tỉnh hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, xã Trực Thái tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vai trò KHKT trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để người dân quan tâm tìm hiểu và ứng dụng vào thực tế sản xuất. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và khuyến khích người dân tham khảo, tổ chức nhân ra diện rộng những mô hình hiệu quả./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương