Xác định được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính, nhiều văn bản, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khối cơ quan Nhà nước đã được ban hành. Trong đó có Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14-10-2015 về xây dựng Chính phủ điện tử, yêu cầu cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải ứng dụng CNTT để đổi mới làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước.
Theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, đến cuối năm 2016, tất cả các dịch vụ công phải được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4. Trong đó, để xây dựng Chính phủ điện tử toàn quốc phải hướng đến 3 mục tiêu chủ yếu là: Liên thông văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; Xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo việc phát triển ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, 100% các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã kết nối internet và kết nối mạng nội bộ; mạng diện rộng của tỉnh đã kéo cáp đến các sở, ngành. Tỷ lệ trang bị máy tính cho cán bộ công chức bước đầu đã đáp ứng yêu cầu công việc. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức biết sử dụng máy tính và khai thác mạng internet tăng lên hằng năm. Từ năm 2000, hệ thống thư điện tử của tỉnh đã được xây dựng, triển khai. Năm 2005, Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã được đầu tư xây dựng, cung cấp thông tin chỉ đạo và điều hành của tỉnh; 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã có trang thông tin điện tử và đã triển khai cài đặt phần mềm chuyên ngành trong công việc…
|
Cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin UBND huyện Trực Ninh điều hành máy chủ Cổng thông tin điện tử huyện. |
Tuy nhiên, theo mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử thì kết quả ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh còn nhiều bất cập, cần khẩn trương đẩy mạnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã được đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khi hòa mạng vào hệ thống dùng chung, nhất là ở cấp xã. Trình độ tin học của cán bộ, công chức cũng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu về ứng dụng CNTT, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức chưa sử dụng hiệu quả phần mềm trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng… Để khắc phục những hạn chế này, từ đầu năm 2015, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các ngành, các địa phương quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT bằng các biện pháp: thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trình độ tin học, ngoại ngữ và đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức; tiếp tục có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút cán bộ, công chức có chuyên môn cao về CNTT chuyên trách công tác CNTT; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT để triển khai thực hiện, trong đó tập trung cho tin học hoá cải cách hành chính và thực hiện các thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa” và “Một cửa liên thông”. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị đồng bộ, xây dựng và lựa chọn các phần mềm tác nghiệp sát với điều kiện thực tế, đẩy mạnh cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ khai thác, sử dụng. Từ ngày 1-7-2015 UBND tỉnh triển khai thử nghiệm phần mềm ứng dụng CNTT của VNPT trong quản lý văn bản và “Một cửa điện tử” đợt 1 tại 10 đơn vị sở, ban, ngành và UBND các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Mỹ Lộc, Xuân Trường. Ngày 13-10-2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại 3 huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu nhằm đạt mục tiêu đến hết năm 2015 hoàn thành triển khai hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh như: phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm “Một cửa điện tử” đến cấp xã. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TT và TT đã cử cán bộ chuyên trách phối hợp với VNPT Nam Định làm việc trực tiếp với các huyện để triển khai chương trình ứng dụng CNTT. Việc quản lý, điều hành bằng các phần mềm thông minh đã giúp lãnh đạo các huyện điều hành công việc trực tuyến, giám sát và chỉ đạo đồng thời nhiều việc, nhiều đơn vị mà không lệ thuộc vào thời gian, địa điểm. Tiến độ xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá cả về chất lượng và thời gian hoàn thành ngay trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, việc xử lý văn bản đi, đến cũng dễ dàng, giảm đáng kể chi phí trong việc in và chuyển văn bản như trước đây. Hệ thống trang/cổng thông tin điện tử đã cung cấp đầy đủ thông tin về các thủ tục hành chính và thẩm quyền giải quyết từng thủ tục; các tổ chức, cá nhân có thể tải biểu mẫu, tờ khai trên mạng xuống để thực hiện mà không phải đến tận nơi để lấy. Việc giải quyết các thủ tục hành chính cũng được công khai trên phần mềm “Một cửa điện tử” để người đăng ký thực hiện thủ tục hành chính có thể giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính ở từng bộ phận theo quy trình đã công bố. Đến nay, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh việc sử dụng bốn ứng dụng dùng chung gồm: Xây dựng Cổng thông tin điện tử tỉnh Nam Định và các trang thông tin thành phần; Hệ thống phần mềm quản lý văn bản kết nối liên thông cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh; Hệ thống “Một cửa điện tử” được triển khai tại 100% bộ phận Một cửa của các cơ quan hành chính Nhà nước; Xây dựng hệ thống thư điện tử của tỉnh, cung cấp địa chỉ thư điện tử cho toàn thể cán bộ, công chức để thuận tiện trong trao đổi công việc, góp phần bảo mật thông tin và tiết kiệm chi phí hành chính.
Năm 2016, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, đó là: Tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa trên tất cả các lĩnh vực; coi đây là một trong những khâu đột phá quan trọng của tỉnh. Triển khai thực hiện Chính phủ điện tử gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính. Sở TT và TT tiếp tục triển khai hệ thống phần mềm dùng chung đến 100% các cơ quan Nhà nước ở cả 3 cấp (tỉnh - huyện/thành phố - xã/phường/thị trấn) và kết nối liên thông trong toàn tỉnh. Hệ thống trang thông tin điện tử cũng như hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử” sẽ được đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện trong thời gian tới để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức và sự đồng thuận của nhân dân trong toàn tỉnh để xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, năng động, minh bạch, đạt hiệu quả cao nhất./.
Bài và ảnh:
Thanh Thuý