Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật lần thứ V Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Sở KH và CN, LĐLĐ tỉnh và Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức nhằm động viên, thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Qua 2 năm (2013-2015) phát động, Hội thi đã nhận được 80 giải pháp của gần 100 tác giả và nhóm tác giả tham dự ở cả 6 lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y dược; Giáo dục và các lĩnh vực khác. Kết quả đã có 26 giải pháp xuất sắc ở tất cả các lĩnh vực được trao giải, gồm: 3 giải nhất, 5 giải nhì, 7 giải ba, 11 giải khuyến khích. Các giải pháp đạt giải đều đảm bảo các tiêu chí về tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng cao trong thực tế.
|
Học sinh Trường THPT Hải Hậu A thực hành môn Hóa học. |
Đồng chí Phạm Văn Khôi, Phó Giám đốc Sở KH và CN cho biết: “Để hội thi đạt kết quả cao, Ban tổ chức đã phát động sâu rộng đến tất cả các tổ chức công đoàn và Đoàn Thanh niên các cấp để đông đảo CNVCLĐ và đoàn viên, thanh niên biết, tích cực tham gia. LĐLĐ các huyện, thành phố đã phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở động viên các đoàn viên có sáng kiến tham dự, đồng thời hỗ trợ trong việc viết thuyết minh sáng kiến và hoàn tất thủ tục hồ sơ sáng kiến tham dự hội thi. Ban tổ chức Hội thi đã thành lập 6 hội đồng giám khảo với 6 tổ chấm thi chuyên ngành gồm các chuyên gia trong từng lĩnh vực dự thi để đánh giá các giải pháp một cách công tâm và khách quan”. Cùng với việc đánh giá giải pháp dự thi dựa trên các bản thuyết minh, hội đồng giám khảo còn khảo sát thực tế áp dụng giải pháp. Theo đánh giá của Ban tổ chức Hội thi, các giải pháp tham gia Hội thi lần này đã được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư và chuẩn bị khá công phu. Nhiều giải pháp đã thể hiện ý tưởng sáng tạo, độc đáo như các giải pháp: “Lò đốt rác LOSHIHO”; “Ứng dụng phương pháp laser nội mạch kết hợp thuốc bổ thận âm A trong điều trị người bệnh mất ngủ tại Bệnh viện Y học cổ truyền”; “Hệ thống giám sát suất ăn thông minh”; “Vận dụng phương pháp dạy học theo dự án nhằm định hướng phát triển năng lực cho học sinh”; “Cải tiến quy trình cấp nước trong nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững bằng hệ thống lọc âm”… Qua 5 kỳ hội thi đã xác định được một số đơn vị mạnh, có số lượng bài dự thi đạt kết quả cao như: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; Trường THPT Hải Hậu A, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Giải pháp: “Ứng dụng phương pháp laser nội mạch kết hợp thuốc bổ thận âm A trong điều trị người bệnh mất ngủ tại Bệnh viện Y học cổ truyền” của tác giả Trương Thị Thu Hồng, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh (Sở Y tế) được Ban giám khảo Hội thi đánh giá cao về tính mới, tính sáng tạo và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Giải pháp sử dụng kỹ thuật chiếu tia laser vào dòng máu theo lộ trình 10 ngày, mỗi ngày 30 phút. Theo đó tia laser được đưa vào tĩnh mạch qua một hệ thống tích hợp bao gồm kim chọc, ống dẫn đường và quang sợi tạo nên hiệu ứng kích thích sinh học tới toàn cơ thể, đặc biệt là tới các cấu tạo lưới tại vùng thân não để điều hòa giấc ngủ. Cùng với tác động của tia laser, người bệnh được uống bổ sung thuốc bổ thận âm A với liệu trình 20 viên mỗi ngày. Với giải pháp này sau liệu trình điều trị 10 ngày, bệnh nhân đã có cải thiện đáng kể về tình trạng thiếu ngủ cũng như các bệnh lý do thiếu ngủ gây ra như người mệt mỏi, thiếu tập trung, hay hoảng loạn, lo sợ, cáu bẳn. Trong tổng số 60 bệnh nhân được thử nghiệm áp dụng điều trị bằng phương pháp này thì có tới 50 bệnh nhân cải thiện tình trạng mất ngủ, 7 bệnh nhân thấy người mệt mỏi và 3 bệnh nhân còn tình trạng hay quên. Như vậy với sự kết hợp chặt chẽ giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong việc điều trị cho người bị bệnh mất ngủ, tác giả Trương Thị Thu Hồng đã đưa ra một giải pháp điều trị bệnh mất ngủ vừa an toàn, hiệu quả cao mà lại tránh được việc lệ thuộc vào thuốc tân dược gây nên tác dụng phụ như lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc, cơ thể mệt mỏi và gia tăng bệnh trầm cảm. Tác giả Phan Đức Thiện và các cộng sự tại Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đã nghiên cứu đưa ra giải pháp “Hệ thống giám sát suất ăn công nhân” áp dụng trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Ý tưởng của giải pháp được bắt đầu từ việc nhóm nghiên cứu muốn khắc phục một số hạn chế của loại thiết bị hiện tại ở các doanh nghiệp như phải nhập thiết bị nước ngoài với giá cao, tốc độ nhận tín hiệu chậm (khoảng 3-5s/lần quẹt thẻ) khiến cho các doanh nghiệp lớn có trên 1.000 công nhân phải chờ đợi rất lâu. Hơn nữa thiết bị không có tính đồng bộ giữa các cửa nhận tín hiệu nên công nhân có thể quẹt thẻ ở cổng A rồi lại có thể tiếp tục sang quẹt thẻ ở cổng B khiến cho việc tính suất ăn không chuẩn xác. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra giải pháp kết hợp giữa mạch điện tử và khả năng lập trình phần mềm tạo thành hệ truyền nhận dữ liệu thay thế cho việc nhận, xử lý dữ liệu trên cùng một con chíp như các thiết bị trước. Theo đó, hệ thống vận hành hoàn toàn tự động với tốc độ dưới 100ms/lần quẹt thẻ; mỗi thẻ chỉ quẹt được một lần tương ứng với 3 trạng thái tín hiệu đèn báo và tương ứng với 3 tần số âm thanh thông báo qua loa. Với hiệu ứng này, hệ thống quản lý từ việc đăng ký suất ăn đến giám sát suất ăn với độ chính xác đạt trên 99%, giúp nhà quản lý giảm chi phí đầu tư thiết bị, tiết kiệm thời gian chờ đợi cho công nhân và có thể giám sát, điều hành công việc ở mọi lúc, mọi nơi. Giải pháp này đã được ứng dụng thực tiễn tại Cty TNHH YAMANI-DYNASTY (Nam Trực) với trên 3.000 suất ăn mỗi ca. Trong lĩnh vực GD và ĐT và các lĩnh vực khác, giải pháp “Vận dụng phương pháp dạy học theo dự án nhằm định hướng phát triển năng lực cho học sinh” của cô giáo Chu Thị Lành, Trường THPT Hải Hậu A (Hải Hậu) đã được hội đồng giảm khảo đánh giá cao và được Sở GD và ĐT chọn làm phương pháp giảng dạy mẫu trong toàn tỉnh. Giải pháp được hình thành trên quan điểm đổi mới giáo dục toàn diện theo hướng dạy tích hợp liên môn và đẩy mạnh dạy theo dự án trong các môn học. Trên quan điểm đó cô giáo Lành đã chia chương trình học ra thành từng chuyên đề. Mỗi chuyên đề được vận dụng cùng một lúc kiến thức của các môn học khác nhau để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan. Đồng thời hướng dẫn học sinh tham gia vào mọi quy trình của bài học giống như quá trình thực hiện 1 dự án, từ việc xác định đề tài, mục tiêu của đề tài; đề xuất ý tưởng giải quyết vấn đề; lập kế hoạch thực hiện; triển khai dự án; tổng hợp kết quả, báo cáo sản phẩm và đánh giá tổng kết. Cụ thể với chuyên đề về “Phân bón hóa học”, tác giả đã tích hợp kiến thức của các môn Công nghệ, Sinh học, Địa lý, Toán học, Giáo dục công dân và Tin học để giải quyết vấn đề. Sau đó hướng dẫn học sinh nghiên cứu, thực hiện theo trình tự của một dự án nghiên cứu khoa học. Giải pháp này đã khắc phục được lối truyền thụ khô khan, cứng nhắc trong giảng dạy bộ môn Hóa học, đồng thời mở rộng không gian học tập và phương pháp mới trong việc tiếp thu kiến thức, góp phần củng cố, nâng cao toàn diện kiến thức, kỹ năng của học sinh khi giải quyết vấn đề liên quan.
26 giải pháp đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V là 26 công trình sáng tạo hợp lý hóa quá trình học tập, lao động và sản xuất, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động đã được chứng minh hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt qua ứng dụng thực tiễn. Kết quả hội thi góp phần duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo trong tỉnh, tạo môi trường thuận lợi trong việc chuyển giao công nghệ, tìm kiếm và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương