Là địa bàn giáp ranh thành phố, đất đai màu mỡ, có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp, tuy nhiên xã Thành Lợi (Vụ Bản) cũng đang phải đối mặt với khó khăn là tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, lao động nghề nông ngày càng ít… Trước những thách thức này, Đảng uỷ, UBND xã Thành Lợi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới cách thức sản xuất, vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như: áp dụng các biện pháp thâm canh lúa cải tiến; xây dựng mô hình sản xuất rau màu an toàn công nghệ cao và nhân rộng các mô hình sản xuất luân canh, xen canh, gối vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác, từng bước cải thiện đời sống của người dân, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn.
|
Kiểm tra sự sinh trưởng của rau trong khu nhà lưới của gia đình anh Phạm Văn Quý, xóm B, xã Thành Lợi. |
Xã đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng từng khu vực để phát huy tối đa hiệu quả đất đai. Đồng thời đầu tư xây mới, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, cứng hóa kênh mương và cải tạo đường giao thông nội đồng đảm bảo đủ điều kiện đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất với giá trị hàng chục tỷ đồng. Riêng trong năm 2014, xã đã đầu tư xây dựng 3 tuyến giao thông nội đồng dài hơn 3km với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Đồng thời khuyến khích các HTXDVNN đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản giống cây trồng; mua sắm máy móc để cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, xã đã quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh như vùng sản xuất giống lúa; vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh rau màu an toàn phân bổ đều ở cả 3 HTXDVNN. Các HTX xác định được sản phẩm thế mạnh và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đây là tiền đề quan trọng để khích lệ người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các HTX tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Trong canh tác lúa, ngoài việc lựa chọn các giống lúa có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, các kỹ thuật quản lý dịch hại, cấy lúa theo phương pháp sạ hàng được thực hiện thành thục thay thế lối canh tác truyền thống lạc hậu trước đây. Do đó năng suất lúa của toàn xã luôn đạt bình quân trên dưới 120 tạ/ha. Đặc biệt người dân Thành Lợi đã quan tâm thực hiện các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây rau màu vụ đông. Trong đó, quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP sau khi trồng thí điểm đã nhanh chóng nhân rộng ở cả 3 HTX. Tại HTXDVNN Mỹ Trung, Ban quản trị HTX đã vận động xã viên thay đổi tập quán canh tác rau màu vụ đông theo quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP, quy hoạch vùng sản xuất có diện tích 2ha và vận động 31 hộ xã viên có kinh nghiệm trồng rau màu sản xuất thử nghiệm. Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn kiến thức về phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM và kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Sau gần 3 tháng cây trồng phát triển nhanh, hạn chế sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao. Sản phẩm sau thu hoạch được lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1, kết quả hàm lượng vi sinh vật trên rau <10 CFU/g (thấp hơn mức tiêu chuẩn quốc gia quy định); dư lượng kim loại nặng các loại đều không tồn tại, đạt tiêu chuẩn an toàn theo VietGAP. Đây là vùng rau an toàn đầu tiên trên địa bàn xã nhằm cung cấp nguồn rau sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Từ 2ha mô hình trồng rau VietGAP của người dân xóm Đồng Nguyên, đến vụ đông năm nay, nhiều hộ dân trong xã đã tự khoanh vùng tổ chức sản xuất rau an toàn theo đúng quy trình để cung ứng sản phẩm cho các bếp ăn tập thể trong nội thành và các khu vực lân cận. Khác với mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng trồng rau màu ngắn ngày của HTXDVNN Cốc Thành luôn sôi động luân canh tăng vụ. Nông dân áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật như làm cây giống trong khay nhựa đến khi có bộ lá thật mới cấy ra ruộng để cây khỏe vừa dễ chăm bón, tiết kiệm đất và thời gian đứng chân trên ruộng; cấy xen canh những cây có dạng hình cao với các loại cây thân thảo… Đặc biệt từ năm 2014, sau khi được tiếp cận với mô hình trồng rau trong nhà lưới, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư xây nhà lưới, lắp đặt thiết bị tưới nước công nghệ cao phục vụ sản xuất. Gia đình anh Phạm Văn Quý, xóm B xã Thành Lợi là một trong những hộ đầu tiên đầu tư công nghệ sản xuất rau trong nhà lưới với hệ thống tưới nước hiện đại. Đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng, anh Quý xây dựng 500m2 nhà lưới và hệ thống đầu vòi phun đa năng theo cách tưới phun mưa dành cho cây trồng mới cấy, tưới nước nhỏ giọt dành cho cây trồng trưởng thành đã đến thời điểm cho thu hoạch và điều chỉnh độ cao, thấp của ống nước để có thể chủ động điều tiết nước theo nhu cầu của cây trồng. Với hệ thống tưới này anh Quý có thể tiết kiệm nước đến 50% so với cách tưới nước thông thường; giảm đáng kể công lao động bởi hệ thống hoàn toàn tự động. Bên cạnh đó khi được nuôi cấy trong nhà lưới, cây trồng khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh hơn nên lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng tiêu tốn rất ít. Đặc biệt khi đầu tư công nghệ này, gia đình anh có thể chọn những loại cây trồng khó tính nhất để gieo cấy và gieo cấy trái vụ, bệnh vụ một số loại rau màu chất lượng cao nên hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Mặc dù đầu tư lớn nhưng chất lượng rau tốt, bán được giá nên ngay sau vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình anh Quý đã cơ bản thu hồi chi phí ban đầu. Đến thời điểm hiện tại, trong vườn nhà anh đã xuất bán ra thị trường một số loại rau vụ đông như xà lách, rau mùi, thì là với giá cao (các loại này vốn phải vận chuyển rau từ xứ lạnh Sa Pa, Đà Lạt). Những cách làm hiệu quả này đã góp phần làm tăng thu nhập của người dân trong xã lên bình quân 25 triệu đồng/năm và giá trị trên một ha đất canh tác đạt từ 100-120 triệu đồng/ha.
Với việc mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thay đổi tư duy và thói quen trong sản xuất nông nghiệp, nông dân xã Thành Lợi đã và đang chứng minh có thể làm giàu ngay trên đồng đất quê hương, họ là những người nông dân mới của NTM. Xã và các HTXDVNN trên địa bàn đang nỗ lực tìm kiếm lựa chọn những công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện đồng đất địa phương và tìm đối tác ổn định đầu ra cho nông sản./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương