Đức đang thực hiện một dự án máy bay phản lực chở khách với tốc độ gấp 25 lần âm thanh, có thể đi từ châu Âu đến Australia trong vòng 90 phút với tên gọi SpaceLiner.
Chịu trách nhiệm về dự án trên- các nhà khoa học ở Viện Hệ thống Vũ trụ DLR, Đức cho biết SpaceLiner sử dụng công nghệ tên lửa vũ trụ nên có thể di chuyển rất nhanh. Tuy nhiên, khác với tên lửa, máy bay phản lực siêu thanh này thân thiện với môi trường và có khả năng tái sử dụng.
Mô hình đồ họa máy bay siêu thanh SpaceLiner trong tương lai. |
SpaceLiner bao gồm 2 tầng: Tầng thứ nhất chứa 9 động cơ tên lửa và thùng nhiên liệu nhằm giúp máy bay tăng tốc. Tầng 2 là nơi hành khách ngồi, có thể chứa 50 hành khách, 2 thành viên phi hành đoàn cùng 2 động cơ tên lửa và thùng nhiên liệu.
Để giúp máy bay cất cánh, tất cả 11 tên lửa sẽ được đốt cháy, đẩy máy bay lên cao theo chiều thẳng đứng giống như tên lửa vũ trụ thông thường. Khoảng 4 phút sau, tầng thứ nhất cùng 9 động cơ tên lửa sẽ tách khỏi bộ phận chở khách, sau đó sẽ được một chiếc máy bay thiết kế đặc biệt đón giữa không trung và đưa đến bãi phóng, nơi nó có thể tự hạ cánh.
Trong khi đó, bộ phận chở khách sử dụng hai động cơ tên lửa còn lại để tăng tốc với tốc độ lên tới 7,3 km/giây, gấp gần 22 lần tốc độ âm thanh, và hạ cánh ở điểm đến.
Các nhà khoa học ước tính chi phí nghiên cứu cho SpaceLiner vào khoảng 33 tỷ USD. Nó nhắm tới khách hàng hạng nhất (First class) và hạng thương gia (Business Class). Các nhà khoa học cho rằng, với nhu cầu đi lại siêu nhanh luôn cao, các nhà sản xuất máy bay thương mại cũng đã nhìn thấy tương lai của máy bay này.
Nhóm nghiên cứu tin tưởng rằng dự án sẽ hoàn tất và chiếc máy bay có thể cất cánh vào năm 2045.
Theo chinhphu.vn