Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước giành được tự do, độc lập. Giặc ngoại xâm đã thắng, nhưng “giặc đói”, “giặc dốt” vẫn đang hoành hành cùng với kẻ thù lăm le xâm lược. Sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ khai thác thuộc địa, nền kinh tế nước ta kiệt quệ, hạ tầng kỹ thuật hầu như không đáng kể… Giành độc lập chưa lâu, đất nước lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ suốt 3 thập kỷ. Để có đủ nguồn lực vật chất đáp ứng nhu cầu đời sống và phục vụ kháng chiến đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ lớn của hoạt động khoa học công nghệ (KH-CN) đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ kiến thiết và bảo vệ quê hương, đất nước.
Qua nhiều phong trào thi đua tiêu biểu: “Tăng gia sản xuất”, “Cánh đồng 5 tấn” của ngành NN và PTNT; “Nhanh, nhiều, tốt, rẻ” của ngành Công thương… đã góp phần giữ vững sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ đóng góp sức người, sức của cùng cả nước đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”, không chỉ làm việc không ngơi nghỉ mà còn phải vắt óc dồn hết tâm huyết trí tuệ nghiên cứu, đổi mới cải tiến kỹ thuật, khắc phục những khó khăn hạn chế về thiết bị, công nghệ lạc hậu, tăng năng suất lao động… Hình ảnh hàng nghìn công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cho phù hợp với sản xuất thời chiến và làm chủ công nghệ mới đã góp phần xây dựng nên Thành phố Dệt anh hùng. Nhiều sáng kiến tiêu biểu mang tính đột phá giúp Nhà máy không chỉ khôi phục, giữ vững sản xuất trong điều kiện bom đạn chiến tranh ác liệt mà còn có nhiều sản phẩm chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt. Tiêu biểu như sáng kiến cải tiến máy guồng chạy điện trong thời chiến thành máy guồng thủ công khắc phục điều kiện thiếu điện để giữ vững dây chuyền sản xuất ở các xưởng sợi, đảm bảo nguyên liệu cho các phân xưởng dệt, nhuộm; sáng kiến dùng vải lọc nước hố bom dùng cho nồi hơi thay thế cho việc cấp nước khi đường ống dẫn nước bị địch đánh hỏng… Tại xưởng dệt, các công nhân kỹ thuật đã phát huy sáng kiến thao tác hãm máy nhanh và đảm bảo an toàn sau mỗi lần báo động; sáng kiến cắt tấm vải nhuộm nối 2 góc vào 2 sợi dây để giữ nguyên độ kéo căng của vải, tránh cho vải ngâm trong hóa chất lâu sẽ bị mục và hỏng màu mỗi khi có báo động tránh bom. Đặc biệt trong 10 năm, từ 1954-1964, Nhà máy đã có những bước tiến dài trong công cuộc phát triển sản xuất và xây dựng cuộc sống mới, đã tự mình nghiên cứu, phát huy hàng nghìn sáng kiến cải tiến máy móc thiết bị tự sản xuất được máy dệt vải và tơ lụa, tự sản xuất và trang bị toàn bộ hệ thống máy móc để sản xuất thoi, tay dập và hằng năm đã sản xuất được 35 vạn suốt gỗ, 1 triệu suốt giấy, 8 vạn chiếc thoi, đủ đáp ứng toàn bộ nhu cầu của Nhà máy. Đã tự sản xuất được hầu hết các phụ tùng thay thế cho hàng trăm loại máy móc khác nhau đạt tiêu chuẩn, chất lượng; cải tiến trên 1.000 máy dệt cũ thành máy mới theo kiểu máy Trung Quốc, cải tiến 23 máy dệt thường thành máy dệt tự động thay thoi, cải tiến và lắp đặt hệ thống hút đầu mối cho các xưởng sợi. Hoàn thành hệ thống ôn ẩm, làm mưa nhân tạo cho Nhà máy Sợi C và nhiều công trình cải tiến khác nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Hiệu quả của phong trào đã tăng mức đứng máy lên gấp trên 4 lần, mức đứng cọc sợi lên gấp 3,5 lần so với những năm sản xuất thịnh vượng nhất trong thời Pháp thuộc. Ngành Dệt tỉnh ta vinh dự có nhiều nữ công nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Nông dân xã Hải Tân (Hải Hậu) đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. |
Phát huy truyền thống chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất thời kỳ kháng chiến, kiến quốc; thấm nhuần lời Bác dạy: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, đảm bảo cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”, phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được triển khai rộng khắp các ngành, các lĩnh vực. Nội dung thi đua lao động sáng tạo được các đơn vị cụ thể hóa theo nhiệm vụ chuyên môn. Trong khối cán bộ, công chức, viên chức, phong trào thi đua được gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”. Ngành GD và ĐT có phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Khối doanh nghiệp có phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên liệu, chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh... Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng trên 4.000 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất của công nhân, viên chức được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, các kỹ sư trẻ của Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN (Sở KH và CN) đã rất thành công với việc nghiên cứu xây dựng và ứng dụng phần mềm chuyên ngành vào giải quyết những khó khăn trong công việc chuyên môn của các sở, ban, ngành, địa phương trên toàn tỉnh. Nhiều phần mềm chuyên ngành có hàm lượng khoa học cao, tính ứng dụng rộng rãi đã được viết trên nền tảng nhận diện những khó khăn của công việc chuyên môn và tìm cách khắc phục. Tiêu biểu như các phần mềm: “Quản lý hồ sơ công việc - ISO online”; “Quản lý nguồn nhân lực KH-CN”, “Quản lý đề tài KH-CN”; “Hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng”, “Quản lý nguồn vốn đầu tư”, “Hệ thống đánh giá hiện trạng công nghệ”, “Quản lý phương tiện đo”… Trong đó phần mềm “Quản lý hồ sơ công việc - ISO online” không chỉ phát huy hiệu quả tích cực trong việc cải cách hành chính, ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc chuyên môn của Sở KH và CN mà còn được áp dụng rộng rãi ở 20 sở, ngành khác trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Nhiều sản phẩm ứng dụng CNTT của các kỹ sư Nam Định đã thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt hàng.
Thi đua lao động, phát minh, sáng chế tháo gỡ khó khăn trong thực tế sinh hoạt và sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo hiệu quả kinh tế cao là mục tiêu phấn đấu của mỗi người lao động. Hàm lượng khoa học kỹ thuật trong các sản phẩm ở các ngành, lĩnh vực của tỉnh ta ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trải qua 7 thập kỷ độc lập - tự do, dựng xây quê hương, đất nước, nhờ tinh thần sáng tạo không ngừng, quê hương Nam Định đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục xây dựng những nền tảng vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương