Nghĩa Trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

10:09, 24/09/2015
Để tăng giá trị, hiệu quả kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) đã triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp. 
Sản xuất chiếu cói theo phương pháp công nghiệp tại xã Nghĩa Trung.
Sản xuất chiếu cói theo phương pháp công nghiệp tại xã Nghĩa Trung.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất và dồn điền đổi thửa, UBND xã đã tranh thủ huy động nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp sản xuất giống cây, con, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc BVTV, các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành nông nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội, Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHKT, khuyến khích nhân dân tham gia thực hành thí nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả. Hằng năm, Trung tâm học tập cộng đồng của xã và các đoàn thể tổ chức hàng chục buổi chuyển giao tiến bộ KHKT chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản cho người dân. 6 tháng đầu năm 2015, Trung tâm học tập cộng đồng xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, HTX mở 20 lớp học tập trung và 8 lớp tại các xóm, thu hút trên 1.000 lượt người tham gia tìm hiểu kỹ thuật, mô hình mới trong sản xuất. Từ vốn kiến thức này, người dân đã mạnh dạn thay đổi lối canh tác truyền thống, lạc hậu, lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên, tích cực áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất. Trong trồng trọt, từ nhiều năm trước đây, người dân xã Nghĩa Trung đã tổ chức cấy khảo nghiệm, lựa chọn giống lúa có tiềm năng năng suất, giá trị kinh tế cao để phục vụ sản xuất. Đồng thời sử dụng đồng bộ phân bón vi lượng và các chế phẩm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho cây trồng bảo đảm chất lượng sản phẩm và an toàn môi trường. Hiện tại trên diện tích 359ha canh tác của xã chỉ cấy 2 giống lúa chất lượng cao là BT7 và BT7 kháng bạc lá nhưng năng suất luôn đạt trên 70 tạ/ha, cao hơn 15-20% so với trước đây. Từ năm 2014, được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện, xã Nghĩa Trung đã áp dụng thành công mô hình sản xuất lúa chét trên diện tích 10ha. Với mô hình này, sau khi thu hoạch lúa chính vụ, cây lúa được bổ sung thêm chất dinh dưỡng và chỉ 35 ngày sau lại tiếp tục cho thu hoạch khoảng 70kg/sào. Lúa chét cho chất lượng gạo dẻo, mềm, thơm ngon và có giá bán cao hơn 1,5 đến 2 lần lúa chính vụ nên người dân nhanh chóng hưởng ứng sản xuất đại trà. Vụ mùa 2015, diện tích canh tác lúa chét của xã đã nhân rộng ra khoảng 20ha. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp xã đã ứng dụng thành công công nghệ sản xuất phân vi sinh từ rác thải hữu cơ. Năm 2014, xã nhận chuyển giao công nghệ từ Viện Công nghệ Môi trường (Bộ KH và CN) và xây dựng mô hình thí điểm tại thôn Liêu Hải. Theo đó, rác thải sinh hoạt được người dân tự phân loại ngay đầu nguồn và được thu gom về khu xử lý rác thải của thôn. Sau khoảng 2 tháng ủ cùng chế phẩm sinh học, rác thải sẽ biến thành phân vi sinh với các chỉ tiêu thành phần cho phép sử dụng tốt trong sản xuất nông nghiệp. Tháng 7-2014, 1,5 tấn phân vi sinh đầu tiên được phát miễn phí cho bà con nông dân thôn Liêu Hải bón ruộng và trồng cây vụ đông. Ngay vụ đầu tiên sử dụng phân vi sinh tự chế từ rác thải đã giúp các hộ dân giảm được 50% lượng phân hoá học bón ruộng mà cây rau màu lại không bị sâu bệnh, phát triển nhanh, cứng cáp, thời gian cho thu hoạch kéo dài hơn so với việc sử dụng hoàn toàn phân bón hoá học như trước đây. Sản phẩm rau màu vụ đông đạt các chỉ tiêu ATVSTP. Lợi ích kép từ mô hình xử lý rác thải thành phân bón vi sinh là ngoài hiệu quả kinh tế hàng vụ, người dân còn mạnh dạn mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa và đã hình thành thói quen phân loại rác thải trong mỗi hộ dân, góp phần đáng kể vào việc giảm lượng rác thải và ô nhiễm môi trường. Đến nay xã Nghĩa Trung đang nhân rộng mô hình xử lý rác thải ra toàn xã, khuyến khích các hộ dân tự tái chế rác thải bằng phương pháp sinh học phục vụ cho việc sản xuất các loại cây trồng với mục tiêu phấn đấu tái chế 70% lượng rác thải thành phân vi sinh phục vụ sản xuất. Trong chăn nuôi, dù tổng đàn không lớn nhưng giá trị chăn nuôi của xã luôn đạt mức cao do người dân biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, biết lựa chọn thời điểm nuôi và không tham nuôi dày, đảm bảo khoảng cách thời gian giữa hai lần thả giống để tránh dịch bệnh xảy ra và đón bắt khi thị trường có sức mua lớn. Với tư duy tiếp cận khoa học nhanh, lựa chọn những mô hình hiệu quả nhân rộng ra sản xuất đại trà để nâng cao hiệu quả lao động, khai thác tối đa nguồn lợi tự nhiên, sản xuất nông nghiệp của xã Nghĩa Trung đã đạt giá trị bình quân 95 triệu đồng/ha đất canh tác. Thu nhập bình quân của xã đạt 27 triệu đồng/người/năm, tiệm cận với tiêu chí xây dựng NTM.
 
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, xã Nghĩa Trung tiếp tục duy trì đẩy mạnh tuyên truyền vai trò KHKT trong sản xuất nông nghiệp hiện đại để người dân chủ động tìm hiểu và ứng dụng. Tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và khuyến khích, tổ chức nhân ra diện rộng những mô hình thực sự hiệu quả. Đồng thời mở rộng ứng dụng kỹ thuật mới vào các ngành nghề truyền thống của địa phương như trồng cây cảnh, dệt chiếu cói, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com