Do quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ, lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh có giá trị gia tăng thấp; trình độ quản lý, điều hành còn hạn chế; thiết bị công nghệ lạc hậu… nên sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh hầu hết khó khăn khi tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại trong nước và xuất khẩu… Do đó hỗ trợ về khoa học công nghệ (KHCN) để doanh nghiệp khắc phục những khó khăn hạn chế, nâng cao sức cạnh tranh là nhiệm vụ xuyên suốt mà các ngành chức năng, nòng cốt là ngành KH và CN vào cuộc quyết liệt. Với vai trò là sở chuyên ngành, thời gian qua, Sở KH và CN đã tranh thủ mọi nguồn lực tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới, hoàn thiện công nghệ, xây dựng thương hiệu và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy liên tục tăng trưởng sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Đồng chí Lê Đức Ngân, Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Thực trạng kỹ thuật công nghệ và năng lực tài chính của doanh nghiệp tỉnh ta đòi hỏi nguồn lực đầu tư phải rất lớn trong khi nguồn hỗ trợ thì có hạn. Do vậy, để thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất, Sở KH và CN đã tổ chức điều tra hiện trạng công nghệ, nhu cầu đổi mới công nghệ cũng như xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp với từng doanh nghiệp. Ưu tiên lựa chọn đầu tư công nghệ cho những ngành sản xuất có thế mạnh của địa phương như cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm, thủy sản… Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn từ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ cho hàng hóa chủ lực địa phương… để phân bổ hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, trong 5 năm qua, đã có hàng trăm doanh nghiệp ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN được Sở KH và CN hỗ trợ đổi mới công nghệ tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao như: sản phẩm răng gầu, má nghiền, bi nghiền bằng thép đúc, gang đúc của Cty TNHH Thắng Lợi (TP Nam Định) được sản xuất theo công nghệ mẫu tự tiêu có chất lượng cao, giá thành rẻ, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật thay thế hoàn toàn hàng nhập ngoại…; sản phẩm gạch không nung do Cty CP Vật liệu không nung 567 sản xuất sử dụng công nghệ ép thủy lực song động đáp ứng yêu cầu thị trường và chính sách phát triển vật liệu mới thân thiện môi trường của Chính phủ; ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra một số giống mới có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện của tỉnh như giống đậu tương ĐT 8, ĐT 2101; giống khoai tây sạch bệnh, giống lúa mới mang thương hiệu Nam Định M1-NĐ, CS6-NĐ, Thiên Trường 217... Nhiều đơn vị đã được hỗ trợ khép kín từ khâu đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như Cty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường) với dự án hỗ trợ hoàn thiện công nghệ sản xuất lò đốt rác sinh học LOSIHO phù hợp mô hình xử lý rác tại nông thôn trên địa bàn tỉnh; Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc với dự án hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra những sản phẩm mới như máy chế biến lâm sản phay mộng đa năng PĐB-5; Cty CP VINA-HTC (TP Nam Định) được Sở KH và CN hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất thực phẩm sạch, đưa chế phẩm men vi sinh Probiotic vào thức ăn chăn nuôi do Viện Chăn nuôi quốc gia (Bộ NN và PTNT), Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) chuyển giao. Sở cũng hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ chứng nhận đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là đơn vị đầu tiên của tỉnh sản xuất thức ăn chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên quy mô lớn, góp phần quan trọng vào việc đưa ngành chăn nuôi của tỉnh và khu vực lân cận thực hiện thành công chiến lược quản lý sản xuất theo chuỗi ATVSTP từ trang trại đến bàn ăn.
|
Sản xuất máy chế biến lâm sản phay mộng đa năng PĐB-5 tại Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường). |
Với những nỗ lực đó, sau 5 năm triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trên phạm vi toàn tỉnh đã có hơn 1.000 lượt doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn về tiêu chuẩn, chất lượng; nâng cao năng suất chất lượng và sở hữu trí tuệ. Trong đó có 772 doanh nghiệp đã được hướng dẫn xây dựng và áp dụng 1.502 tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho 2.946 sản phẩm các loại thuộc các nhóm thủy sản, nông nghiệp, hóa chất, vật liệu xây dựng, cơ khí, điện máy, thiết bị điện... Có 240 loại sản phẩm hàng hóa được đánh giá chứng nhận có chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam và 40 loại sản phẩm hàng hóa được đánh giá chứng nhận có chất lượng đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; 200 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, GMP, HACCP…, các công cụ quản lý tiên tiến (TQM, 5S, Kazen…). Xây dựng mô hình điểm về nâng cao năng suất, chất lượng tại một số doanh nhiệp nhằm quảng bá, thúc đẩy phong trào áp dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh phát triển. Tiêu biểu như các mô hình điểm ở Cty TNHH Nam Dược, Cty CP May Nam Hà, Cty TNHH Thắng Lợi... Sở KH và CN hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 6 làng nghề truyền thống và các hiệp hội như: làng nghề nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy); làng nghề đồ gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên); làng nghề rượu nếp Yên Phú (Ý Yên); Hiệp hội Cơ khí đúc Ý Yên, Hiệp hội cá bống bớp Nghĩa Hưng, Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu… Tư vấn, hỗ trợ đăng ký cho gần 500 doanh nghiệp bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và bản quyền chương trình phần mềm tin học; đề xuất hỗ trợ 50 lượt doanh nghiệp tham gia trưng bày giới thiệu, chào bán sản phẩm của địa phương tại chợ Công nghệ và Thiết bị do Bộ KH và CN tổ chức và tham dự các giải thưởng quốc gia, quốc tế như giải thưởng Thương hiệu Việt, giải thưởng sáng tạo KH và CN… Kết quả thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bằng KHCN còn kích thích các đơn vị khác quan tâm đến việc đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ và áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất. Do đó trong giai đoạn 2011-2015, lượng đơn đăng ký bảo hộ độc quyền sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh đã tăng trung bình 15% so với năm 2011. Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia các hội chợ đăng ký tham gia triển lãm công nghệ hằng năm tăng 50% so với nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế nên mức hỗ trợ chưa cao nên chưa giúp doanh nghiệp tạo được bước phát triển đột phá. Chuyển biến trong tư duy của doanh nghiệp về đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại chưa mạnh mẽ. Thị trường KHCN chưa phát triển sôi động do thiếu sức kích thích qua đơn đặt hàng của doanh nghiệp… Những năm tới, cùng với tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Sở KH và CN phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ KH và CN hướng dẫn doanh nghiệp tham gia vào Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; đưa công nghệ cao ứng dụng vào thực tế thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện của Bộ tại nước ngoài; hình thành Sàn giao dịch công nghệ và xây dựng được đội ngũ cán bộ KH và CN có trình độ cao, tâm huyết và đặc biệt chú trọng đến việc phát triển đội ngũ cán bộ KH và CN trong các doanh nghiệp. Để đạt được các mục tiêu về KHCN đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh thị trường hàng hóa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong định hướng đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu cũng như kiên trì áp dụng quy trình hệ thống kiểm soát năng suất chất lượng tiên tiến bảo đảm doanh nghiệp phát triển bền vững./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương