Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ

09:09, 08/09/2015
Xác định khoa học công nghệ (KHCN) là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN. Trong 5 năm (2010-2015), kinh phí tỉnh đầu tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển KHCN đạt trên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên nguồn kinh phí này phải dàn trải cho nhiều nhiệm vụ, bao gồm hỗ trợ triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án ứng dụng công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thông tin KHCN, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, hợp tác quốc tế, đào tạo, thanh tra, tăng cường năng lực nghiên cứu của các tổ chức KHCN... nên nguồn vốn đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu phát triển KHCN địa phương. Trong điều kiện khó khăn về vốn, phần lớn người dân và doanh nghiệp còn giữ tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, do đó nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao nhưng chỉ dừng lại ở mức xây dựng mô hình mà không thể tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình. Từ thực trạng đó, yêu cầu đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào KHCN đang là chủ trương đúng đắn và bức thiết nhằm thúc đẩy phát triển KHCN và giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
 
Trung tâm Giống cây trồng (Sở NN và PTNT) đầu tư nhà lưới, thiết bị kiểm soát nhiệt độ, môi trường phục vụ cấy khảo nghiệm, chọn lọc giống lúa chất lượng cao.
Trung tâm Giống cây trồng (Sở NN và PTNT) đầu tư nhà lưới, thiết bị kiểm soát nhiệt độ, môi trường phục vụ cấy khảo nghiệm, chọn lọc giống lúa chất lượng cao.
Để thúc đẩy xã hội hóa hoạt động KHCN, Sở KH và CN tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về vai trò của KHCN trong mọi mặt đời sống cũng như trong thực tiễn sản xuất. Tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống các tổ chức KHCN của tỉnh và xây dựng cơ chế hỗ trợ các đơn vị, tổ chức đăng ký hoạt động KHCN. Đồng thời nghiên cứu, cân đối nhu cầu áp dụng KHCN giữa doanh nghiệp, người dân và các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao KHCN trên địa bàn tỉnh để tìm ra những giải pháp hữu hiệu như: Thành lập Quỹ phát triển KHCN với số vốn ban đầu hàng tỷ đồng để tài trợ hoặc cho các tổ chức và cá nhân vay thực hiện nhiệm vụ KHCN theo đề xuất; huy động nguồn lực của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tranh thủ nguồn vốn viện trợ phi Chính phủ, nguồn vốn của các tổ chức quốc tế đầu tư cho phát triển KHCN trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, môi trường và biến đổi khí hậu… Trên cơ sở đó, các tổ chức KHCN sẽ được ưu tiên lựa chọn triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án ứng dụng chuyển giao công nghệ tùy theo năng lực, lĩnh vực hoạt động; tham gia các chương trình hội thảo, tham quan mô hình ứng dụng công nghệ mới tiêu biểu trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Được hưởng hỗ trợ từ 50-100% kinh phí thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học; hỗ trợ không quá 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm; cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp có dự án chuyển giao, tiếp nhận công nghệ mới; không tính thuế đối với nguồn thu từ các hợp đồng nghiên cứu và áp dụng mức thuế ưu đãi đối với hoạt động ứng dụng công nghệ cao. Đối với những đơn vị thiếu kinh phí cho việc thực hiện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới còn được vay ưu đãi từ Quỹ phát triển KHCN... Với những ưu đãi đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 30 tổ chức KHCN đăng ký hoạt động ở mọi lĩnh vực sản xuất. Ngoài các trung tâm trực thuộc các sở, ngành chức năng như: KH và CN, NN và PTNT, Công thương, TN và MT, Xây dựng, Điện lực còn có nhiều trung tâm KHCN của các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp như Cty TNHH Cường Tân, Cty TNHH HTC Vina, Cty CP Giống cây trồng Nam Định, Cty TNHH Cửu Dung, Cty CP Cá giống Nam Trực, Trung tâm Thực hành (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định), Phòng thí nghiệm (Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định)… tham gia nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng KHCN. Tại các đơn vị này, hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ và chuyển giao nhân rộng mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đại trà luôn được thực hiện song hành với nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan. Trong đó, Sở KH và CN đã tập trung nâng cấp các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN, Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN đáp ứng yêu cầu chuyển đổi hoạt động tự chủ theo hướng phân bổ kinh phí trên cơ sở nhiệm vụ được giao thay vì cấp kinh phí hoạt động theo số lượng biên chế. Với cơ chế quản lý mới, các Trung tâm đã phát huy tính chủ động trong hoạt động, tự trang trải tài chính, tự xác định nhiệm vụ KHCN, được chủ động ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và được tổ chức kinh doanh theo quy định của pháp luật… Đây là những yếu tố tạo bước đột phá giúp các tổ chức KHCN công lập có điều kiện để phát triển theo hướng chuyên sâu tập trung cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Sở NN và PTNT có khoảng 10 đơn vị trực thuộc đăng ký tham gia hoạt động KHCN với cơ sở vật chất được đầu tư trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đã có thương hiệu về làm chủ kỹ thuật chọn lọc, nhân dòng lúa mẹ bất dục đực và dòng lúa bố phục hồi nhằm tạo ra nguồn giống gốc phục vụ sản xuất hạt lai F1; tổ chức lai tạo thành công giống lúa Thiên Trường 217 chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ lép, nhiễm bạc lá, khô vằn, rầy thấp hơn các giống lúa TH3-3 và BT7 và có khả năng canh tác trên vùng nhiễm mặn; phục tráng một số cây màu như lạc, đỗ; nhân giống khoai tây Đức, Hà Lan bằng phương pháp nuôi cấy mô; nhân giống phi lao Trung Quốc bằng dâm hom và một số cây trồng thích ứng rộng để trồng rừng phòng hộ. Các Trung tâm: Giống thủy đặc sản tỉnh, Giống hải sản và cá giống Nam Trực đã nâng cấp cơ sở vật chất đủ điều kiện phối hợp với các viện nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh nghiên cứu cải tạo đàn cá bố mẹ nhằm nâng cao chất lượng và sức sống con giống; đồng thời tiến hành khảo nghiệm đưa một số giống mới vào sản xuất, thực hiện đa dạng hoá sản phẩm nuôi phù hợp với quy trình chuyển đổi ở từng vùng nuôi và là đầu mối thực hiện các đề tài nghiên cứu cải tiến môi trường vùng nuôi... Những nỗ lực của các tổ chức KHCN đã khẳng định bước tiến của tỉnh trong sản xuất cây, con giống chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho việc đa dạng hóa cơ cấu giống, đảm bảo năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp. Trong khối doanh nghiệp, việc đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án KHCN ngày càng được chú trọng. Đã có nhiều công trình mang hàm lượng KHCN cao như: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong việc xây dựng nhà máy phân loại hạt giống, sấy, đóng gói, bảo quản lúa giống tại Cty TNHH Cường Tân; chuyển giao công nghệ giết mổ tập trung, chế biến thịt lợn sạch; hỗ trợ công nghệ xử lý môi trường trong việc xây dựng mô hình "Nhà máy chế biến sạch, khu chăn nuôi xanh" tại Cty CP Chế biến nông sản xuất khẩu Nam Định; hoàn thiện công nghệ sử dụng vật liệu địa phương để sản xuất gạch bê tông thay thế gạch đất sét nung tại Cty CP Thương mại Giao Thủy; chuyển giao công nghệ xây dựng Nhà máy Chế biến thuỷ sản Giao Thuỷ; hoàn thiện công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn (LOSIHO) của Cty TNHH Tân Thiên Phú…
 
Bên cạnh những thành công kể trên, công tác xã hội hóa hoạt động KHCN vẫn còn nhiều khó khăn: Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ, máy móc thiết bị lạc hậu nên không đủ khả năng để đổi mới công nghệ.
 
Một số doanh nghiệp lớn có trình độ phát triển cao thì lại đòi hỏi những giải pháp, nghiên cứu mang tính đột phá hơn mà hoạt động KHCN địa phương chưa đáp ứng được. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về hoạt động KHCN còn rất hạn chế và đa phần vẫn giữ tâm lý ỷ lại, trông chờ bao cấp. Để tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động KHCN, thời gian tới, Sở KH và CN tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới cơ chế để thu hút các nguồn lực xã hội. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi kết nối cung - cầu, nâng cao kiến thức quản lý chất lượng, đào tạo lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115 của Chính phủ theo lộ trình. Bên cạnh đó, để xã hội hóa KHCN đạt được kết quả tích cực hơn, rất cần sự hưởng ứng của doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu KHCN, sự phối hợp tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và các tổ chức chuyên ngành khác…
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com