Nghiên cứu khoa học chống xói lở bờ biển

09:06, 23/06/2015

Xói lở bờ biển là dạng thiên tai nặng nề xảy ra hầu hết ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam của nước ta, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, công trình, kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái. Những năm gần đây, bờ biển thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng với quy mô và cường độ ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng đến nhiều công trình ven biển, các tuyến đường giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Trước thực trạng này, Sở KH và CN đã xây dựng nhiệm vụ khoa học và đề nghị các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương cùng phối hợp nghiên cứu, tìm giải pháp hạn chế tình trạng trên. Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo (Bộ NN và PTNT) đã trực tiếp nghiên cứu đánh giá thực trạng xói lở bờ biển và đưa ra một số giải pháp giảm thiểu xói lở bờ vùng, bờ biển của tỉnh.

Thi công công trình kè biển thuộc địa bàn huyện Giao Thủy.Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Thi công công trình kè biển thuộc địa bàn huyện Giao Thủy.
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Tỉnh ta có hơn 70km bờ biển từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy. Theo kết quả tổng hợp của Chi cục Quản lý đê điều (Sở NN và PTNT) và quá trình nghiên cứu, đánh giá hiện trạng xói lở bờ biển của Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo cho thấy, tình trạng xói lở bờ biển xảy ra thường xuyên ở tất cả mọi thời điểm trong năm và mạnh hơn vào mùa đông, sau mỗi kỳ biển động. Đặc biệt, trong thời gian có bão lớn, sóng do bão gây ra có thể phá hoại đê biển và gây xói lở bãi nghiêm trọng. Bình quân mỗi năm, biển lấn sâu vào đất liền trên 15m. Nhiều điểm đê biển thuộc các xã Hải Triều, Hải Hoà, Hải Lý, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) bị xói lở nặng với tốc độ 20-30m/năm. Khu vực bờ biển xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) cũng xảy ra hiện tượng xói lở cục bộ. Cùng với xói lở, ăn sâu vào đất liền, mặt bãi sát chân đê cũng bị bào mòn, hạ thấp khoảng 17-25 cm/năm. Tình trạng này đang trực tiếp đe dọa đến đời sống dân sinh, phá vỡ đê, kè, gây ngập lụt, cũng như xâm nhập mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển kinh tế của vùng. Nguyên nhân chính của hiện tượng xói lở là do bờ biển tỉnh ta nằm ở đới sụt hạ mạnh nhất trong tâm kiến tạo của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trầm tích bãi bồi chủ yếu là cát mịn, mặt đáy bờ ngầm chủ yếu là bùn bột nên rất dễ xói lở và bào mòn trong điều kiện tác động của sóng lớn. Bên cạnh đó, hoàn lưu dòng cát bùn lơ lửng, di chuyển dọc bờ và di chuyển ngang phân tán cát ra vùng nước sâu dẫn đến hiện tượng dòng chảy mạnh, thiếu hụt bùn cát. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khách quan khác gây nên xói lở bờ biển như hiện tượng triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu và hệ quả của việc khai thác nước ngầm quá lớn cho nuôi trồng thủy sản; người dân sinh hoạt, xây dựng các công trình khai thác kinh tế ở vùng ven biển có nền đất yếu; tình trạng phá rừng ngập mặn, hút cát ở các cửa sông, lòng sông... Để hạn chế tình trạng này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra phương án khắc phục bằng cách giữ ổn định vùng bờ, lập lại cân bằng bùn cát theo hướng điều chỉnh dòng vận chuyển bùn cát dọc bờ thông qua 5 giải pháp chính là: khai thác hệ sinh thái cây ngập nước; thiết kế các công trình bảo vệ bãi biển; thiết kế hệ thống kè mỏ hàn chữ T, chữ I và đập phá sóng, đập hướng dòng và tạo bồi cho bãi biển... Trong đó, nhóm các giải pháp xây dựng công trình gồm: tường bờ, đê bờ chắn sóng hoặc các mỏ hàn, mỏ đập chữ I, chữ T, tạo đập phá sóng… để cắt bước sóng, chống xói lở bờ, tạo bãi, đồng thời ngăn nước mặn tràn vào đồng ruộng. Tuy nhiên nhóm giải pháp này chi phí lớn và phải thi công trong thời gian dài với kỹ thuật cao mới đạt kết quả và không lãng phí. Nhóm giải pháp tạo và nuôi bãi chống xói lở bờ biển bằng cách vận chuyển cát, sỏi với khối lượng lớn từ đới biển xa bờ ở ngoài khơi hoặc từ nơi khác đến, tạo ra các bãi cát, sỏi hoặc duy trì phát triển các bãi cát, sỏi vốn đã tồn tại ở đới biển ven bờ để chống xói lở bờ biển. Các bãi cát, sỏi chống xói lở được xây đắp theo nhiều dạng khác nhau như: cồn đụn cát, bờ thềm, mặt cắt và đe cát ngầm… Điều đặc biệt là cần lựa chọn kích thước hạt cát và sỏi, đường kính hạt cát càng lớn càng tốt, ít nhất phải đạt 0,2mm trở lên để tránh bị dòng sóng mạnh cuốn ra biển. Trên cơ sơ đó, khu vực đê biển đông, tây cống Thanh Niên (Giao Thủy); Hải Chính, Hải Thịnh (Hải Hậu); Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) phù hợp với việc áp dụng mỏ hàn chữ T. Giải pháp trồng cây chắn sóng phù hợp với khu vực đê biển huyện Giao Thủy và đoạn từ cửa sông Ninh Cơ tới phía nam cửa Đáy. Đoạn bờ thuộc huyện Hải Hậu nên áp dụng các giải pháp công trình như xây dựng kè mỏ hàn chữ T. Đối với bờ biển khu vực cửa sông Đáy, sông Ninh Cơ nên áp dụng cụm công trình mỏ hàn biển xây dựng 2 bên bờ nhằm tạo lượng ổn định phục vụ giao thông, tăng khả năng thoát lũ, giảm xói lở, tạo điều kiện bồi lắp bờ. Nhóm giải pháp phi công trình cần chú trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về tác hại và các giải pháp phòng, chống xói lở, bồi tụ bờ biển. Ngăn chặn việc phá rừng phòng hộ, canh tác không hợp lý ở khu vực bờ, đồng thời khôi phục thảm rừng ở những đoạn bờ có nguy cơ xói lở đe doạ. Hạn chế việc khai thác khoáng sản, nuôi trồng thuỷ sản bừa bãi, tụ cư ở khu vực bờ biển kém ổn định, nhất là vùng cửa sông, cửa biển. Thực hiện di dời dân, công trình ra khỏi khu vực có nguy cơ xói lở và không quy hoạch, bố trí công trình, cụm dân cư ở gần khu vực có nguy cơ xói lở mạnh.

Những giải pháp chống xói lở bờ biển được Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo đưa ra đã cung cấp cơ sở, luận cứ khoa học quan trọng giúp tỉnh ta chủ động trong việc quyết định các phương án phòng, chống lụt bão, bảo vệ đê biển và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com