Nhằm giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận thông tin, hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh và nâng cao nhận thức, các ngành chức năng đã xác định đưa công nghệ thông tin (CNTT) về nông thôn là một trong những tiêu chí xây dựng NTM và thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh chương trình đưa CNTT về nông thôn.
Cán bộ UBND Thị trấn Gôi (Vụ Bản) ứng dụng CNTT vào công việc chuyên môn. |
Sở TT và TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, CNTT từng bước cải tạo, nâng cao chất lượng hạ tầng thiết bị cung cấp dịch vụ internet ở nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại hóa. Tiêu biểu trong số những doanh nghiệp luôn tập trung các giải pháp đẩy mạnh công tác tối ưu, hợp lý hoá hạ tầng thiết bị cung cấp dịch vụ internet trong những năm qua là VNPT Nam Định. Hiện nay, VNPT Nam Định đang tiếp tục mở rộng mạng truyền dẫn; triển khai dự án đầu tư 150 trạm BTS 3G, nâng tổng số trạm BTS các loại (bao gồm cả 2G và 3G) lên trên 500 trạm phủ kín tất cả các vùng, miền trên toàn tỉnh và tạo ra một xa lộ thông tin đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông, CNTT của nhân dân. Từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp đang dần tiến hành thay thế toàn bộ các tổng đài hiện có trên mạng bằng các tổng đài chuyển mạch đa dịch vụ Multisevice Access, để vừa chuyển đổi các thuê bao cũ, vừa phát triển các điểm chuyển mạch mới. Tại mạng truyền dẫn, các doanh nghiệp đã thực hiện “cáp quang hóa” trên phạm vi toàn tỉnh, phát triển cáp quang đến tất cả các trạm viễn thông, trạm truy nhập, các tuyến cáp quang nội tỉnh có dung lượng trên 622Mbps, vòng RING chính nội tỉnh dung lượng trên 2,5Gbps. Đối với mạng internet, từ năm 2008 đến 2010 đã phát triển mạnh thiết bị truy nhập DSLAM ở khu vực Thành phố Nam Định và trung tâm các huyện; tổng dung lượng lắp đặt đến 2010 là 83.063 port (cổng) đảm bảo số lượng thuê bao tăng. Từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp đã tập trung phát triển mạnh thiết bị truy nhập DSLAM ở khu vực nông thôn; dự kiến đến năm 2015, tổng dung lượng lắp đặt là 268.613 port. Hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 100 trạm dùng chung cơ sở hạ tầng (cột ăng-ten, nhà trạm) của các doanh nghiệp. 100% xã, phường, thị trấn có điểm truy nhập internet công cộng; hệ thống internet còn được triển khai xuống tận các thôn. Bên cạnh đó, ngành chức năng và tổ chức hội, đoàn thể đã quan tâm trang bị kiến thức tin học cho người dân nông thôn. Cụ thể như Sở NN và PTNT đã thành lập trang thông tin điện tử Sở NN và PTNT là một kênh thông tin chuyên sâu về những lĩnh vực bà con nông dân quan tâm, cần tìm hiểu phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Trang thông tin đã thực sự có khả năng thu hẹp "khoảng cách số" nhờ xây dựng được kho thông tin cần thiết, là những tư liệu, kỹ thuật sản xuất trên mạng để người nông dân vận dụng, giúp sản xuất hiệu quả hơn. Tại tất cả các trang thông tin điện tử của các huyện, thành phố đã dành hẳn một số chuyên mục để cung cấp thông tin về hoạt động sản xuất nông nghiệp và cơ bản cung cấp mọi hoạt động, điều hành về sản xuất, sinh hoạt, đời sống văn hóa của địa phương, góp phần hỗ trợ nông dân nắm bắt chính xác nhất về các thông tin nơi mình sinh sống và các diễn biến, quy trình trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đồng đất địa phương. Từ ngày 13-4-2014, huyện Nam Trực đã hoàn thiện việc nâng cấp và đưa Cổng thông tin điện tử huyện vào hoạt động. Để thu hút tối đa nhân dân trong và ngoài huyện tiếp cận thông tin, huyện đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung duy trì hoạt động và hoàn thiện hệ thống thông tin của Cổng thông tin điện tử huyện. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các huyện, thành phố đã thực hiện chương trình "Phổ cập tin học", trong đó chú trọng giới thiệu cho thanh niên nông thôn về máy tính và internet. Chương trình "Nông dân điện tử" cũng được Hội Nông dân tỉnh tổ chức ở các vùng nông thôn với mục tiêu ứng dụng CNTT, tạo điều kiện cho nông dân khai thác thông tin, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Đặc biệt, từ cuối năm 2014, VNPT Nam Định đã thực hiện chương trình hợp tác chiến lược về viễn thông và CNTT giai đoạn 2014-2020 với UBND các huyện, thành phố. Theo đó, chương trình hợp tác sẽ được triển khai 3 lĩnh vực gồm: Xây dựng hạ tầng viễn thông - CNTT và truyền thông nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai xây dựng chính quyền điện tử của các huyện trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử; Ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành của huyện; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực viễn thông - CNTT và truyền thông. Theo chương trình ký kết, VNPT Nam Định sẽ bảo đảm cơ sở hạ tầng mạng thông tin đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho tất cả các cơ quan Nhà nước, từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử của các huyện; triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin. Phối hợp với UBND các huyện hợp tác đào tạo nguồn nhân lực viễn thông - CNTT cho cán bộ các phòng, ban và các đơn vị trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông tin, dân chủ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành TT và TT, hiện nay nhiều chương trình ứng dụng CNTT được triển khai, song kết quả người dân vùng nông thôn ứng dụng CNTT còn khá khiêm tốn. Lượng người ứng dụng CNTT chủ yếu là đội ngũ cán bộ, công chức với các kiến thức CNTT phục vụ hoạt động hành chính, sự nghiệp. Số lượng người dân là nông dân, hộ kinh doanh, sản xuất công nghiệp tiếp cận và ứng dụng CNTT vào thực tế sản xuất cũng như sử dụng CNTT là kênh quảng bá để các loại nông sản, sản phẩm công nghiệp vùng nông thôn được giới thiệu thương hiệu, hoặc trở thành môi trường giúp phát triển kinh tế nông thôn còn ít. Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT trong mọi mặt hoạt động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, tinh thần tại vùng nông thôn, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối internet băng rộng; ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tại khu vực các tuyến đường, phố, khu đô thị, KCN xây dựng mới. Đến năm 2020 sẽ phát triển 230 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ tới cấp xã theo hướng doanh nghiệp viễn thông phối hợp với Bưu điện tỉnh cung cấp dịch vụ tại 198 điểm Bưu điện - văn hóa xã (BĐVHX). Trước mắt, Bưu điện tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thành lập thí điểm 10 Trung tâm thông tin cộng đồng tại 10 điểm BĐVHX trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Tại các trung tâm, các doanh nghiệp viễn thông có phương án tài trợ máy tính và đường truyền internet miễn phí để đạt mục tiêu mỗi điểm BĐVHX triển khai thí điểm được trang bị từ 2-4 bộ máy vi tính có đường truyền tốc độ cao phục vụ người dân đến khai thác tài nguyên thông tin mạng. Cùng với việc hiện đại hóa hạ tầng CNTT, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của ứng dụng CNTT trong xây dựng NTM. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp xã đạt trình độ CNTT tối thiểu; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; động viên, phát triển mạnh mẽ phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh tình nguyện phổ cập CNTT cho nông dân. Khuyến cáo các doanh nghiệp viễn thông áp dụng chính sách, cơ chế đặc thù cho nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận dịch vụ CNTT nhanh hơn, rẻ hơn và phải kịp thời xây dựng và đưa vào sử dụng các phần mềm ứng dụng, các nội dung số, mô hình CNTT phù hợp với khu vực nông thôn để đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn... Trong đó, quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình mẫu về ứng dụng CNTT phục vụ phát triển NTM theo hướng thân thiện, gần gũi, dễ sử dụng, chi phí thấp. Xây dựng cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử phục vụ NTM tạo nên các diễn đàn để nông dân trao đổi, hỏi đáp và cập nhật các kinh nghiệm sản xuất./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý